Hóa giải thách thức rác thải nhựa ở Việt Nam
Các chuyên gia cho rằng, để bảo vệ môi trường trước tác hại của chất thải nhựa thì cần có chính sách giáo dục tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường; đồng thời, áp dụng các chính sách kinh tế, tăng thuế, đặc biệt đối với các bao bì nhựa, nylon khó phân hủy...
Lượng chất thải nhựa ở Việt Nam chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt
Theo thống kê của Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, có đến hơn 460 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm và một nửa trong số đó là các sản phẩm dùng một lần như túi nhựa, cốc và ống hút.
Trung Quốc, Mỹ và Đức là 3 quốc gia phát sinh chất thải nhựa lớn nhất, lần lượt là 60, 38 và 14,5 triệu tấn/năm và xu hướng này có thể kéo dài đến năm 2025.
Rác thải nhựa là những sản phẩm nhựa sau khi đã sử dụng và được thải ra môi trường như: Túi nhựa, chai nhựa, ống hút nhựa, các loại chất dẻo tổng hợp… Có rác thải kích thước lớn và rác thải vi nhựa, chủ yếu là nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy. Số lượng rác thải nhựa cũng tăng lên không ngừng cùng với nhu cầu sử dụng các sản phảm nhựa.
Hiện nay, trên thế giới, người dân đang có xu hướng gia tăng sử dụng nhựa theo cấp số nhân và việc quản lý rác thải không đầy đủ, dẫn đến việc rác thải đe dọa đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái dễ bị tổn thương.
Ước tính, khoảng 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được mua mỗi phút, khoảng 5 nghìn tỷ túi nhựa sử dụng một lần được sử dụng mỗi năm trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ chất dẻo bình quân đầu người ở Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/người năm 1990 lên 63 kg/người năm 2017, tốc độ tăng trung bình 10,6%/năm. Bình quân một hộ gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi nilon/tháng, tương đương 1kg túi nilon/hộ/tháng.
Lượng chất thải nhựa và túi nylon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Điển hình như: Tại các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh, số lượng rác thải nhựa mỗi ngày thải ra môi trường lên tới 80 tấn. Chỉ có 10% rác thải nhựa Việt Nam được đem đi tái chế, còn lại hơn 90% được đem đi chôn, lấp hoặc xả ra môi trường.
Việt Nam xếp thứ 20 trên thế giới về phát sinh chất thải nhựa với 3,27 triệu tấn mỗi năm và nằm trong top đầu những quốc gia có tỷ lệ chất thải nhựa được xử lý không đầy đủ, chiếm 5,76% trong tổng lượng chất thải nhựa không được xử lý đầy đủ trên toàn thế giới.
Khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới).
Tăng cường tuyên truyền hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa
Từ thực trạng đáng lo ngại trên, các chuyên gia cho rằng, để giải bài toán rác thải nhựa trong những năm tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ cơ chế chính sách đến hành động trong thực tiễn.
Hiến kế về cơ chế, chính sách nhằm hạn chế rác thải nhựa, bà Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, cần có chính sách khuyến khích thay thế, giảm thiểu và sử dụng hợp lý vật liệu nhựa (đặc biệt là các loại túi nylon).
Theo bà Đặng Thị Kim Chi, các chính sách giáo dục tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường có thể áp dụng các chính sách kinh tế, tăng thuế đối với các bao bì nhựa, nylon khó phân hủy.
Bên cạnh cơ chế, chính sách, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam bổ sung thêm các giải pháp khác như: Đẩy mạnh tái sử dụng, tái chế sản phẩm nhựa hướng tới một xã hội tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái; Áp dụng công nghệ tái chế chất thải nhựa bằng nhiều phương pháp, vừa có thể xử lý chất thải nhựa khó phân hủy, vừa mang lại hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi tường; Tăng cường giáo dục tuyên truyền, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, tăng cường tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa...
Đồng quan điểm, ông Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, Việt Nam nên tổ chức quản lý thu gom, phân loại tái sử dụng chất thải nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn; tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ kỹ thuật để xử lý chất thải nhựa; áp dụng công cụ kinh tế môi trường trong sản xuất, kinh doanh và xử lý chất thải nhựa (thuế môi trường sản phẩm nhựa, xử phạt vi phạm hành chính về thải bỏ chất thải nhựa. Đồng thời, nâng cao công tác giáo dục, truyền thông cho tất cả tầng lớp dân cư về ô nhiễm nhựa...
Ở góc nhìn khác, TS. Monica Sharma - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda cho rằng, nên chuyển sang lối sống hài hòa với thiên nhiên, phát triển và bảo tồn cần song hành để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
"Rác thải nhựa toàn cầu đang tàn phá tài nguyên thiên nhiên, đất, nước và không khí. Đây là nguyên nhân của nhiều căn bệnh mà chúng ta đang mắc phải. Mỗi người phải hành động trong cuộc chiến chống rác thải nhựa. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải chuyển sang lối sống áp dụng các tập quán truyền thống. Nền văn hóa châu Á truyền thống rất phong phú trong việc bảo tồn môi trường sống tự nhiên và thiên nhiên", TS. Swami Vivekananda nhấn mạnh.