Toàn cảnh thị trường chuyển tiền xuyên biên giới tại Đông Nam Á


Thị trường chuyển tiền Đông Nam Á là một khu vực năng động và phát triển nhanh nhờ quá trình số hóa ngày càng tăng, việc sử dụng ví kỹ thuật số ngày càng nhiều và sự gia tăng của cái gọi là siêu ứng dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Báo cáo công bố mới đây của FXC Intelligence, một công ty dữ liệu tài chính chuyên về thanh toán quốc tế, thanh toán thẻ, tiền mã hóa và thương mại điện tử, cho thấy những kết quả nghiên cứu về hoạt động chuyển tiền tại thị trường Đông Nam Á cũng như tìm hiểu sâu hơn về những quốc gia phát triển lĩnh vực này, các xu hướng mới nổi và công nghệ đột phá.

Theo đó, Báo cáo nêu bật sự năng động của thị trường Đông Nam Á, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ hiện có và mới gia nhập thị trường đang tích cực đổi mới để theo kịp và đáp ứng kỳ vọng của khách hàng, cũng như nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ chuyển tiền nhanh hơn và hiệu quả hơn trong khu vực.

Toàn cảnh thị trường chuyển tiền xuyên biên giới tại Đông Nam Á - Ảnh 1

Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán xuyên biên giới ở Đông Nam Á, Nguồn: FXC Intelligence

Báo cáo cũng cho biết, trên khắp Đông Nam Á, các siêu ứng dụng đang thâm nhập vào thị trường và nhanh chóng giành được chỗ đứng. Các công ty này có dữ liệu người dùng lớn được xây dựng qua nhiều năm bằng cách cung cấp các dịch vụ cao cấp và tiện lợi, mang đến trải nghiệm vượt trội cho khách hàng.

Thông qua cổng trực tuyến, các siêu ứng dụng cung cấp cho người dùng quyền truy cập vào nhiều loại sản phẩm và dịch vụ như: tin nhắn trực tuyến, mạng xã hội, giao đồ ăn, gọi xe và dịch vụ tài chính.

Các siêu ứng dụng phổ biến khắp Đông Nam Á bao gồm: Grab (Singapore), Gcash (Philippines), Ví True Money (Thái Lan)…

Trong đó, Grab cung cấp các dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn, logistics, thanh toán di động, bảo hiểm và đầu tư. Ví điện tử và khả năng thanh toán kỹ thuật số của Grab có 9 triệu điểm hỗ trợ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) và có gần 190 triệu người dùng. Grab đã tham gia lĩnh vực chuyển tiền vào năm 2019 khi ra mắt dịch vụ chuyển tiền từ ví này sang ví khác.

GCash là một siêu ứng dụng tài chính thuộc sở hữu của Mynt, một liên doanh của Alipay, Ayala Group và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước Globe Group.

Công ty này vận hành một trong những ví điện tử lớn nhất Philippines với 66 triệu người đăng ký, cung cấp các dịch vụ như: thanh toán hóa đơn, chuyển tiền, kiều hối, mua sắm trực tuyến, bảo hiểm, mua ngay trả sau (BNPL) và tín dụng.

Tại Thái Lan, Ascend Money điều hành Ví TrueMoney, một trong những ví điện tử phổ biến nhất của đất nước này và là một siêu ứng dụng tài chính. Các dịch vụ bao gồm chuyển tiền trong nước và quốc tế, thanh toán không dùng tiền mặt, mua sắm trực tuyến cũng như thẻ ghi nợ ảo.

Ví TrueMoney có 14 triệu người dùng sử dụng hàng tháng và hiện đang tìm cách mở rộng chỗ đứng của mình trong phân khúc doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).

Toàn cảnh thị trường chuyển tiền xuyên biên giới tại Đông Nam Á - Ảnh 2

Các ví điện tử hàng đầu Đông Nam Á, Nguồn: FXC Intelligence

Các công ty tăng cường đổi mới

Bên cạnh những cái tên mới tham gia thị trường và những công ty đổi mới sáng tạo số, Đông Nam Á cũng là khu vực sản sinh ra một số công ty lớn trong lĩnh vực chuyển tiền.

Trong những năm qua, các công ty này đã nâng cấp sản phẩm, tung ra các giải pháp mới, hợp tác với các công ty khởi nghiệp trẻ và sáng tạo để cung cấp dịch vụ phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng.

Ví dụ, MoneyGram đã bắt đầu triển khai dịch vụ chuyển tiền dựa trên Stablecoin trong năm nay, ra mắt tại các thị trường trọng điểm vào tháng 6, bao gồm: Philippines, Kenya, Canada và Mỹ. Dịch vụ này là kết quả của sự hợp tác giữa MoneyGram và Stellar Development Foundation vào tháng 10/2021.

Vào tháng 3/2022, Western Union đã hợp tác với Artajasa, một công ty cung cấp mạng lưới hạ tầng ngân hàng ở Indonesia, cho phép khách hàng nhận các khoản chuyển tiền quốc tế theo thời gian thực vào tài khoản ngân hàng của họ tại tất cả các ngân hàng lớn trong nước. Western Union cho biết, thanh toán bằng ví điện tử sẽ được triển khai ở Indonesia vào cuối năm nay.

Ngoài sự hợp tác giữa Western Union và Artaja, các công ty chuyển tiền cũng thúc đẩy hợp tác để tăng các tính năng thanh toán của tài khoản, bao gồm: Tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc thanh toán thẻ và đảm bảo kết nối cho khách hàng.

Giờ đây, Western Union tuyên bố có thể xử lý các khoản thanh toán vào hàng tỷ tài khoản ngân hàng, bao gồm hàng triệu ví và thẻ trên hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ theo thời gian thực ở 100 quốc gia trong số này.

Cuối cùng, mạng thanh toán Visa đã công bố quan hệ đối tác với nền tảng thanh toán "doanh nghiệp với doanh nghiệp" (B2B) Thunes có trụ sở tại Singapore vào tháng 10/2022 để mở rộng phạm vi tiếp cận dịch vụ chuyển tiền của Visa Direct với hơn 1,5 tỷ điểm đầu cuối.

Toàn cảnh thị trường chuyển tiền xuyên biên giới tại Đông Nam Á - Ảnh 3

Quan hệ đối tác chuyển tiền quan trọng ở Đông Nam Á, Nguồn: FXC Intelligence

Hoạt động chuyển tiền của Đông Nam Á phát triển nhờ lượng lớn lao động xuất khẩu và cộng đồng kiều dân ở nước ngoài. Số tiền mà những người này gửi về cho gia đình và bạn bè có thể là một "cứu cánh" quan trọng, giúp tài trợ cho chi tiêu thiết yếu, giảm nghèo, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), có 4 quốc gia Đông Nam Á trong số 20 quốc gia nhận kiều hối hàng đầu thế giới năm 2020, đó là: Philippines đứng thứ 3 với 34,9 tỷ USD; Việt Nam đứng thứ 11 với 17,2 tỷ USD; Indonesia đứng thứ 17 với 9,6 tỷ USD và Thái Lan đứng thứ 19 với 8,3 tỷ USD.

Theo Minh Ngọc/thitruongtaichinhtiente.vn