Toàn cầu hoá tại một số quốc gia châu Á và hàm ý chính sách cho Việt Nam
Toàn cầu hóa được định nghĩa như một mạng lưới toàn cầu của sự phụ thuộc lẫn nhau. Toàn cầu hoá kinh tế là một tiến trình khách quan đang vận động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của nền kinh tế quốc gia. Toàn cầu hoá kinh tế đòi hỏi các quốc gia phải nghiên cứu kỹ lưỡng, bởi vì ngày nay, dù muốn hay không thì bất cứ quốc gia nào cũng chịu ảnh hưởng của tiến trình này và con đường để phát triển nền kinh tế đất nước là phải chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới, nắm bắt xu hướng vận động và cách thức tác động của toàn cầu hoá kinh tế. Bài viết này nghiên cứu về thực trạng toàn cầu hoá của một số quốc gia châu Á và rút ra kinh nghiệm, hướng tới đề xuất một số hàm ý chính sách cho Việt Nam.
Bối cảnh toàn cầu hóa của thế giới
Toàn cầu hóa là hiện tượng các quốc gia trên thế giới liên kết với nhau ngày càng chặt chẽ về nhiều mặt bao gồm: xã hội, văn hóa, chính trị và kinh tế. Quá trình này tạo ra một thế giới “phẳng” hơn, nơi các mối quan hệ được thiết lập bất chấp khoảng cách địa lý. Naz và Ahmad (2018) cho rằng, toàn cầu hóa là kết quả của sự tích hợp đa chiều, thúc đẩy bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, tài chính và công nghệ. Thế giới đã chứng kiến sự gia tăng trong luồng thương mại, đầu tư, vốn và thông tin trong quá trình tích hợp. Toàn cầu hóa không chỉ tăng cường mối phụ thuộc kinh tế và tài chính giữa các quốc gia mà còn tích hợp các khía cạnh xã hội và chính trị. Tốc độ toàn cầu hóa hiện tại được thúc đẩy bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, tài chính và công nghệ.
Trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, thế giới trải qua 2 giai đoạn tăng tốc của toàn cầu hóa kinh tế. Giai đoạn đầu tiên được đánh dấu từ thế kỷ thứ IXX đến đầu Thế chiến thứ nhất với sự mở rộng đáng kể của thương mại quốc tế và các khoản đầu tư nước ngoài dài hạn. Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ những năm 1990, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của quan hệ kinh tế quốc tế, thương mại quốc tế, sự phát triển của các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia… Sau khủng hoảng năm 2008, toàn cầu hóa bước vào giai đoạn trì trệ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, thương mại thế giới đang tăng trưởng ở mức độ chậm kể từ năm 2012 đặc biệt là tăng trưởng đầu tư. Phân tích thực nghiệm cho thấy 3/4 mức giảm tăng trưởng thương mại từ năm 2012 so với giai đoạn 2003-2007 là do hoạt động kinh tế yếu hơn, đặc biệt là tăng trưởng đầu tư chậm lại.
Mặc dù, giữa 2 giai đoạn trước và sau khi khủng hoảng tài chính 2008 xảy ra, đã ghi nhận sự trì trệ trong quá trình toàn cầu hóa. Tuy nhiên, khi xét riêng giai đoạn năm 2010-2023 vẫn ghi nhận những biến đổi tích cực của toàn cầu hóa qua các năm. Sự hội nhập ngày càng sâu rộng của thị trường vốn và thị trường hàng hóa, việc thiết lập mạng lưới kết nối giữa các quốc gia trên thế giới tạo nên sự phụ thuộc lẫn nhau. Thế giới dưới sự thúc đẩy của toàn cầu hóa đã tăng trưởng mạnh thương mại quốc tế. Năm 2020, giá trị thương mại toàn cầu của hàng hóa xuất khẩu trên toàn thế giới lên tới 17,6 nghìn tỷ USD, gấp 3 lần so với mức 6,45 nghìn tỷ USD năm 2000 (tính theo giá hiện hành USD). Năm 2023, trong bối cảnh của căng thẳng Mỹ-Trung dẫn tới dịch chuyển chuỗi cung ứng và xuất hiện thêm các chính sách hạn chế giao dịch thương mại xuyên biên giới, giá trị thương mại toàn cầu giảm 5% so với 2022, đạt 30,7 nghìn tỷ USD.
Thực trạng toàn cầu hóa tại một số quốc gia châu Á
Châu Á nằm ở vùng phía đông của lục địa Á-Âu và là lục địa lớn nhất trên thế giới. Châu Á có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, tiếp giáp với vùng biển Bắc Băng Dương ở phía Bắc, biển Thái Bình Dương ở phía Đông và biển Ấn Độ Dương về phía Nam. Trong giai đoạn 2010-2023, các quốc gia tại khu vực châu Á đã trải qua một tiến trình toàn cầu hóa tích cực và phức tạp. Khu vực này chịu nhiều ảnh hưởng từ những sự kiện toàn cầu hóa của thế giới. Giai đoạn này, do được thúc đẩy bởi các lực lượng thị trường mà hội nhập kinh tế châu Á đã tăng tốc không ngừng. Châu Á đã đi đầu về hợp tác và hội nhập quốc tế với hơn 150 hiệp định thương mại tự do (FTA) và khu vực (chiếm 58% tổng số hiệp định thế giới). Các quốc gia châu Á tăng cường hợp tác khu vực thông qua các tổ chức như: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF. Với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Newzealand, Australia và Hàn Quốc, châu Á đã thẳng tiến trở thành khu vực sở hữu hệ thống sản xuất kết nối đa phương, đặc biệt là các trung tâm sản xuất có chi phí thấp tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Châu Á đang dần trở thành trung tâm của thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) trong những năm qua kinh tế toàn cầu đang có tốc độ tăng trưởng chậm năm 2021 đạt 6,0%, năm 2022 đạt 3,0%, năm 2023 đạt 2,6% và năm 2024 dự kiến 2,4%. Trong khi đó, tăng trưởng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2022 đạt mức 3,9%, năm 2023 đạt 5%, dự báo tăng trưởng của khu vực này năm 2024 đạt 4,5%, theo đó châu Á-Thái Bình Dương sẽ đóng góp khoảng 60% tăng trưởng toàn cầu.
Trong khoảng thời gian từ năm 2000-2021, sức mua tương đương của khu vực này tăng từ 32% lên 48% trong nền kinh tế thế giới. Gần đây nhất, theo báo cáo “Triển vọng kinh tế châu Á và tiến trình hội nhập kinh tế 2024” được công bố tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2024, xét về sức mua tương đương, kinh tế châu Á dự kiến sẽ chiếm 49% GDP toàn cầu vào năm 2024. Dự kiến đến năm 2040, quy mô này sẽ tiếp tục tăng lên 52% (Oliver Tonby và cộng sự, 2024).
Năm 2023, châu Á có tới 3 trong số 5 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Riêng nền kinh tế Trung Quốc đã đóng góp hơn 30% cho tăng trưởng toàn cầu. Theo kết quả của Bảng xếp hạng Fortune Global 500 năm 2023, riêng Trung Quốc và Nhật Bản đã có lần lượt 126 và 41 doanh nghiệp trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Tỷ lệ doanh nghiệp có kết quả hoạt động cao hàng đầu của châu Á đã tăng từ 19% lên 30% trong 2 thập niên qua, chỉ số Doanh nhân Shopify (chỉ số đo lường sự đóng góp của các doanh nhân vào kiến tạo việc làm, xuất khẩu và GDP ở 40 nền kinh tế) thì Australia, Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) nằm trong top 10 về tác động của hoạt động kinh doanh từ các doanh nhân. Các doanh nghiệp này “thống trị” trong nhiều lĩnh vực như: máy tính, ô tô, điện tử, ngân hàng…
Sự bùng nổ sản xuất kéo dài ở châu Á đã thúc đẩy làn sóng hội nhập thương mại. Năm 1990, 46% thương mại châu Á diễn ra trong khu vực. Đến năm 2021, con số đó đã tăng lên 58%, đưa châu Á trở thành lục địa hội nhập nhất sau châu Âu. Khi châu Á trở nên giàu có hơn và các công ty ở đây trở nên hùng mạnh hơn, dòng vốn đầu tư cũng dần mang tính khu vực nhiều hơn.
Các công ty châu Á trở thành những nhà đầu tư nhiệt tình vào các quốc gia lân cận trong cùng khu vực. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại châu Á của chính các nhà đầu tư châu Á đã tăng nhanh gần gấp đôi so với các nhà đầu tư phương Tây. Phần lớn trong số đó đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc cũng là một nhà đầu tư lớn, dòng vốn từ nước này đã chảy tới những quốc gia nghèo hơn, có dân số trẻ hơn. Năm 2021, nhà đầu tư châu Á sở hữu 59% lượng FDI của khu vực (không bao gồm các trung tâm tài chính Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore), tăng từ 48% của năm 2010. Trong khi đó, thị phần FDI của phương Tây đã giảm.
Trung Quốc
Trung Quốc là đất nước tỷ dân với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và ngày càng trở nên quan trọng hơn với nền kinh tế toàn cầu. Với việc tham gia nhiều tổ chức kinh tế quốc tế lớn như: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), nhóm các nước đang phát triển G20… kinh tế Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh vì thu hút lượng lớn vốn FDI. Mặc dù là một trong những nước bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19 nhưng Trung Quốc cũng đã sẵn sàng cho việc phục hồi nền kinh tế thông qua việc tăng cường mở cửa hội nhập kinh tế. Trung Quốc sẽ không ngừng mở rộng toàn diện và thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế theo hướng cởi mở hơn, bao trùm hơn, cân bằng và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Hàn Quốc
Hàn Quốc chứng kiến tăng trưởng trung bình 6,4% hàng năm trong khoảng thời gian từ 1970 đến 2022. Giá trị xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc cũng tăng trưởng nhanh trở thành “kỳ tích sông Hàn của châu Á” và là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới.
Từ năm 2015, Hàn Quốc và Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA). Hiệp định sẽ loại bỏ hơn 90% dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu giữa 2 quốc gia. Các lĩnh vực kinh doanh được hưởng ưu đãi của Hàn Quốc là ô tô, hàng điện tử, dệt may; các loại sản phẩm được hưởng ưu đãi gồm: chất dẻo, sắt thép, cáp điện, đồ điện gia dụng, xe cộ từ 3.000 phân khối trở lên. Các mặt hàng của Việt Nam được hưởng ưu đãi gồm: hoa quả nhiệt đới, tỏi, gừng, thịt lợn, mật ong và tinh bột ngọt khoai tây. Hiệp định VKFTA còn đưa ra các quy định điều chỉnh thủ tục hải quan, tiêu chuẩn sở hữu trí tuệ, vệ sinh và an toàn thực phẩm và quy tắc xuất xứ. Các rào cản thương mại điện tử và quy định pháp luật cũng bị loại bỏ. Nhờ vậy, hiện nay, Hàn Quốc hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, với tổng vốn đầu tư trực tiếp đạt 70.6 tỷ USD.
Đông Nam Á
Đông Nam Á gồm 11 quốc gia là khu vực có vị trí đắc địa, ngã tư của Biển Đông và Ấn Độ Dương nên Đông Nam Á không ngừng được phát triển cả về kinh tế lẫn văn hóa. Từ năm 2010 đến nay, các quốc gia Đông Nam Á đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác chiến lược với mục tiêu hướng tới một cộng đồng toàn cầu như: Khu vực thương mại tự do ASEAN- Australia-New Zealand (AANZFTA); Hiệp định Khu vực Thương mại ASEAN-Ấn Độ (AIFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…
Những FTA này không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế của nội bộ các quốc gia thành viên mà còn khuyến khích thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, FTA giúp tăng cơ hội kinh doanh và đầu tư khi cung cấp các quy định và cam kết liên quan đến bảo vệ đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty quốc tế mở rộng hoạt động kinh doanh và đầu tư ở nước ngoài, từ đó, góp phần thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa tại khu vực này.
Toàn cầu hóa tại Việt Nam
Mặc dù, xu hướng toàn cầu hóa đang trải qua một giai đoạn khó khăn với hàng loạt biến động nhưng tình hình toàn cầu hóa tại Việt Nam lại có nhiều điểm sáng. Với những nỗ lực về tự do hóa thương mại, Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, điều này giúp tăng cường hơn nữa vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm xuất khẩu. Đến nay, tỷ lệ thương mại so với GDP của Việt Nam đạt tới hơn 200%, điều này minh chứng Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở lớn nhất trên toàn thế giới.
Nền kinh tế toàn cầu hóa của Việt Nam là kết quả của chính sách tập trung vào đẩy mạnh phát triển hoạt động xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với thế mạnh là một thị trường cung cấp lao động giá rẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò trong các chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ra nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những quốc gia hàng đầu trong xuất khẩu hàng điện tử và may mặc. Trong khi đó, Trung Quốc và Hoa Kỳ là 2 thị trường lớn nhất của những mặt hàng này.
Với các chính sách cải cách, đổi mới kinh tế từ năm 1986, sau hơn 35 năm đổi mới, cùng với các xu hướng toàn cầu hóa có lợi, Việt Nam đã vươn lên từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp. Với phương châm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế” khi chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, Việt Nam luôn chủ động và tích cực hội nhập. Tính đến năm 2023, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Việt Nam đã ký kết và thực thi 16 FTA và đang trong giai đoạn đàm phán 3 hiệp định FTA, trong đó có 3 FTA thế hệ mới. Nhờ các FTA được ký kết, Việt Nam đã thu hút được FDI từ các đối tác có FTA với Việt Nam. Theo đó, trong 139 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, đứng đầu là những nền kinh tế có quan hệ FTA với Việt Nam như: Hàn Quốc (đứng thứ nhất) với tổng vốn đăng ký trên 70,6 tỷ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư); Nhật Bản (đứng thứ hai) với gần 60,3 tỷ USD (chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư); tiếp đến là Singapore, Trung Quốc... Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần có những chính sách thúc đẩy toàn cầu hoá thương mại.
Một số hàm ý chính sách cho Việt Nam
Trong bối cảnh toàn cầu hoá quốc tế và khu vực ngày một gia tăng cùng với những thách thức, cơ hội của quá trình toàn cầu hoá mang lại, Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tăng cường cạnh tranh của quốc gia. Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung đẩy mạnh vào chất lượng của các mặt hàng xuất khẩu, tái cấu trúc ngành và doanh nghiệp, đầu tư vào phát triển cơ cấu hạ tầng, thúc đẩy mở rộng quy trình sản xuất hiện đại và xây dựng các trung tâm logistics để thuận tiện hơn và tối ưu hóa quy trình vận chuyển. Bên cạnh đó, cần tiến hành điều tra, phân loại, đánh giá chính xác khả năng cạnh tranh, tiềm năng của từng sản phẩm, ngành hàng để cung cấp thông tin chi tiết phục vụ chiến lược xuất khẩu của doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu.
Thứ hai, tối ưu hóa hệ thống thể chế và củng cố quản lý nhà nước trong các hoạt động xuất, nhập khẩu tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, đồng thời đối phó với gian lận thương mại và hướng tới mục tiêu thương mại công bằng. Để thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu cần phải có môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, đồng thời cũng cần tăng cường kiểm soát vấn đề gian lận thương mại để hướng tới mục tiêu thương mại công bằng. Chính phủ cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các chứng chỉ liên quan đến tăng trưởng xanh và bền vững là một phương thức hiệu quả để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của thị trường. Đồng thời, đảm bảo an sinh và công bằng xã hội trong các hoạt động xuất, nhập khẩu bằng cách đảm bảo rằng các chuỗi cung ứng của họ tuân thủ các tiêu chuẩn lao động và môi trường quốc tế.
Thứ ba, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và cải thiện cơ sở hạ tầng. Chính phủ cần tinh gọn bộ máy hành chính, giảm bớt quy trình và thời gian xử lý thủ tục. Xây dựng hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phải đảm bảo về cơ sở hạ tầng như đưa ra các giải pháp triệt để về quỹ đất sạch và hạ tầng, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, cảng biển, đường hàng không, hệ thống kho để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp FDI và có khả năng mở rộng. Ngoài ra, Chính phủ phải giữ được sợi dây liên lạc ba bên giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ để đảm bảo sự đồng bộ trong việc xây dựng và quản lý hạ tầng.
Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Các SMEs đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Đây là các nhân tố chiếm tỷ trọng cao trong tổng số doanh nghiệp và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc hoạt động trên thị trường, đặc biệt là về nguồn vốn, thị trường và năng lực quản trị. Chính phủ Việt Nam cần thiết lập những chính sách thuế có lợi cho SMEs như: giảm, miễn hoặc gia hạn thuế… để giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp mới. Bên cạnh đó, đưa ra các gói vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các SMEs khởi nghiệp và mở rộng doanh nghiệp. Ngoài ra, việc xây dựng cộng đồng kinh doanh và mạng lưới liên kết giữa SMEs để họ có thể chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, và tạo ra cơ hội hợp tác, tổ chức các sự kiện, hội thảo và triển lãm để tăng cường giao lưu giữa các doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng là một biện pháp phù hợp.
Tài liệu tham khảo:
- Tổng cục Thống kê (2023), Xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục phục hồi;
- Lê Thiên Hương (2022), Toàn cầu hóa đang dần thay đổi? Tạp chí Kinh tế Sài Gòn;
- Song Minh (2024), Châu Á dự kiến đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, https://laodong.vn/the-gioi/chau-a-du-kien-dong-gop-lon-nhat-cho-tang-truong-kinh-te-toan-cau-1320226.ldo;
- Adams S. (2008), “Globalization and income inequality: Implications for intellectual property rights”, Journal of policy modeling, 30(5), pp. 725–735;
- Naz and Ahmad (2018), Driving Factors of Globalization: An Empirical Analysis of the Developed and Developing Countries, DOI: dx.doi.org/10.22547/BER/10.1.6.