Tổ chức Hội nghị Chủ tịch lần thứ 36 Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN

PV.

Hội nghị Chủ tịch lần thứ 36 Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF) vừa được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Viện Tài chính Bền vững châu Á (SFIA).

 Ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tham dự Hội nghị tại điểm cầu của Việt Nam.
Ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tham dự Hội nghị tại điểm cầu của Việt Nam.

Ông Sou Socheat - Tổng Vụ trưởng Cơ quan Quản lý Chứng khoán và Giao dịch Campuchia (SERC) chủ trì hội nghị. Ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tham dự Hội nghị tại điểm cầu của Việt Nam.

Hội nghị Chủ tịch lần thứ 36 Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN được tổ chức nhằm kiểm điểm tiến độ triển khai các sáng kiến hội nhập thị trường vốn ASEAN, thảo luận kế hoạch cũng như các biện pháp thực hiện trong thời gian tới với mục tiêu tái khẳng định cam kết phát triển bền vững, trong khi vẫn đảm bảo các thành quả của phát triển thị trường vốn sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nước thành viên ASEAN và hỗ trợ quá trình hồi phục sau COVID-19.

Hội nghị đã ghi nhận phản hồi tích cực của các bên liên quan đối với việc công bố Phiên bản lần thứ nhất Bộ Phân loại cho Tài chính Bền vững ASEAN (ASEAN Taxonomy) vào ngày 10/11/2021 của Hội đồng Phân loại cho Tài chính Bền vững ASEAN (ASEAN Taxonomy Board – ATB). Bộ Phân loại cho Tài chính Bền vững ASEAN cung cấp một hướng dẫn tổng thể, toàn diện và đáng tin cậy để xác định và phân loại các dự án và các hoạt động kinh tế bền vững trong khu vực ASEAN, với mục tiêu trở thành một trong những nền tảng quan trọng trong việc thu hút đầu tư và dòng tài chính vào các dự án bền vững trong khu vực. Trong thời gian tới, ATB sẽ thực hiện tham vấn các bên liên quan trong khu vực công và khu vực tư nhân để tiếp tục phát triển phiên bản tiếp theo của ASEAN Taxonomy.

Hội nghị cũng hoan nghênh các hoạt động xây dựng năng lực trong khuôn khổ Chương trình Phát triển Thị trường Vốn ASEAN (A-MDP) do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Cơ quan Quản lý Chứng khoán và Giao dịch Campuchia (SERC) đồng chủ trì với kết quả nổi bật là chương trình đào tạo về tài chính bền vững cho các cán bộ cấp cao của ACMF. Đây là một phần trong kế hoạch đào tạo của ACMF hợp tác với Tổ chức Chương trình về Hệ thống Tài chính Quốc tế (PIFS) của Đại học Luật Harvard. Thời gian tới, PIFS sẽ tiếp tục thực hiện đào tạo cho ACMF về công nghệ tài chính (fintech) và tiền ảo (crypto).

Hội nghị đã xem xét, đánh giá những tiến độ đã đạt được trong việc xây dựng một Trung tâm Thông tin về Tài chính Bền vững trên trang điện tử ACMF, cũng như xây dựng Thư viện số về Quỹ Đầu tư Tập thể ASEAN (ASEAN CIS) làm nền tảng cho việc quảng bá và công bố về các đợt chào bán chứng chỉ quỹ qua biên giới trong khu vực ASEAN.

Hội nghị cũng đã nghe báo cáo thông tin cập nhật về tiến độ đánh giá Thẻ điểm quản trị Công ty ASEAN, thống nhất sẽ hoàn thành việc đánh giá và trao giải cho các công ty niêm yết của các nước ASEAN vào tháng 9/2022.

Tính đến cuối tháng 2/2022, tổng giá trị của các đợt phát hành trái phiếu dán nhãn Trái phiếu Xanh, Trái phiếu Xã hội, Trái phiếu Bền vững ASEAN đạt 22.8 tỷ USD. Nhằm tiếp tục hỗ trợ huy động vốn cho các mục tiêu phát triển bền vững, ACMF hiện đang xây dựng Bộ Tiêu chuẩn Trái phiếu có liên quan Bền vững và Tiêu chuẩn Quỹ Đầu tư Bền vững và có Trách nhiệm, dự kiến sẽ được thông qua vào tháng Mười năm 2022.