Khoảng cách nới rộng trong phục hồi kinh tế toàn cầu

Theo Hải Yến/thitruongtaichinhtiente.vn

Dự báo tăng trưởng toàn cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố ngày hôm nay (27/7/2021) vẫn là 6% cho năm 2021, không thay đổi so với triển vọng trước đó, nhưng cơ cấu đã thay đổi. Theo đó, kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi nhưng với khoảng cách ngày càng lớn giữa các nền kinh tế phát triển với nhiều thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển trong năm nay đã được cải thiện 0,5 điểm phần trăm, nhưng điều này được bù đắp đúng bằng với tỷ lệ điều chỉnh giảm đối với thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển do sự tụt hạng đáng kể của khu vực châu Á mới nổi. Đối với năm 2022, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu là 4,9%, tăng so với dự báo trước đó là 4,4%. Nhưng một lần nữa, về cơ bản đây là một sự điều chỉnh tăng đáng kể cho các nền kinh tế phát triển và khiêm tốn hơn cho thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

IMF ước tính đại dịch đã làm giảm thu nhập bình quân đầu người ở các nền kinh tế phát triển 2,8% mỗi năm, tương ứng với xu hướng trước đại dịch giai đoạn 2020-2022, so với mức sụt giảm bình quân đầu người hàng năm ở mức 6,3% mỗi năm đối với các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển (ngoại trừ Trung Quốc).

Những điều chỉnh này phản ánh sự khác biệt quan trọng trong diễn biến đại dịch COVID-19 khi biến thể Delta xuất hiện. Gần 40% dân số ở các nền kinh tế phát triển đã được tiêm phòng đầy đủ, so với 11% ở các nền kinh tế mới nổi và một phần nhỏ ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp. Tỷ lệ tiêm chủng nhanh hơn dự kiến và trở lại trạng thái bình thường đã dẫn đến việc điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng, trong khi tình trạng thiếu tiếp cận với vắc xin và các đợt lây nhiễm COVID-19 mới ở một số quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ, đã dẫn đến việc điều chỉnh giảm.

Sự khác biệt trong hỗ trợ chính sách là nguyên nhân thứ hai gây ra sự chia tách ngày càng sâu sắc. Các khoản hỗ trợ tài chính đáng kể đang được tiếp tục ở các nền kinh tế phát triển với 4,6 nghìn tỷ đô la được chi dùng cho các biện pháp liên quan đến đại dịch trong năm 2021 và xa hơn thế nữa. Việc điều chỉnh tăng trưởng toàn cầu theo hướng tăng lên cho năm 2022 phần lớn phản ánh hỗ trợ tài chính bổ sung dự kiến ở Hoa Kỳ và từ các quỹ của Liên minh châu Âu dành cho thế hệ tiếp theo.

Mặt khác, ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, hầu hết các biện pháp đã hết hạn vào năm 2020 và họ đang tìm cách xây dựng lại vùng đệm tài khóa. Một số thị trường mới nổi như Brazil, Hungary, Mexico, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt đầu nâng lãi suất chính sách tiền tệ để tránh áp lực tăng giá. Các nhà xuất khẩu hàng hóa đã được hưởng lợi từ giá hàng hóa cao hơn dự đoán.

Lo ngại lạm phát

Dư chấn từ cuộc biến động năm ngoái đặt ra những thách thức chính sách độc nhất. Nhu cầu gia tăng và các nút thắt trong chuỗi cung ứng đang gây áp lực lên giá cả. Tuy nhiên, ở hầu hết các nền kinh tế phát triển, lạm phát dự kiến sẽ giảm xuống mức trước đại dịch vào năm 2022 vì những lý do sau:

Thứ nhất, một phần đáng kể của việc chỉ số lạm phát cao bất thường là tạm thời, do các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch như du lịch và khách sạn, và so với các chỉ số thấp bất thường của năm ngoái chẳng hạn như giá hàng hóa.

Thứ hai, tỷ lệ việc làm nói chung vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch ở hầu hết các quốc gia, trong khi một số ngành có mức tăng lương nhanh thì tăng trưởng tiền lương nói chung vẫn nằm trong phạm vi bình thường. Khi các chỉ số về sức khỏe được cải thiện và các biện pháp hỗ trợ thu nhập đặc biệt hết hiệu lực, khó khăn về tuyển dụng trong một số lĩnh vực nhất định sẽ giảm bớt và giảm bớt áp lực tiền lương.

Thứ ba, kỳ vọng lạm phát dài hạn (được đo lường bằng các cuộc khảo sát và các biện pháp dựa trên thị trường) vẫn được giữ vững và các yếu tố như tự động hóa – làm giảm độ nhạy của giá cả trước những thay đổi trong nhu cầu và khả năng cung cấp của thị trường lao động có thể đã gia tăng thông qua đại dịch.

Tuy nhiên, đánh giá này có độ không chắc chắn đáng kể do bản chất của quá trình phục hồi này chưa được ghi nhận. Sự gián đoạn nguồn cung liên tục hơn và giá nhà ở tăng mạnh là một số trong những yếu tố có thể dẫn đến lạm phát cao liên tục. Hơn nữa, lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào năm 2022 ở một số thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, một phần liên quan đến áp lực giá lương thực tiếp tục và mât giá đồng tiền - tạo ra một sự chia rẽ khác.

Mặc dù việc tiếp cận vắc xin rộng rãi hơn có thể cải thiện triển vọng, nhưng rủi ro trên cán cân vẫn nghiêng về phía giảm. Sự xuất hiện của các biến thể virus có khả năng lây nhiễm cao có thể làm chệch hướng sự phục hồi và quét sạch 4,5 nghìn tỷ đô la khỏi GDP toàn cầu vào năm 2025. Nếu có một đánh giá lại đột ngột về triển vọng chính sách tiền tệ, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, các điều kiện tài chính cũng có thể thắt chặt đột ngột trong bối cảnh định giá tài sản bị kéo dài,. Hay cũng có thể là khoản chi kích thích kinh té ở Hoa Kỳ có thể tỏ ra yếu hơn dự kiến. Một đại dịch tồi tệ hơn và các điều kiện tài chính thắt chặt sẽ gây ra tác động kép đối với thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, đồng thời cản trở sự phục hồi của các quốc gia này.

Các chính sách nhằm ngăn chặn sự khác biệt và cải thiện triển vọng

Hành động đa phương là cần thiết để đảm bảo khả năng tiếp cận nhanh, trên phạm vi toàn cầu đối với vấn đề vắc xin, chẩn đoán và điều trị bệnh. Điều này sẽ cứu vô số mạng sống, ngăn chặn các biến thể mới xuất hiện và thêm hàng nghìn tỷ đô la cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đề xuất gần đây của nhân viên IMF về việc chấm dứt đại dịch, được Tổ chức Y tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới tán thành, đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số ở mọi quốc gia vào cuối năm 2021 và ít nhất 60% trước giữa năm 2022, cùng với việc đảm bảo chẩn đoán và điều trị đầy đủ với chi phí ước tính là 50 tỷ đô la.

Để đạt được các mục tiêu này, ít nhất 1 tỷ liều vắc xin phải được chia sẻ vào năm 2021 bởi các quốc gia có vắc xin dư thừa và các nhà sản xuất vắc xin cần ưu tiên phân phối đến các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Điều quan trọng là phải dỡ bỏ các hạn chế thương mại đối với đầu vào vắc xin và vắc xin thành phẩm và đầu tư thêm vào năng lực vắc xin trong khu vực để đảm bảo đủ sản xuất. Việc cung cấp khoản tài trợ khoảng 25 tỷ đô la cho chẩn đoán, điều trị và có đủ cơ số vắc xin ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp cũng rất cần thiết.

Một ưu tiên liên quan khác là đảm bảo rằng các nền kinh tế bị hạn chế về tài chính duy trì khả năng tiếp cận với thanh khoản quốc tế. Các ngân hàng trung ương lớn nên thông báo rõ ràng về triển vọng chính sách tiền tệ cuả mình và đảm bảo rằng lo ngại lạm phát không dẫn tới việc kích hoạt việc thắt chặt quá nhanh các điều kiện tài chính. Phân bổ chung về Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) tương đương 650 tỷ đô la (250 tỷ đô la cho thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển), theo đề xuất của IMF, cần được hoàn thành nhanh chóng để cung cấp bộ đệm thanh khoản cho các quốc gia và giúp họ giải quyết các nhu cầu chi tiêu thiết yếu của mình. Tác động có thể được gia tăng hơn nữa nếu các quốc gia giàu tự nguyện chuyển các SDR của họ sang các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Cuối cùng, cần có những hành động lớn hơn để đảm bảo rằng Khuôn khổ chung G20 thực hiện thành công việc tái cơ cấu nợ cho các quốc gia mà nợ đã không bền vững.

Thách thức lớn khác là giảm lượng khí thải carbon và làm chậm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu để tránh các kết quả thảm khốc về kinh tế và sức khỏe. Sẽ cần một chiến lược đa hướng với định giá carbon là trọng tâm. Doanh thu từ các cơ chế định giá carbon nên được sử dụng để tài trợ để bù đắp cho những người bị tổn thương bởi quá trình chuyển đổi năng lượng. Song song đó, cần thúc đẩy cơ sở hạ tầng xanh và trợ cấp cho các nghiên cứu về công nghệ xanh để đẩy nhanh tiến độ giảm phụ thuộc vào các-bon. Cho đến nay, chỉ có 18% chi tiêu phục hồi kinh tế là dành cho các hoạt động carbon thấp.

Các chính sách cấp quốc gia cần thiết để củng cố các nỗ lực đa phương nhằm đảm bảo sự phục hồi

Các nỗ lực chính sách ở cấp quốc gia cần tiếp tục được điều chỉnh cho phù hợp với các giai đoạn của đại dịch:

Thứ nhất, để thoát khỏi khủng hoảng ngay cần ưu tiên chi tiêu cho y tế, bao gồm cả tiêm chủng, và hỗ trợ có mục tiêu cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng;

Tiếp theo, để đảm bảo sự phục hồi với trọng tâm là hỗ trợ chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng hơn, tùy thuộc vào không gian sẵn có, bao gồm các biện pháp khắc phục để đảo ngược sự thiếu hụt trong giáo dục và hỗ trợ tái phân bổ lao động và vốn cho các lĩnh vực đang phát triển thông qua trợ cấp tuyển dụng có mục tiêu và các cơ chế giải quyết phá sản hiệu quả;

Cuối cùng, đầu tư vào tương lai, bằng cách thúc đẩy các mục tiêu dài hạn như tăng cường năng lực sản xuất, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang giảm phụ thuộc vào các-bon, khai thác các lợi ích của số hóa và đảm bảo lợi ích được chia sẻ một cách công bằng.

Các hành động tài khóa nên được lồng ghép trong một khuôn khổ tài khóa trung hạn đáng tin cậy để đảm bảo chỉ tiêu nợ vẫn ổn định. Đối với nhiều quốc gia, điều này sẽ liên quan đến việc nâng cao năng lực thuế, tăng tính lũy tiến của thuế và loại bỏ các khoản chi tiêu lãng phí. Các nước đang phát triển có thu nhập thấp cũng sẽ cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của quốc tế.

Các ngân hàng trung ương nên tránh các chính sách thắt chặt sớm khi đối mặt với áp lực lạm phát nhất thời nhưng nên chuẩn bị sẵn sàng để hành động nhanh nếu kỳ vọng lạm phát dài hạn có dấu hiệu thay đổi. Các thị trường mới nổi cũng nên chuẩn bị cho tình huống các điều kiện tài chính bên ngoài có thể thắt chặt hơn bằng cách kéo dài thời gian đáo hạn nợ, nếu có thể và hạn chế sự tích tụ nợ ngoại tệ chưa được xử lý.

Sự phục hồi không được đảm bảo cho đến khi đại dịch được đánh bại trên toàn cầu. Các hành động chính sách được quan tâm và định hướng tốt ở cấp độ đa phương và quốc gia có thể tạo ra sự khác biệt giữa một tương lai nơi mà tất cả các nền kinh tế đều phục hồi lâu dài hoặc một nơi mà sự phân hóa ngày càng gia tăng, người nghèo trở nên nghèo hơn, và bất ổn xã hội và căng thẳng địa chính trị gia tăng.