Tổng chi NSNN cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường giai đoạn 2013-2018 đạt 72.422 tỷ đồng
Đó là số liệu được thông tin tại Hội thảo “Đổi mới hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hoá nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” do Viện Chiến lược và chính sách tài chính phối hợp với Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) tổ chức sáng ngày 25/7.
PGS.TS. Phạm Tiến Đạt, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Tiến Đạt - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính đánh giá, Việt Nam đang chịu nhiều tác động tiêu cực và có chiều hướng ngày càng tăng của việc biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động xấu đến môi trường tự nhiên tại đồng bằng sông Cửu Long; Ngập lụt tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, lũ quét, hạn hán bất thường tại nhiều vùng trên cả nước.
Nhận thức rõ thách thức đặt ra, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/1/2014 của Chính phủ đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cần thực hiện nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Để thực hiện các mục tiêu đặt ra đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương với một hệ thống giải pháp đồng bộ từ huy động nguồn lực, cơ chế chính sách khuyến khích, vận động tuyên truyền và tổ chức thực hiện...
PGS.TS. Phạm Tiến Đạt cho rằng, trong hệ thống giải pháp thực hiện thì vấn đề tài chính đóng vai trò quan trọng nhằm tạo ra nguồn lực cả trực tiếp và gián tiếp để các cấp, các ngành, các đối tượng liên quan có điều kiện triển khai được các nhiệm vụ.
Theo ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), qua 5 năm triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW và Nghị quyết số 08/NQ-CP, trong lĩnh vực tài chính, bằng các công cụ tài chính cụ thể, chúng ta đã ban hành tương đối kịp thời và đồng bộ nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, cụ thể như: Sử dụng công cụ ngân sách nhà nước, thông qua ngân sách các cấp từ Trung ương đến địa phương để cân đối bố trí nguồn lực đầu tư và thường xuyên thực hiện ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Chính sách thuế bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, xuất nhập khẩu cũng đã được sử dụng như một công cụ điều tiết trực tiếp giúp việc định hướng sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, các ngành, các lĩnh vực tăng cường thân thiện với môi trường.
Cùng với các công cụ tài chính trên, các ưu đãi về nguồn lực đầu tư bằng chính sách tín dụng ưu đãi thông qua các ngân hàng chính sách đối với đối tượng trực tiếp hướng tới các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này.
Chia sẻ về những nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng có hiệu quả chi sự nghiệp bảo vệ môi trường từ ngân sách Trung ương, đại diện Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 về định mức phân bổ dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường của ngân sách nhà nước, trong đó ngân sách Trung ương là 15%, địa phương là 85%.
Trao đổi thêm về vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Tổng cục Phòng, chống thiên tai – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, 6 tháng đầu năm 2018 cả nước đã xảy ra 14 loại hình thiên tai, gây thiệt hại trên 868 tỷ đồng. Trước thực trạng đó, Việt Nam đã chú trọng xây dựng và thực hiện các chính sách tài chính phòng, chống, ứng phó và giảm nhẹ, phục hồi thiên tai. Bên cạnh các nhóm chính sách về chi ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ tài chính, bảo hiểm, còn có nhóm chính sách chi quỹ ngoài ngân sách, trong đó có Quỹ phòng, chống thiên tai. Sau hơn 3 năm triển khai, tổng kinh phí của 44 tỉnh, thành phố thu được cho quỹ là 1.237 tỷ đồng, với tổng chi là 516 tỷ đồng để khắc phục thiên tai và một số hoạt động phòng ngừa khác.
Ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) phát biểu tại Hội thảo. |
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, địa phương bố trí, phân bổ ngân sách để triển khai thực hiện đảm bảo đúng dự toán được giao; Tăng cường quản lý và nguồn lực tài chính, sử dụng có hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường. Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, sẽ tăng cường huy động các nguồn vốn khác như vốn ngoài nước, vốn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, đẩy mạnh xã hội hoá lĩnh vực môi trường đối với các hoạt động trong giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá thể thao và môi trường.
Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn nhưng cân đối chi ngân sách nhà nước cho ứng phó biến đổ khí hậu, bảo vệ môi trường luôn được ưu tiên, năm sau luôn cao hơn năm trước. Theo thống kê, giai đoạn 2013-2018, tổng chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường đạt 72.422 tỷ đồng, hàng năm ngân sách nhà nước đảm bảo chi không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước.