Tăng cường quản lý rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

PV. (t/h)

Thống kê cho thấy, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 39,570 tấn rác thải sinh hoạt (RTSH) có khả năng thất thoát ra môi trường, trong đó chứa khoảng 2,11 tấn rác thải nhựa (RTN). Trước thực trạng đó, ngày 02/6/2023, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND về quản lý rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn Tỉnh.

Tại tỉnh Trà Vinh, mỗi ngày có 39,570 tấn rác thải sinh hoạt có khả năng thất thoát ra môi trường.
Tại tỉnh Trà Vinh, mỗi ngày có 39,570 tấn rác thải sinh hoạt có khả năng thất thoát ra môi trường.

Mỗi ngày có 39,570 tấn rác thải sinh hoạt có khả năng thất thoát ra môi trường

Số liệu thống kê cho thấy, lượng RTSH phát sinh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh từ năm 2017-2021 dao động trong khoảng 371,73 tấn/ngày đến 500,721 tấn/ngày. Theo số liệu từ kết quả khảo sát dựa trên ước lượng của 1.116 người dân trong năm 2021 tại tỉnh Trà Vinh, tỷ lệ rác RTN trong RTSH tại Trà Vinh là 5,32%, dựa trên các mẫu phân loại rác tại Trà Vinh, tỷ lệ RTN trong RTSH từ hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và từ các chợ ở mức cao nhất, cụ thể tỷ lệ RTN trong RTSH tại các khu du lịch dao động 13,3-83,3% và ở các chợ truyền thống dao động 23,3-45,24%.

RTSH phát sinh trong quá trình đánh bắt cá rất ít, không có rác thải nhựa trong quá trình hoạt động trên biển (do đã được thả xuống biển hoặc bán cho người thu mua khi vào bờ như các ngư cụ hỏng không sử dụng), chủ yếu từ ăn uống của ngư dân (RTN chiếm tỷ lệ rất nhỏ) được thải trực tiếp xuống biển. Với các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, RTN phát sinh chủ yếu từ bao bì chứa thức ăn nuôi, trồng thủy sản, các sản phẩm nhựa chứa thuốc, hóa chất dùng trong nuôi, trồng thủy sản.

Theo thống kê tống khối lượng RTSH phát sinh trên địa bàn tỉnh năm 2022 là 482,67 tấn/ngày (trong đó: RTSH đô thị phát sinh 195,32 tấn/ngày, RTSH nông thôn phát sinh 287,35 tấn/ngày). Khối lượng RTSH đô thị được thu gom, xử lý là 194,35 tấn/ngày (đạt tỷ lệ 99,5%), khối lượng RTSH nông thôn được thu gom, xử lý là 248,75 tấn/ngày (đạt tỷ lệ 86,57%). Như vậy, mỗi ngày có 39,570 tấn RTSH có khả năng thất thoát ra môi trường, trong đó chứa khoảng 2,11 tấn RTN (5,32%).

Tại Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 02/6/2023 về quản lý rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, UBND tỉnh đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Giảm thiểu 50% RTN trên biển; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; Đảm bảo tối thiểu một năm một lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm ven biển trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu đến năm 2030: Giảm thiểu 75% RTN trên biển; Đảm bảo 100% ngư cụ thủy hải sản thải bỏ được thu gom; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ khác ven biển trên địa bàn tỉnh không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; Đảm bảo tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm ven biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Đồng bộ giải pháp

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, UBND tỉnh Trà Vinh đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:

Một là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và RTN

- Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về tác hại của các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy đối với sức khỏe con người, các hệ sinh thái biển, môi trường, biển và đại dương; cách thức, ý nghĩa của việc phân loại chất thải tại nguồn, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; thu gom, xử lý RTN khu vực ven biển, trên biển.

- Tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tái chế, tái sử dụng RTN, giảm thiểu sử dụng nhựa và túi ni lông, thay thế bằng sản phẩm thân thiện môi trường, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

- Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt, các sáng kiến có giá trị, đồng thời triển khai nhân rộng mô hình tốt trong phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, RTN ở khu vực ven biển, trên biển. Thông tin cụ thể, chính xác đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các trường hợp vứt, đồ chất thải, RTN không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường.

- Đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và hành vi xả chất thải, RTN ra môi trường đối với cộng đồng cư dân ven biển, ngư dân, thủy thủ, khách du lịch và các tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao năng lực, kinh nghiệm quản lý chất thải, RTN cho đội ngũ cán bộ quản lý ở khu vực có biển.

Hai là, thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, RTN ở khu vực ven biển, trên biển và đất liền

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển tối thiểu 02 lần/năm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đối với các khu vực còn lại, thực hiện lồng ghép trong các chương trình phát động của ngành, địa phương; bố trí các thiết bị lưu chứa và các điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp, an toàn, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường.

- Huy động sự tham gia của các người dân trong thu gom, phân loại RTN đại dương và phối hợp xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu về RTN và RTN đại dương thống nhất, phù hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải.

- Tạo điều kiện, khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng RTN. Khuyến khích và tạo các cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa tỉnh tham gia tích cực vào chuỗi kinh tế tuần hoàn.

- Kêu gọi đầu tư, khuyến khích đầu tư đối với những loại hình thu gom, xử lý RTN thành những vật liệu có ích (vật liệu xây dựng, vật liệu thay thế, vật liệu lấn sông, lấn biển,...)

Ba là, kiểm soát RTN từ nguồn

- Điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa phát sinh từ đất liền và các hoạt động trên biển; thực hiện tốt mô hình phân loại chất thải, RTN tại nguồn; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý RTN tại các khu công nghiệp, đô thị, khu du lịch, khu dân cư tập trung ven biển, ven sông, cảng biển theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Lồng ghép thực hiện việc điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa từ đất liền, từ các hoạt động biển với các giải pháp, biện pháp quản lý tổng hợp lưu vực sông, các đô thị ven biển, cửa sông; tăng cường kiểm soát, quản lý việc xả thải vào nguồn nước.

- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom và xử lý RTN phát sinh từ các hoạt động kinh tế biển, bao gồm: du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải và các tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản,...

- Ngăn ngừa, giảm thiểu việc thải bỏ, làm thất lạc ngư cụ khai thác thủy sản đi đối với thực hiện nghiêm các chế tài, công cụ xử phạt vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý thường xuyên và đột xuất các trường hợp vi phạm về xả thải trên biển.

Bốn là, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý RTN

- Tham gia có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề RTN và đẩy mạnh nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu về RTN.

- Duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế về biển; thực hiện các điều ước quốc tế; phối hợp trong việc kiểm soát, quản lý RTN.

- Huy động các nguồn lực trong hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư kiểm soát RTN; tiếp nhận các mô hình quản lý, công nghệ sản xuất các sản phẩm thay thế, tái chế RTN và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

- Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong xử lý và giảm thiểu RTN; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý RTN, thích ứng với điều kiện thực tiễn của tỉnh.

- Nghiên cứu xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát RTN dựa trên công nghệ viễn thám, giải đoán hình ảnh và hệ thống thông tin địa lý kết hợp với trí tuệ nhân tạo và tri thức bản địa.

UBND tỉnh Trà Vinh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành tỉnh và địa phương hướng dẫn, triển khai phân loại, thu gom, xử lý, tăng cường tái chế, tái sử dụng RTN trên địa bàn tỉnh gắn với Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định; tham mưu và triển khai thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác quốc tế theo thẩm quyền của tỉnh về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có quản lý RTN đại dương; Nghiên cứu, triển khai các giải pháp huy động các nguồn lực để xây dựng, kiện toàn cơ sở vật chất cho bảo vệ môi trường, quản lý tổng hợp RTN; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo các nguy cơ ô nhiễm do RTN...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Trà Vinh giao Sở Tài chính căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch này theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và phân cấp Ngân sách nhà nước hiện hành.