Toàn cầu hóa làm tăng chênh lệch giàu nghèo?
(Tài chính) Nghiên cứu mới được thực hiện bởi OECD và Đại học Utrecht đã chỉ ra điểm đặc biệt của tình trạng chênh lệch giàu nghèo trên toàn thế giới.
Angus Maddison (1926 – 2010) là một trong những nhà lịch sử kinh tế học có tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại với cuốn sách kinh điển viết về lịch sử kinh tế thế giới trong suốt 2.000 năm qua. Mới đây, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), một trong những nơi mà Maddison từng làm việc, vừa hợp tác với Đại học Utrecht để thực hiện thống kê về điều kiện sống ở 25 quốc gia khác nhau kể từ năm 1820 đến nay.
Công trình này phác họa chi tiết mọi thứ, từ mức lương của thợ xây ở Nhật Bản trong những năm 1920 đến tỷ lệ tội phạm giết người ở Italy trong thế kỷ 19. Điểm đặc biệt là đây là chiếc cầu kết nối giúp lấp đầy khoảng cách giữa bức tranh toàn cảnh về kinh tế vĩ mô của Maddison với các nghiên cứu kinh tế học vi mô được thực hiện bởi các nhà sử học như Peter Laslett (tác giả của cuốn “Thế giới mà chúng ta đánh mất” viết về nước Anh thời kỳ tiền cận đại).
Phần lớn những phát hiện mới giúp khẳng định và làm rõ những điều đã được nghi ngờ trước đó. Theo công trình nghiên cứu này, số năm học tập đã tăng lên ở tất cả các nước. Chiều cao trung bình của người dân các nước cũng tăng lên. Đồng thời, sức mua của các lao động làm việc trong ngành xây dựng cũng tăng lên ở mọi nơi (ở Anh chỉ số này tăng gấp 10 lần trong giai đoạn 1820 – 2000 trong khi tỷ lệ tăng ở Indonesia chỉ là 2 lần).
Tuy nhiên, có một chỉ số đi ngược lại với xu hướng chung: chênh lệch giàu nghèo. Bạn đoán rằng ở thời nhà Thanh, Hoàng đế Nicholas I và công ty Đông Ấn, mức độ chênh lệch giàu nghèo lớn hơn so với ngày nay. Tuy nhiên, sự thực là ở Trung Quốc, Thái Lan, Đức và Ai Cập, chênh lệch về thu nhập ở năm 1820 có mức độ tương đương với năm 2000. Brazil và Mexico thậm chí còn có mức độ chênh lệch giàu nghèo lớn hơn so với trong quá khứ. Chỉ có một số ít các quốc gia phát triển giàu có (như Pháp và Nhật Bản) chứng kiến chênh lệch giàu nghèo liên tục giảm bớt.
Nếu coi cả thế giới là một quốc gia đơn nhất, mức độ chênh lệch giàu nghèo ở từng quốc gia cụ thể cũng giống với của cả thế giới. Nghiên cứu đã sử dụng Gini – hệ số đo lường chênh lệch giàu nghèo có mức độ dao động từ 0 đến 100 (hệ số Gini bằng 0 thể hiện đất nước hoàn toàn bình đẳng). Hệ số Gini của toàn thế giới đã tăng từ mức 49 trong năm 1820 lên 66 trong năm 2000. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải do khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ở nội bộ các quốc gia. Loại bất bình đẳng xuất phát từ nguyên nhân này đã được giảm đáng kể trong thời kỳ 1950 – 1980 (báo cáo này gọi đây là một cuộc cách mạng theo chủ nghĩa quân bình). Kể từ năm 1980, làn sóng chênh lệch giàu nghèo lại dâng lên một lần nữa (giống như Thomas Piketty đã viết trong cuốn Tư bản thế kỷ 21) và quay trở lại mức của thời kỳ 1820.
Điều này có nghĩa là chênh lệch giàu nghèo tăng lên vì một lý do khác: chênh lệch giữa các quốc gia với nhau. Trong thời kỳ từ năm 1980 đến nay, khoảng cách giữa nước giàu và nước nghèo đã tăng lên đáng kể. Năm 1820, Anh (nền kinh tế lớn nhất thế giới) giàu gấp 5 lần so với nước nghèo. Giờ đây, nước giàu nhất thế giới là Mỹ đã giàu gấp 25 lần so với nước nghèo. Hệ số Gini đo chênh lệch giữa các nền kinh tế chỉ ở mức 16 trong năm 1820 nhưng đã tăng lên mức 55 vào năm 1950 và giữ nguyên ở mức này cho tới nay. Nói cách khác, nguyên nhân khiến chênh lệch giàu nghèo tăng từ năm 1820 là do quá trình công nghiệp hóa ở phương Tây.
Điều này giúp chúng ta nhìn thấy điểm dị biệt trong cơ chế phân phối thu nhập trên toàn cầu. Giống như biểu đồ bên tay phải, thông thường cơ chế phân phối thu nhập sẽ có hình cái chuông: nhóm có thu nhập trung bình sẽ chiếm số lượng lớn nhất trong khi số lượng người thuộc nhóm rất giàu và rất nghèo đều nhau.