Tổng quan nghiên cứu kỹ thuật kế toán quản trị chiến lược trong doanh nghiệp sản xuất

ThS. Mai Thị Quỳnh Như - Trường Kinh Tế - Đại học Duy Tân

Kế toán quản trị chiến lược là một phương pháp quản lý trong kế toán, sử dụng thông tin tài chính và phi tài chính để hỗ trợ quá trình ra quyết định chiến lược của các tổ chức. Kỹ thuật kế toán quản trị chiến lược được coi là một phần của kế toán quản trị chiến lược, cung cấp các công cụ, phương pháp để thu thập, phân tích và báo cáo thông tin tài chính và phi tài chính liên quan đến các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, vận dụng kỹ thuật kế toán quản trị chiến lược đem lại hiệu quả ngoài mong đợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, giúp doanh nghiệp dự báo những hoạt động tương lai nhằm đưa ra các quyết định tốt.

Khái quát về các kỹ thuật kế toán quản trị

Kế toán quản trị chiến lược (KTQTCL) được sử dụng ở các quốc gia phát triển và có thể được xác định bởi các kỹ thuật phổ biến như sau:

- Phương pháp tính giá dựa trên hoạt động: là phương pháp dựa trên việc xác định các hoạt động được thực hiện bởi DN. Những hoạt động này được coi là nguyên nhân cuối cùng của các chi phí gián tiếp (Cinquini và Tenucci, 2010).

- Tính giá theo đặc tính sản phẩm: Là việc tính giá các đặc tính cụ thể của sản phẩm mà thu hút khách hàng. Các đặc tính có thể được tính giá bao gồm: các biến số về hiệu suất vận hành, độ tin cậy, sắp đặt bảo hành, mức độ hoàn thiện và trang trí, đảm bảo cung cấp và dịch vụ sau bán hàng (Guilding và cộng sự, 2000).

- Đo lường hiệu quả: So sánh hiệu suất của công ty với tiêu chuẩn lý tưởng (Cinquini và Tenucci, 2010).

- Phân bổ ngân sách giá trị thương hiệu: Sử dụng giá trị thương hiệu như một cơ sở để quyết định phân bổ nguồn lực để hỗ trợ/nâng cao vị trí thương hiệu (Guilding và cộng sự, 2000).

- Giám sát giá trị thương hiệu: Định giá tài chính cho một thương hiệu thông qua việc đánh giá các yếu tố mạnh yếu của thương hiệu như: lãnh đạo, ổn định, thị trường, quốc tế hóa, xu hướng, hỗ trợ và bảo vệ kết hợp với lợi nhuận lịch sử của thương hiệu (Guilding và cộng sự, 2000)

- Kế toán khách hàng: Phân tích để xác định thu nhập, doanh số hoặc chi phí phát sinh giữa khách hàng hoặc các đoạn khách hàng (Cinquini và Tenucci, 2010) .

- Kế toán quản lý môi trường: Đại diện cho một phương pháp mới sử dụng cho sự chuyển đổi thông tin từ kế toán tài chính sang kế toán chi phí và cân đối vật liệu nhằm tăng hiệu quả vật liệu, hạn chế ảnh hưởng và rủi ro môi trường và giảm chi phí bảo vệ môi trường (Jasch, 2003).

- Hệ thống đánh giá hiệu suất tổng thể (BSC hoặc chỉ số phi tài chính): Một hệ thống đo lường, tập trung chủ yếu là việc có được thông tin về hiệu suất dựa trên nhu cầu của khách hàng và ít sử dụng các chỉ số phi tài chính. Những chỉ số này ngụ ý việc theo dõi từng bước để có được sự tin tưởng của khách hàng và lợi thế cạnh tranh (Cinquini và Tenucci, 2010) .

- Chi phí vòng đời: Đánh giá chi phí xuyên suốt tất cả các khía cạnh của hoạt động của một sản phẩm hoặc dịch vụ. (Cinquini và Tenucci, 2010: 258; Guilding và cộng sự, 2000).

- Chi phí chất lượng: Chi phí liên quan đến các hoạt động chất lượng. Chi phí chất lượng có thể được chia làm ba loại: chi phí phòng ngừa, đánh giá và chi phí thất bại.

- Chi phí chiến lược: Sử dụng dữ liệu chiến lược và marketing để xây dựng và thực hiện những chiến lược hiệu quả nhằm duy trì ưu thế cạnh tranh (Guilding và cộng sự, 2000).

- Giá cả chiến lược: Phân tích các chi phí chiến lược trong quá trình quyết định giá cả. Các yếu tố chiến lược khác bao gồm: phản ứng giá cả của khách hàng, độ co giãn giá, tăng trưởng thị trường, quy mô kinh tế và kinh nghiệm (Guilding và cộng sự, 2000) .

- Mục tiêu chi phí: Thường được áp dụng trong việc thiết kế sản phẩm và quy trình, bao gồm tính toán chi phí được phân bổ bằng cách trừ lợi nhuận kỳ vọng từ một giá dự đoán (không nằm trên thị trường) có thể đến được với chi phí sản xuất, kỹ thuật hay thị trường mong muốn. Sau đó, sản phẩm được thiết kế nhằm thoả mãn chi phí đó (Guilding và cộng sự, 2000).

- Chi phí chuỗi giá trị: Một phương pháp tính toán giá dựa trên hoạt động, trong đó tổng chi phí được phân bổ vào những hoạt động cần thiết như: thiết kế, mua hàng hoá, phát triển, marketing, tiếp thị và cung cấp dịch vụ đối với một sản phẩm hoặc dịch vụ (Guilding và cộng sự, 2000).

Tổng quan nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu

 

Bảng 1: Nghiên cứu về kỹ thuật kế toán quản trị chiến lược tại các quốc gia trên thế giới

Số thứ tự

Nội dung kỹ thuật KTQTCL

Nguồn

Nghiên cứu tại các nước phát triển

Chi phí thuộc tính, lập dự toán giá trị thương hiệu, theo dõi giá trị thương hiệu, đánh giá chi phí đối thủ, theo dõi vị trí cạnh tranh, đánh giá đối thủ dựa trên báo cáo tài chính công bố, chi phí vòng đời, chi phí chất lượng, chi phí chiến lược, giá cả chiến lược, chi phí mục tiêu và chi phí chuỗi giá trị

Guilding, Cravens và Tayles (2000)

Chi phí đối thủ cạnh tranh, đánh giá hiệu suất của đối thủ dựa trên báo cáo tài chính công bố benchmarking

Cravens và Guilding (2001)

Phân tích lợi nhuận khách hàng, phân tích lợi nhuận khách hàng trọn đờivà định giá khách hàng là tài sản

Cadez và Guilding (2007)

Kế toán đối thủ cạnh tranh và định giá chiến lược được sử dụng rộng rãi nhất.

Chris Guilding và cộng sự (2002)

ABC và JIT

El‐Ebaishi (2003)

Lập ngân sách vốn, chi phí chất lượng sản phẩm và đánh giá hoạt động của đối thủ cạnh tranh

Čadež, S. (2006)

Phân tích lợi nhuận khách hàng , phân tích lợi nhuận khách hàng trọn đờivà định giá tài sản khách hàng

Cadez và Guilding (2007)

Kế hoạch chiến lược và lập ngân sách, kế toán khách hàng, và chi phí mục tiêu

Petera và cộng sự (2019)

Tính giá dựa trên hoạt động và tính giá chất lượng

Andrijana Rogošić (2012)

Nghiên cứu tại các nước đang phát triển

Định hướng chi phí sản xuất, kỹ thuật hướng tới thị trường và kế toán đối thủ cạnh tranh.

Semra Aksoylu và cộng sự (2013)

BSC

Anand và cộng sự (2005

ABC

Sartorius và cộng sự (2007)

ABC

Khan và cộng sự. (2011)

Định hướng chi phí sản xuất, kỹ thuật hướng tới thị trường và kế toán đối thủ cạnh tranh

Semra Aksoylu và cộng sự (2013)

Kế toán khách hàng và kế toán đối thủ cạnh tranh

Babajide Michael Oyewo và công sự (2017)

Chi phí chiến lược, lập kế hoạch chiến lược, kiểm soát và đo lường hiệu suất, ra quyết định chiến lược, kế toán đối thủ cạnh tranh và kế toán khách hàng

Thapayom (2019)

Lập kế hoạch chiến lược và lập ngân sách,

Kế toán khách hàng, và chi phí mục tiêu.

Petera và cộng sự (2020)

Nghiên cứu tại Việt Nam

Chi phí mục tiêu và ABC

Nguyễn Thị Đức Loan (2017)

ABC, lập dự toán

Phạm Đức Hiếu và cộng sự (2020)

ABC

Trần Tú Uyên và cộng sự (2022)

ABC

Nguyễn Thanh Tâm và cộng sự (2020)

BSC

Hà Nam Khánh Giao và cộng sự (2022)

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Tác giả tổng hợp tài liệu về kỹ thuật KTQTCL từ các bài báo, các nghiên cứu trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2023 bằng cách sử dụng các công cụ tìm kiếm như: Google Scholar, Scopus, hoặc các trang web tạp chí khoa học như ScienceDirect hoặc SpringerLink…

Nghiên cứu tại các nước phát triển

Langfield-Smith (2000) chỉ ra rằng, một loạt các kỹ thuật đã được bao gồm trong khái niệm KTQTCL, bao gồm chi phí mục tiêu, chi phí vòng đời, phân tích chi phí chiến lược, phân tích chi phí đối thủ, chi phí dựa trên hoạt động, quản lý dựa trên hoạt động, chi phí thuộc tính và hệ thống đo lường hiệu suất chiến lược. Guilding, Cravens và Tayles (2000) đã chỉ ra 12 kỹ thuật KTQTCL trong nghiên cứu quốc tế của họ như chi phí thuộc tính, lập dự toán giá trị thương hiệu, theo dõi giá trị thương hiệu, đánh giá chi phí đối thủ, theo dõi vị trí cạnh tranh, đánh giá đối thủ dựa trên báo cáo tài chính công bố, chi phí vòng đời, chi phí chất lượng, chi phí chiến lược, giá cả chiến lược, chi phí mục tiêu và chi phí chuỗi giá trị.

Tương tự như các kết quả của Guilding và cộng sự (2000), theo Cravens và Guilding (2001), các kỹ thuật tập trung vào đối thủ cạnh tranh, đánh giá hiệu suất của đối thủ dựa trên báo cáo tài chính công bố (CPAFS) và đo điểm chuẩn (Benchmarking) được xếp đầu danh sách các kỹ thuật KTQTCL. Tuy nhiên, các kỹ thuật KTQTCL tập trung vào chi phí được sử dụng rộng rãi hơn trong các công ty Slovenia so với các đối tác của họ ở Australia. Thời gian sau đó, Cravens và Guilding (2001) đã tiến hành một cuộc điều tra tương tự ở Hoa Kỳ bằng cách bổ sung ba kỹ thuật ABC, đánh giá hiệu suất so sánh tiêu chuẩn và đo hiệu suất tích hợp (IPM) vào danh mục các kỹ thuật KTQTCL được thực hiện bởi Guilding và cộng sự (2000). Nghiên cứu của họ cho thấy việc theo dõi vị trí cạnh tranh (CPM), đánh giá hiệu suất đối thủ dựa trên báo cáo tài chính công khai (CPAFS) và định giá chuẩn là các kỹ thuật KTQTCL được sử dụng phổ biến nhất ở Hoa Kỳ.

Nghiên cứu của Cadez và Guilding (2007) đã thêm ba kỹ thuật mới phân tích lợi nhuận khách hàng (CPA), phân tích lợi nhuận khách hàng trọn đời (LTCPA) và định giá khách hàng như là tài sản (VCA) vào danh sách 15 kỹ thuật KTQTCL được nghiên cứu bởi Cravens và Guilding (2001). Họ đã khảo sát việc áp dụng các kỹ thuật KTQTCL này trong các công ty sản xuất lớn nhất (theo doanh thu tổng) tại Slovenia và Australia.

El‐Ebaishi (2003) và cộng sự đã xem xét việc sử dụng các kỹ thuật KTQTCL tại một số công ty sản xuất lớn và vừa của Ả-rập Xê-út. Phân tích cho thấy, ABC và JIT vẫn được sử dụng nhưng còn hạn chế, kết quả này phù hợp với báo cáo của các nghiên cứu được thực hiện ở một số nước phát triển. Čadež, S. (2006) đã chỉ ra các kỹ thuật KTQTCL được triển khai để đánh giá 108 công ty sản xuất hàng đầu của Slovenia. Dữ liệu cho thấy, các kỹ thuật được sử dụng gồm: lập ngân sách vốn, chi phí chất lượng sản phẩm và đánh giá hoạt động của đối thủ cạnh tranh. Định giá khách hàng, phân tích khả năng sinh lợi trọn đời của khách hàng và chi phí vòng đời là những kỹ thuật ít được sử dụng phổ biến nhất.

So sánh với kết quả của nghiên cứu trước đó được thực hiện trên các DN Croatia (Perčević, 2006), kết quả của nghiên cứu của Andrijana Rogošić (2012) cho thấy, trong năm gần đây đã xảy ra một sự thay đổi lớn chủ yếu do khủng hoảng tài chính, các DN lớn của Croatia đã triển khai một hoặc nhiều kỹ thuật của KTQTCL. Được sử dụng phổ biến nhất là tính giá dựa trên hoạt động và tính giá chất lượng. Kết quả này tương thích với kết quả thực nghiệm được báo cáo trong các nghiên cứu trước đó (Cinquini và Tenucci, 2010; Fowzia, 2011).

Petera và cộng sự (2019) đã điều tra mức độ sử dụng của kỹ thuật KTQTCL và các yếu tố chính ảnh hưởng đến điều này ở Cộng hòa Séc. Các kỹ thuật KTQTCL được sử dụng nhiều nhất là lập kế hoạch chiến lược và lập ngân sách, kế toán khách hàng, và chi phí mục tiêu. Ít được sử dụng nhất là các hệ thống đo lường hiệu suất tích hợp, định giá chiến lược.

Nghiên cứu tại các nước đang phát triển

Chưa có nghiên cứu nào được tiến hành trong bối cảnh của nền kinh tế đang phát triển tập trung vào việc áp dụng các kỹ thuật quản lý chi phí sản xuất dưới dạng gói hoặc nhóm kỹ thuật cụ thể. Phần lớn nghiên cứu đã tập trung vào việc áp dụng một kỹ thuật KTQTCL.

Về mức độ áp dụng, hầu hết các nghiên cứu trước đó cho thấy sự vận dụng KTQTCL chỉ ở mức thấp. Ví dụ, về việc sử dụng BSC, nghiên cứu của Anand và cộng sự (2005) cho thấy, 45,28% các công ty tại Ấn Độ đã áp dụng BSC với trọng tâm lớn hơn về mặt tài chính. Theo Sartorius và cộng sự (2007), chỉ có 21 trong số 181 DN niêm yết được khảo sát tại Nam Phi đã áp dụng phương pháp ABC trong tổ chức của họ. Abdul Majid và Sulaiman (2008) cũng báo cáo rằng, ABC chưa được áp dụng rộng rãi trong các công ty Malaysia. Khan và cộng sự (2011) tiến hành một cuộc khảo sát giữa 60 công ty niêm yết tại Bangladesh và phát hiện chỉ có 6 công ty đã sử dụng BSC một cách đầy đủ.

Semra Aksoylu và cộng sự (2013) thực hiện khảo sát tại DN có quy mô trung bình và lớn ở TP. Kayseri - Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đánh giá tác động của các kỹ thuật KTQTCL đối với hiệu quả hoạt động của DN. Các kỹ thuật KTQTCL được triển khai là định hướng chi phí sản xuất, kỹ thuật hướng tới thị trường và kế toán đối thủ cạnh tranh. Với dữ liệu thu được từ báo cáo hàng năm của 56 công ty niêm yết công khai trong khoảng thời gian 10 năm (2008-2017), Babajide Michael Oyewo và công sự (2017) cho rằng, vận dụng các kỹ thuật KTQTCL như kế toán khách hàng và kế toán đối thủ cạnh tranh có thể duy trì lợi thế cạnh tranh cho các DN sản xuất ở Nigeria.

Để xác định các mối quan hệ giữa triển khai các kỹ thuật KTQTCL, khả năng cạnh tranh của tổ chức và hiệu suất bền vững của các DN tại Thái Lan, Thapayom (2019) đã chỉ ra rằng, các kỹ thuật KTQTCL được thực hiện bao gồm chi phí chiến lược, lập kế hoạch chiến lược, kiểm soát và đo lường hiệu suất, ra quyết định chiến lược, kế toán đối thủ cạnh tranh và kế toán khách hàng.

Nghiên cứu tại Việt Nam

Nguyễn Thị Đức Loan (2017) đã đề cập đến phương pháp chi phí mục tiêu và ABC được thực hiện tại các DN sản xuất ở Việt Nam. Phương pháp này cho phép nhà quản trị dự đoán được mục tiêu lợi nhuận đã xác định trong suốt chu kỳ của sản phẩm.

Theo kết quả khảo sát tại 235 DN của Nguyễn Thu Hiền (2019), việc vận dụng các phương pháp KTQT bao gồm: quản trị chi phí, dự toán, đánh giá rủi ro, chiến lược và hỗ trợ quá trình ra quyết định sẽ góp phần cải thiện, nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN.

Cũng xem xét khả năng áp dụng phương pháp ABC trong các DN sản xuất ở một nền kinh tế đang phát triển, Nguyễn Thanh Tâm và cộng sự (2020) chỉ ra rằng, hầu hết các yếu tố không gây ảnh hưởng đáng kể đến khả năng áp dụng ABC trong nền kinh tế mục tiêu, ngoại trừ quy mô DN. Điều này cho thấy, các DN có quy mô lớn quan tâm đến việc áp dụng ABC hơn các là DN có quy mô nhỏ.

Nghiên cứu của Phạm Đức Hiếu và cộng sự (2020) tập trung vào ảnh hưởng của kỹ thuật KTQT đến hiệu quả tài chính của các DN sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, các kỹ thuật KTQTCL được vận dụng phổ biến là ABC, lập dự toán, phân tích lợi nhuận, đánh giá hiệu quả hoạt động.

Để xem xét quyết định của một DN về việc có nên thực hiện phương pháp ABC hay không, Trần Tú Uyên và cộng sự (2022) đã thực hiện khảo sát tại quốc qua đang phát triển là Việt Nam. Áp dụng mô hình hồi quy Logit và kiểm định trên mẫu 71 công ty Dược được niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2017, nghiên cứu cho thấy, các yếu tố áp lực cạnh tranh về giá cả và chất lượng, và đa dạng hóa sản phẩm có ảnh hưởng đáng kể đến thực hiện ABC.

Sử dụng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN năm 2019, Hà Nam Khánh Giao và cộng sự (2022) đã xem xét việc vận dụng BSC tại Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (NTU) dựa trên 4 khía cạnh cốt lõi là Tài chính; Khách hàng; Quy trình nội bộ; Đào tạo và phát triển. Nghiên cứu cũng đã cấp thông tin hữu ích để NTU xây dựng các giải pháp cụ thể, phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản trị chiến lược.

Công trình được thực hiện trong khuôn khổ đề tài Luận án tiến sĩ theo Quyết định số 5382 /QĐ-ĐHDT ngày 31/12/2022 của Trường Đại học Duy Tân.

Tài liệu tham khảo:

  1. Abdul Majid, J. and Sulaiman, M. (2008), “Implementation of activity based costing in Malaysia: a case study of two companies”, Asian Review of Accounting, Vol. 16 No. 1, pp. 39-55;
  2. Aksoylu, S., & Aykan, E. (2013). Effects of strategic management accounting techniques on perceived performance of businesses. Journal of US-China Public Administration, 10(10), 1004-1017;
  3. Cadez, S., & Guilding, C. (2008). An exploratory investigation of an integrated contingency model of strategic management accounting. Accounting, Organizations and Society, 33(7–8), 836–863, doi.org/10.1016/j.aos.2008.01.003.