Tỉnh Quảng Nam tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giúp nuôi dưỡng nguồn thu

Tuấn Anh

Nhiều chủ đầu tư các dự án bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang đối mặt với hàng loạt áp lực từ lãi vay, tiến độ giải phóng mặt bằng, nợ thuế, nợ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc tỉnh Quảng Nam tập trung tháo gỡ khó cho doanh nghiệp sẽ giúp nuôi dưỡng nguồn thu trong thời gian tới.

Tháo gỡ cho doanh nghiệp bất động sản

Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp BĐS phải giải thể, phá sản; Nhiều dự án BĐS nằm "bất động" thời gian dài vì vướng giải phóng mặt bằng khi người dân không đồng thuận, khiến tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, lũy kế thu đạt 682 tỷ đồng, chỉ đạt 25,3% dự toán và bằng 50,1% so với cùng kỳ.

Một góc cụm công nghiệp Thanh Hà, (phường Thanh Hà, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Q.T
Một góc cụm công nghiệp Thanh Hà, (phường Thanh Hà, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Q.T

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cũng gặp nhiều khó khăn do khan hiếm vật liệu xây dựng. Riêng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại dịch vụ thì khó khăn về mặt bằng, xuất nhập khẩu hàng hóa…

Vướng mắc lớn khác với doanh nghiệp là thủ tục giao đất. Trước đây, các dự án được giao đất nhiều đợt theo tình hình giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ đạo căn cứ theo từng giai đoạn của dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận để giao đất là chưa phù hợp đối với các dự án thuộc diện chuyển tiếp. Theo các doanh nghiệp, trước đây, tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà ở đều không phân kỳ đầu tư. Do đó, hiện nay các dự án phải chờ hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% diện tích mới được giao đất, cho thuê đất.

Nhà đầu tư cho hay thực tế có nhiều dự án phải bố trí tái định cư tại chỗ, người dân phải được bố trí tái định cư trước mới đồng ý bàn giao đất. Đồng thời, công tác giải phóng mặt bằng luôn là công tác nhiều khó khăn vướng mắc, vì vậy, việc thực hiện giải phóng mặt bằng 100% trong một khoảng thời gian là bất khả thi và không thể thực hiện được.

Cùng với đó, việc cho chủ trương giao đất “da beo” nhưng lại không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không được tách thửa chuyển nhượng cũng không đem lại ý nghĩa tháo gỡ cho các chủ đầu tư. Vì vậy, doanh nghiệp muốn tỉnh Quảng Nam cho phép giao đất theo từng lần phát sinh như trước đây, đặc biệt là đối với các dự án dở dang, tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục xây dựng hoàn thiện dự án, bàn giao đưa vào sử dụng.

Thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp

Thông tin về tình hình kinh tế 9 tháng năm 2024, ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, kinh tế Tỉnh quý III/2024 tăng trưởng ấn tượng và điều này đã kéo kinh tế của Tỉnh từ đầu năm đến nay thoát hoàn toàn khỏi ngưỡng tăng trưởng âm.

Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính 9 tháng tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023; riêng quý III tăng 12,7%. Quy mô nền kinh tế tỉnh đạt gần 91.000 tỷ đồng, mở rộng gần 8.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. 

Trong đó, Quảng Nam tập trung chủ yếu ở khu vực công nghiệp - xây dựng mở rộng hơn 3.700 tỷ đồng; tiếp đến là khu vực dịch vụ 2.600 tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản gần 971 tỷ đồng; thuế sản phẩm và trợ cấp sản phẩm 642 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam đã tổ chức nhiều đoàn công tác trực tiếp đến hiện trường các dự án, gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp. Đáng chú ý, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND Tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Tuấn Anh
Ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Tuấn Anh

Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác giúp UBND Tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành và địa phương…

Đối với vấn đề áp dụng Luật Đất đai mới, các nhà đầu tư cho hay từ khi Luật Đất đai mới được ban hành đến nay, rất nhiều thủ tục hành chính về đất đai bị tạm dừng do chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan cấp trên có thẩm quyền, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các hộ dân. Vì vậy, các doanh nghiệp đề xuất, báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam để có hướng dẫn cụ thể để cơ quan chuyên môn tiếp tục xử lý hồ sơ cho người dân cũng như doanh nghiệp.

Về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện nay tỉnh Quảng Nam đang dừng thực hiện việc chuyển nhượng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng nhận chuyển nhượng các nền đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số dự án chưa hoàn thành 100% hạ tầng, bàn giao đưa vào sử dụng. Việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng, gây ra rất nhiều khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp của khách hàng.

Đặc biệt, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND Tỉnh cũng đã có những cuộc họp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; từng sở, ngành, địa phương cũng đều rất quyết liệt vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Tuy nhiên, có những nội dung vượt thẩm quyền, tỉnh phải kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.

Ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Bởi các doanh nghiệp còn vướng mắc về cơ chế chính sách… do đó dù rất muốn nhưng cũng không thể làm khác được. Tuy nhiên, chúng ta không tháo gỡ thì còn nhiều doanh nghiệp điêu đứng hơn nữa. Số doanh nghiệp bị loại ra khỏi “cuộc chơi” của thị trường sẽ rất nhiều. Vừa rồi, tỉnh Quảng Nam làm quyết liệt vấn đề này để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trong thời gian nay. Bên cạnh đó, địa phương cũng có nhiều cách làm giúp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp". 

Ông Lê Văn Dung xác định doanh nghiệp là một động lực của sự phát triển. Vì vậy, tỉnh Quảng Nam cũng đồng hành với doanh nghiệp một cách thật sự và tháo gỡ khó khăn trong điều kiện có thể. Tuy nhiên, vị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng nhấn mạnh việc phải làm đúng theo quy định của pháp luật.

Thu ngân sách đạt gần 70%

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt thời gian qua của tỉnh, rất nhiều doanh nghiệp đã trụ lại được với cơ chế thị trường hiện nay để nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà. Cục Thống kê tỉnh cho thấy 9 tháng qua, tỉnh tăng trưởng được 5,9% (riêng trong quý III tăng trưởng 12,3%); thu ngân sách đến thời điểm này đạt gần 70%.

Từ đầu năm đến hết ngày 30/9/2024, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 11.545 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính cả số thuế được gia hạn theo các nghị định của Chính phủ, tổng thu ngân sách lên tới 15.195 tỷ đồng, đạt 75,6% dự toán và bằng 96,6% so với cùng kỳ.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp nhà nước) trung ương: số thu lũy kế bao gồm số thuế gia hạn là 599 tỷ đồng, đạt 71,7% dự toán. Khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương: số thu lũy kế bao gồm số thuế gia hạn đạt 71,2 tỷ đồng, tương ứng 101,8% dự toán. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: thu lũy kế bao gồm số thuế gia hạn là 1.016 tỷ đồng, đạt 68,6% dự toán.

Ước thu ngân sách nhà nước 9 tháng gần 14.435 nghìn tỷ đồng, đạt 61,2% dự toán (thấp hơn tiến độ thu 14%) bằng 96% so với cùng kỳ. Dự kiến đến cuối năm thu đạt 24.029 nghìn tỷ đồng, bằng 102% dự toán.

Tính đến ngày 16/9/2024, có 813 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; có 1281 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể. Từ đầu năm đến nay, đã cấp mới 25 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 4,8 nghìn tỷ đồng; cấp mới 8 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 126,6 triệu USD.

Đánh giá của Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho thấy để có được kết quả to lớn này, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng.