Tổ chức Hội thảo Trưng bày về phát triển điện hạt nhân của Việt Nam tại Phú Yên

PV.

Ngày 29/12/2015, tại TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên đã tổ chức Hội thảo - Trưng bày về phát triển điện hạt nhân, nhằm cung cấp thông tin về tình hình điện hạt nhân trên thế giới và công tác chuẩn bị cho phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử cho biết, điện hạt nhân hiện nay là lựa chọn ưu tiên của nhiều quốc gia. Tính đến tháng 5/2015, trên thế giới có 438 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, cung cấp khoảng 11,5% tổng sản lượng điện năng toàn cầu. Hiện có 67 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng. Tại Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển điện hạt nhân đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo các chuyên gia, phát triển điện hạt nhân dân sự ở Việt Nam vì mục đích hòa bình, góp phần bảo đảm ổn định, tăng cường an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và giảm hiệu ứng nhà kính.

Ông Đoàn Thế Vinh, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, về chính sách đầu tư, có bốn tổ máy đầu tiên (công suất khoảng 1.000 MW/tổ máy) được giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN làm chủ đầu tư. Các tổ máy tiếp theo có công suất cao hơn, sẽ xem xét cơ cấu chủ đầu tư là các Tập đoàn Nhà nước hoặc liên doanh…

Theo chiến lược phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, Ninh Thuận là địa phương có đủ các điều kiện cần thiết để triển khai xây dựng hai dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam theo công nghệ hiện đại của Nga và Nhật Bản.

Tại Hội thảo, các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học đã được xem trình chiếu phim tư liệu 10 năm (2006-2015) thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình của Việt Nam; Trưng bày các hình ảnh liên quan đến dự án nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận.

Được biết, dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 đang triển khai các bước chuẩn bị xây dựng, với tổng công suất trên 4.000 MW. Nhiên liệu sử dụng là Uranium 235 có độ làm giàu thấp (khoảng 3-5%)./.