Tính phương án phục hồi kinh tế trong điều kiện mới
Dịch COVID-19 làm hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN) phải ngừng sản xuất, rời thị trường do không “trụ” được trước làn sóng thứ tư của đại dịch. Tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), kinh tế chủ lực là nông nghiệp, thủy sản, việc gãy, gián đoạn các chuỗi cung ứng nguyên liệu và DN ngừng sản xuất làm nông dân, DN cùng gặp khó. Hiện một số địa phương tính đến phương án phục hồi sản xuất sau giãn cách. Các chuyên gia cho rằng, phục hồi kinh tế không thể dàn đều mà cần dựa vào “sức khỏe” của DN.
Phục hồi dựa vào “sức khỏe” doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), đại dịch COVID-19 đang diễn ra là một khủng hoảng khó lường và gây ảnh hưởng vô cùng to lớn. Hầu như không một ngành hay lĩnh vực nào không chịu ảnh hưởng. Nếu như đợt dịch năm 2020, Việt Nam chống dịch thành công, các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng chủ yếu là nguồn cung ứng từ nước ngoài cho công nghiệp chế tạo thì đợt dịch năm nay toàn miền Nam bị ảnh hưởng.
Riêng ĐBSCL, kinh tế chủ lực là chế biến nông sản, việc đứt gãy toàn bộ chuỗi cung ứng trong sản xuất và tiêu thụ đẩy cả nông dân và DN đều gặp khó. Theo thống kê của VCCI Cần Thơ chỉ trong 3 tháng gần đây, toàn vùng ĐBSCL đã có hơn 10.000 DN rời thị trường, cho thấy sức khỏe của DN đang xấu đi.
“Khủng hoảng do dịch bệnh là điều khó lường và bất khả kháng. Vì vậy, phải có những đánh giá đầy đủ và tổng kết sau từng giai đoạn mới xây dựng chính sách hiệu quả. Trước mắt, Chính phủ đã có những giải pháp kịp thời như: giảm lãi suất, giãn nợ, thuế, BHXH; giảm thu phí các nguồn lực đầu vào cho DN, hỗ trợ cho người lao động mất việc... Song về dài hạn, sự kiệt quệ gây ra từ dịch bệnh COVID-19 đã làm cho DN mất đi nguồn lực, sức cạnh tranh và khả năng phục hồi sau đại dịch là rất yếu. Mục tiêu lớn nhất lúc này là ngăn chặn được dịch bệnh để có thể trở lại trạng thái sinh hoạt bình thường. Khi đó DN mới có thể tham gia sản xuất kinh doanh ổn định. Cho nên chính sách lúc này là đảm bảo đời sống người dân và duy trì hoạt động sản xuất ở mức tối thiểu” - ông Lam đề xuất.
Theo ông Lam, để DN duy trì hoạt đồng, cần ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động, duy trì chính sách giảm lãi suất và khoanh giãn nợ. Một số DN gặp khó khăn về tài chính cần ưu tiên nhận được gói vay để trả lương công nhân nhằm duy trì hoạt động. Giai đoạn tiếp theo cần có một bước đánh giá tình hình của DN để ra những chính sách thích ứng và phù hợp hơn. Sau khi khống chế được dịch và trở về trạng thái bình thường, để tạo nền tảng phát triển ổn định, đầu tư hạ tầng cần được xem là một ưu tiên để tạo tiền đề cho sự phát triển. Các chính sách khuyến khích đầu tư cần ưu tiên cho logistics và đổi mới công nghệ sản xuất là rất cần cho ĐBSCL.
TS. Trần Hữu Hiệp - Chuyên gia kinh tế ĐBSCL, cho rằng: “Chưa bao giờ DN bị tác động lớn như hiện nay. Năng lực DN của vùng ĐBCSL yếu kém, nên khó càng khó. Vấn đề hỗ trợ DN không phải bây giờ mới đặt ra. Nhưng đến nay, nhiều DN vẫn chưa nhận được chính sách hỗ trợ từ năm 2020. Điều đó cho thấy rằng, chúng ta phải rà soát lại các chính sách để có “toa thuốc” phù hợp với các nhóm DN.
Rõ ràng DN bệnh nặng cần “toa thuốc” khác. Nếu DN không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh thì không thể nói đến chuyện sản xuất, nhưng nếu chúng ta khống chế được dịch bệnh thì vấn đề phục hồi sản xuất bằng cách nào? Cần phải được tính toán căn cơ”. Theo TS. Hiệp, chính sách phục hồi sản xuất không thể áp dụng đại trà, mà phải chọn lọc dựa trên “sức khỏe” của từng DN, từng ngành hàng, lĩnh vực.
“Nối mạch” thị trường
Là DN chuyên xuất khẩu trái cây vào nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Đại Thuận Thiên (TP. Cần Thơ), cho biết: “Trong đại dịch lần này là dịp để nhìn nhận lại toàn bộ chuỗi giá trị nông sản để khắc phục những hạn chế, đứt gãy và đưa ra cách giải quyết bền vững hơn”. Theo ông Cung, chuỗi cung ứng và tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL thời gian qua luôn thiếu bền vững do DN và nông dân thiếu sự tin tưởng lẫn nhau. Điều này bất lợi cho nông sản nếu muốn đi xa hơn.
“Nông dân cần sản xuất theo đơn đặt hàng và tiêu chuẩn mà DN đưa ra. Bởi vì, DN hiểu rõ thị trường xuất khẩu cần gì và chất lượng như thế nào. Và DN cũng cần sự “thủy chung” của nhà nông. Sự hục hặc lâu nay phổ biến là nông dân luôn muốn bán hàng và có ngay tiền mặt, mà DN chậm trả là dân bỏ ngang. Muốn bền chặt thì mối liên kết các bên phải được xây dựng trên sự tin tưởng và thủy chung với nhau, không vì một chút khó khăn mà thoái lui. Có như vậy, nông sản Việt mới có thể đi vào chuỗi toàn cầu bền vững hơn” - ông Cung nói.
TS. Trần Hữu Hiệp cũng cho rằng, DN ở ĐBSCL vốn đã ốm yếu, trải quả 3 làn sóng dịch bệnh thì đến làn sóng thứ tư này “bệnh” trầm kha hơn. Nhưng phục hồi sản xuất bằng cách nào, nếu các địa phương khống chế được dịch bệnh thì phải có kịch bản từ bây giờ. Phục hồi sản xuất phải tính đến 3 vấn đề: vốn, thị trường cho sản phẩm và nhân lực. “Ở ĐBSCL trọng điểm vẫn là nông nghiệp, thủy sản, ngoài vốn thì chúng ta phải tính toán phương án phục hồi gắn với thị trường, sản phẩm của DN và “sức khỏe” của từng DN. Vấn đề nữa là lao động, Nhà nước cần hỗ trợ cho lao động như thế nào. Và cuối cùng là vấn đề công nghệ để giúp DN bán hàng, nâng cao giá trị chuỗi nông sản” - TS Hiệp nói.
Cần nhận diện và đề ra các giải pháp khắc phục. Chính phủ đã có những chính sách miễn, giảm nợ, giãn thuế cho DN… thì các Bộ, ngành và địa phương phải triển khai sớm, đúng đối tượng. “Chính sách không thể cho đại trà các DN, mà phải dựa vào năng lực của từng DN. Đồng thời phải xem sự hấp thụ chính sách của DN. Hai vấn đề này phải gắn lại với nhau. Bởi chúng ta đang trong tình huống chưa có tiền lệ của đại dịch. Sự lúng túng, chệch choạc là tất nhiên. Nhưng phải thừa nhận sự lúng túng, để có giải pháp tốt hơn. Dịch bệnh cũng là dịp để thấy rõ lại các điểm yếu về an sinh xã hội, hệ thống y tế, phát triển kinh tế… Nhưng giải quyết tăng trưởng kinh tế phải gắn với an sinh xã hội” - TS Hiệp nêu quan điểm.
Ngoài các điểm nghẽn cần tính đến ở trên, cần nâng cao năng lực thích ứng. Tư duy này phải được tiếp cận chủ động, phải phối hợp liên ngành, liên vùng. Phối hợp nhưng phải có cơ chế vận hành và có sự thống nhất. Thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, đưa công nghệ mới thay thế cái cũ, lạc hậu… Theo TS. Hiệp, mọi dự báo đã bị đảo ngược, do sự dịch chuyển mạnh mẽ của thị trường trong đại dịch. Vì vậy, không có con đường nào khác ngoài con đường đầu tư, ứng dụng công nghệ. Thương mại điện tử là cứu cánh trong dịch bệnh. Nên phải phối hợp, liên kết, ai mà rời rạc thì không thể tồn tại. Nhìn câu chuyện lưu thông hàng hóa vừa qua và kéo dài đến bây giờ vì sao gãy. Đó là thiếu liên kết, thiếu phối hợp.
Một vấn đề khác nữa là “sự di cư ngược” trong đại dịch. Nhiều năm nay, các địa phương ở ĐBSCL đã bắt đầu cảm nhận sự thiếu vắng lao động ở các vùng nông thôn, do dân tìm đến TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… tìm việc. Còn giờ là sự trở về cố hương. Như vậy, DN sẽ thiếu lao động do cuộc “di cư ngược” này. “Các địa phương cần phải tính toán ngay từ bây giờ, chứ không thể để bình thường mới rồi mới tính. Chính quyền địa phương cần chia sẻ với TP Hồ Chí Minh, thể hiện trách nhiệm. Đây không phải là bài toán an cư ngay lúc dịch mà còn là bài toán cho thị trường lao động dài lâu” - TS. Hiệp khẳng định.