Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ

PV.

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 quy định: Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật; Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm…

Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015 cũng quy định cá nhân có quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể (Điều 33); quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 34).

Hành vi xâm phạm quyền sống của con người được coi là một trong những hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất và bị pháp luật nghiêm trị. Bộ luật Hình sự năm 2015 dành riêng Chương XIV (từ Điều 123 đến Điều 156) quy định hình phạt đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.

Người bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật như: (i) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát; (ii) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam, gây thương tích; (ii) Gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loại tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam (tùy mức tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc từ 61% trở lên)… sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 157 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hiện nay Việt Nam vẫn duy trì án tử hình, tuy nhiên mức án này chỉ áp dụng đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng. Bộ luật hình sự 2015 tiếp tục bỏ án tử hình ở 08 tội danh và quy định người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử không bị áp dụng hình phạt tử hình.

Các trường hợp bị kết án tử hình nhưng không bị thi hành mà chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân gồm có: phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.