Tổng cục Hải quan kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Tổng cục Hải quan vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018.
Kế hoạch trên được ban hành nhằm thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ngành Hải quan. Đồng thời, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị Hải quan các cấp trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đơn vị thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm kỷ cương, kỷ luật, tham nhũng, lãng phí trong đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, triển khai, quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn
Tổng cục Hải quan yêu cầu người đứng đầu đơn vị Hải quan các cấp trong ngành tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị Luật phòng chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các Nghị quyết, quy định của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Chính phủ, Bộ Tài chính, cấp ủy, chính quyền địa phương và của Tổng cục Hải quan về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Hai là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng
Theo đó, cơ quan hải quan các cấp cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là thủ trưởng các đơn vị, trong đó phải xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Thủ trưởng đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng; Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý các vụ, việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng ngay trong nội bộ.
Ba là, thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động của đơn vị
Tổng cục Hải quan yêu cầu cơ quan hải quan các cấp thực hiện công khai và thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định; Thực hiện nghiêm túc công tác luân phiên, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức; Thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.
Đồng thời, thường xuyên thông báo về tình hình hoạt động của đơn vị, của ngành tới toàn thể cán bộ công chức, tiếp thu và xử lý kịp thời những phản ánh kiến nghị của cán bộ công chức góp phần nâng cao chất lượng công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Bốn là, thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng gắn với tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn
Kế hoạch nêu rõ, cơ quan hải quan cần chú trọng thực hiện các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng trong tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy trình thủ tục hải quan; Rà soát, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ ở tất cả các khâu nghiệp vụ; Tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan theo hướng tập trung kiểm tra trên cơ sở phân tích, đánh giá rủi ro và dấu hiệu vi phạm...
Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ và kiểm tra phòng chống tham nhũng
Tổng cục Hải quan yêu cầu triển khai có hiệu quả kế hoạch công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng đối với các đơn vị hải quan các cấp; Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về hoạt động công vụ, việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, những việc cán bộ, công chức không được làm.