Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng dự trữ quốc gia là ray, dầm cầu đường sắt
Bộ Tài chính đang phối hợp xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ray, dầm cầu đường sắt dự trữ quốc gia.
Theo nội dung Quyết định số 2091/QĐ-TTg ngày 28/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ, mặt hàng ray, dầm cầu đường sắt thuộc nhóm hàng dự trữ phục vụ ứng phó thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, nhằm mục tiêu sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia, danh mục hàng dự trữ quốc gia của Bộ Giao thông vận tải thì lĩnh vực đường sắt gồm có Ray, dầm cầu đường sắt.
Hiện tại chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng dự trữ quốc gia là ray, dầm cầu đường sắt nhằm mục tiêu quản lý chất lượng ray, dầm cầu đường sắt dự trữ quốc gia, quản lý quy trình bảo quản ray, dầm cầu đường sắt dự trữ quốc gia.
Mặc dù ngày 7/1/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ nhà nước đối với kim loại (QCVN 12: 2011/BTC) kèm theo thông tư số 02/2011/TT-BTC, tuy nhiên, qua thực tế, Quy chuẩn này có một số tồn tại, bất cập như sau:
Một là, trong quy chuẩn kỹ thuật QCVN 12: 2011/BTC chỉ có các quy định về công tác bảo quản hàng dự trữ, chưa có quy định về yêu cầu kỹ thuật đối với vật tư hàng dự trữ (ray, dầm cầu).
Hai là, Thông tư số 02/2011/TT-BTC ngày 07/01/2011 ban hành quy chuẩn QCVN 12: 2011/BTC có một trong những căn cứ pháp lý là Pháp lệnh Dự trữ quốc gia (số 17/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29/4/2004). Tuy nhiên, hiện nay, Luật Dự trữ quốc gia số 22/2012/QH13 ngày 20/11/2012 đã ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.
Vì vậy, việc xậy dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ray, dầm cầu đường sắt dự trữ quốc gia là rất cần thiết để làm cơ sở áp dụng khi thực hiện việc nhập, xuất kho hàng dự trữ quốc gia trong lĩnh vực đường sắt.