Kéo dài thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến hết năm 2023

Việt Hoàng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 đến hết năm 2023.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 đến hết năm 2023.

Sáng ngày 14/4, tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của ngành Ngân hàng, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sau gần 05 năm thực hiện, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã được triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt được kết quả quan trọng.

Qua đó, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31/12/2021 giảm 17,21% so với thời điểm Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15/8/2017).

Tính từ ngày 15/8/2017 đến ngày 31/12/2021, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 được xử lý đạt trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết có hiệu lực.

Tuy nhiên, dù xử lý nợ xấu đã đạt được kết quả tích cực nhưng thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc khi xử lý nợ xấu, do vậy, Chính phủ đề nghị tiếp tục kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14, nhằm có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan để xử lý nợ xấu. Đặc biệt là sự phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương trong việc mua, bán nợ xấu của tổ chức mua, bán nợ xấu; Quyền thu giữ tài sản bảo đảm; Việc áp dụng thủ tục rút gọn; Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm; Việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự ... 

Cho ý kiến thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Ngân hàng Nhà nước cũng như sự tham gia vào cuộc của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức phối hợp, triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng thống nhất với Báo cáo của Chính phủ cho rằng, trong thời gian áp dụng Nghị quyết, nợ xấu được xử lý của hệ thống các tổ chức tín dụng có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14. Cùng với ngành Ngân hàng, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đã vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác xử lý nợ xấu, tạo sự thay đổi đáng kể về nhận thức từ khi Nghị quyết có hiệu lực.

Đối với dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn toàn bộ thời hạn áp dụng của Nghị quyết số 42/2017/QH14, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết.

Đối với Hồ sơ dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Kinh tế nhận thấy cơ bản đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều 37 và Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến các cơ quan liên quan về dự thảo Nghị quyết chưa bao quát hết các chủ thể liên quan trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Đồng thời, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ khi đánh giá tác động của chính sách cần phân tích kỹ hơn, nhất là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết có ảnh hưởng tới việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Về trình tự, thủ tục, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ Ba theo trình tự, thủ tục rút gọn là phù hợp, bảo đảm sự kịp thời cũng như tạo cơ sở pháp lý liên tục cho công tác xử lý nợ xấu.

Sau phiên thảo luận, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; đồng ý bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022 và giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chuẩn bị Dự thảo nghị quyết.