Tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến công

YẾN TÂM

Ngày 14/12/2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ- CP của Chính phủ về khuyến công. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị. Ảnh: Thu Hương.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị. Ảnh: Thu Hương.

Chuyển biến tích cực trong hoạt động khuyến công

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố; lãnh đạo Sở Công Thương, đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ khuyến công các tỉnh, thành phố trên cả nước và một số cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Tại hội nghị, sau khi nghe ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương báo cáo tóm tắt về công tác khuyến công trong 10 năm triển khai Nghị định số 45/2012/NĐ-CP; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các tổ chức, hiệp hội, cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã phát biểu, tham luận làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các nội dung cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ để phù hợp với tình hình mới; đặc biệt đề xuất các nhiệm vụ phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước các cấp với các tổ chức, hiệp hội và các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chính sách khuyến công trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thu Hương
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thu Hương

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được coi là nhiệm vụ mang tính chiến lược nhằm tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhận thức được điều này và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trên cơ sở chủ trương đường lối của Đảng và Chính phủ, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 về khuyến công thay thế Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 9/6/2004 về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thông. Sự ra đời của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP đã đánh dấu một bước chuyển tích cực trong hoạt động khuyến công.

Dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và các địa phương, kinh tế - xã hội nước ta dần có nhiều chuyển biến tích cực qua từng năm, đạt được những thành tựu quan trọng. Hoạt động khuyến công cả nước đã tích cực hướng các nội dung vào góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến cuối năm 2022, sau thời gian dài  tập trung thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế” nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ.

Cục trưởng Ngô Quang Trung báo cáo tóm tắt về công tác khuyến công trong 10 năm triển khai Nghị định số 45/2012/NĐ-CP. Ảnh: Thu Hương
Cục trưởng Ngô Quang Trung báo cáo tóm tắt về công tác khuyến công trong 10 năm triển khai Nghị định số 45/2012/NĐ-CP. Ảnh: Thu Hương

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đánh giá những kết quả nổi bật của công tác khuyến công trong 10 năm qua, đó là: Đã động viên, huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, đã ban hành được cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên vật liệu, giảm thiểu phát thải, cải thiện chất lượng môi trường; Hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trang thiết bị máy móc tiên tiến vào sản xuất, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn bền vững...

Đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Thu Hương.
Đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Thu Hương.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến công

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng gợi mở những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp lớn cần triển khai thực hiện nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến công thời gian tới, qua đó góp phần tạo động lực phát triển bền vững công nghiệp nông thôn trong tình hình mới, cụ thể:

Một là, nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, chính sách về khuyến công phù hợp với tình hình mới nhằm khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông thôn thực chất, hiệu quả, bền vững trên cơ sở kế thừa có chọn lọc thành tựu đạt được trong giai đoạn trước; bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết của Chính phủ, quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và dựa trên kinh nghiệm về phát triển công nghiệp của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hai là, tiếp tục tăng cường chính sách hỗ trợ đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành Công nghiệp tại khu vực nông thôn, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới có hiệu quả; chuyển từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường trong và ngoài nước. Khuyến khích phát triển công nghiệp xanh; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm nhằm khai thác hợp lý và giảm tổn thất tài nguyên trong công nghiệp; bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ba là, tiếp tục tập trung hỗ trợ một số nội dung hoạt động hiệu quả như xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc tiên tiến; hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực, quốc gia. Hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong sản xuất công nghiệp nông thôn. XChú trọng phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hóa nông thôn. Hỗ trợ có hiệu quả công nghiệp chế tạo, chế biến; công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất vật tư và máy nông nghiệp; sản xuất tiểu thủ công nghiệp...

Bốn là, đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ phù hợp với nhu cầu thị trường. Tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các địa bàn huyện nghèo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, xã nông thôn mới trong chính sách khuyến công. Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề; tư vấn các cơ sở CNNT nắm bắt và dự báo yêu cầu của thị trường lao động, kịp thời nâng cao trình độ, năng lực, chất lượng nhân lực, những kỹ năng mới, ngành nghề mới trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Năm là, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển các thương hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Tập trung thị trường tiêu thụ trong nước, mở rộng thị trường ra khu vực và thế giới; nâng cao giá trị xuất khẩu; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khuyến công. 

 

Sau 10 năm triển khai Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, hoạt động khuyến công từ trung ương đến địa phương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: Huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, các nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới; khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người...