Quản trị tài sản vô hình:
Tổng quan nghiên cứu về tác động của vốn trí tuệ đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp
Vốn trí tuệ (Intellectual Capital - IC) đang là một chủ đề nghiên cứu sôi nổi vì được coi là tài sản quý giá trong việc tạo ra của cải và sự bền vững của công ty. Ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đến vốn trí tuệ và tìm cách làm sao để nhận diện, đo lường và quản trị vốn trí tuệ. Tuy nhiên trên diễn đàn nghiên cứu vốn trí tuệ hiện nay, các nhà nghiên cứu đã tiếp tục chỉ ra những hạn chế về cách thức đo lường IC, cộng với các kết quả nghiên cứu không nhất quán về tác động của IC đến hiệu quả công ty.
Bài viết nhằm tổng quan tóm tắt những nghiên cứu thực chứng nổi bật trên thế giới và Việt Nam về chủ đề vốn trí tuệ, nổi bật nhất phải kể đến chính là sự tác động của vốn trí tuệ đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Kết quả của nghiên cứu này cung cấp cơ sở để tìm ra các khoảng trống nghiên cứu vốn trí tuệ tại Việt Nam, định hướng cho các nghiên cứu trong tương lai nhằm gia tăng nhận thức của nhà quản trị đến vai trò và tầm quan trọng của đầu tư vốn trí tuệ, định hướng quản trị tài sản vô hình từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh.
1. Đặt vấn đề
Trong nền kinh tế tri thức, các doanh nghiệp không chỉ đầu tư vào tài sản hữu hình mà còn dành nhiều khoản đầu tư cho các tài sản vô hình, còn gọi là vốn trí tuệ như nguồn lực chính mang lại giá trị tăng thêm cho doanh nghiệp (Mehralian, Rasekh, Akhavan, & Ghatari, 2013). Vốn trí tuệ đóng vai trò rất quan trọng, cần phải đầu tư và quản lý để giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh trực tiếp hoặc gián tiếp cho doanh nghiệp (N Bontis, 1998; Edivinsson & Malone, 1997).
Các học giả quốc tế từ lâu đã nghiên cứu về vốn trí tuệ và tác động của nó đến các hoạt động quản trị doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp về nội dung và rộng rãi về phạm vi nghiên cứu. Nhưng tại Việt Nam, chủ đề vốn trí tuệ lại khá mới mẻ với số lượng hạn chế các nghiên cứu chuyên sâu.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần có những tài liệu tổng quan về tình hình nghiên cứu thế giới và hiện trạng tại Việt Nam để tìm ra các hướng nghiên cứu tiếp theo, góp phần xây dựng hệ thống lý thuyết và thực tiễn về vốn trí tuệ tại Việt Nam.
2. Tổng quan về vốn trí tuệ (IC - Intellectual Capital)
Các định nghĩa IC đã được thảo luận rộng rãi trên các học giả, xuất phát từ định nghĩa quan trọng bao quát nhất của IC từ Stewart (1997), rằng IC là tổng của tất cả mọi thứ, mọi người giúp mang lại lợi thế cạnh tranh trong một công ty.
Các khái niệm sau này hướng tới chi tiết hóa về các hình thức và biểu hiện của vốn trí tuệ, như “Vốn trí tuệ là tài liệu, kiến thức, kinh nghiệm, sở hữu trí tuệ và thông tin có thể được đưa vào sử dụng để tạo ra sự giàu có” (Bontis và Fitz-enz, 2002). Về mặt lượng hóa, ban đầu vốn trí tuệ được định nghĩa là sự chênh lệch giữa giá trị thị trường và giá trị sổ sách của công ty (Bontis Nick, 1996).
Tuy nhiên, từ việc ghi nhận cho kế toán với mục đích báo cáo, hầu hết IC chỉ được ghi vào chi phí khi chúng được phát sinh và chỉ những khoản được định lượng mới được báo cáo trong bảng cân đối kế toán (như lợi thế thương mại).
3. Tổng quan các nghiên cứu quốc tế về vốn trí tuệ
3.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Các học giả đã cố gắng đo lường hiệu quả của IC phân tích trong các ngành và quốc gia khác nhau. Các nghiên cứu thực nghiệm chủ yếu để kết nối IC và hiệu quả hoạt động của công ty, tập trung vào mối liên hệ giữa hiệu quả vốn trí tuệ và hiệu quả hiệu quả hoạt động và quản lý tổ chức.
Nghiên cứu thực chứng IC hiện diện toàn cầu. Đặc biệt sự xuất hiện ngày càng nhiều các ấn phẩm nghiên cứu về vốn trí tuệ tại châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng như Malaysia, Indonexia, Singapor thể hiện một sự nhận thức mới về tầm quan trọng của nghiên cứu IC đối với các nước đang phát triển.
Xét về ngành nghề, các nghiên cứu thực nghiệm IC được tiến hành hầu như ở tất cả các ngành công nghiệp. Gần đây, các tác giả có xu hướng nghiên cứu đến sự khác biệt giữa vốn trí tuệ ở các ngành công nghiệp tri thức cao và tri thức thấp và giữa các thị trường kinh tế vượt qua khỏi phạm vi quốc gia.
Nimtrakoon (2015) từ dữ liệu của 213 công ty công nghệ niêm yết trên 5 sàn giao dịch chứng khoán ASEAN, sử dụng mô hình hệ số trí tuệ giá trị gia tăng Pulic để so sánh mức độ vốn trí tuệ (IC) giữa các nước ASEAN và kiểm tra mối quan hệ giữa IC, giá trị thị trường, và hiệu quả tài chính các công ty.
Filipe Sardo và cộng sự (2017) dùng dữ liệu của 2.090 công ty niêm yết phi tài chính thuộc 14 quốc gia ở Tây Âu trong năm 2004 đến năm 2015 qua hệ thống ước tính động GMM (1998) và ảnh hưởng của các biến giải thích trễ (lagged) về giá trị thị trường và hiệu quả tài chính của công ty.
Tessa Soetanto, Pei Fun Liem (2018) dùng phương pháp phân tích dữ liệu bảng động để phân tích vốn trí tuệ tại 127 công ty từ 12 ngành công nghiệp ở Indonesia trong năm 2010 đến năm 2017, đồng thời sự so sánh các ngành công nghiệp tri thức cấp cao và cấp thấp về vốn trí tuệ cũng được đánh giá.
3.2. Mô hình nghiên cứu
Các nhà nghiên cứu đã xây dựng mô hình kiểm định về sức ảnh hưởng của IC đến hiệu quả công ty thông qua 2 xu hướng phân tích, đó là (a) quan hệ tương tác trực tiếp, (b) quan hệ tương tác gián tiếp.
a. Sự ảnh hưởng trực tiếp của IC đến hiệu quả hoạt động công ty - quan hệ tương tác trực tiếp.
Bảng 1. Tổng quan nghiên cứu quốc tế về quan hệ tương tác trực tiếp
b. Sự ảnh hưởng trực tiếp của IC đến hiệu quả hoạt động công ty - quan hệ tương tác gián tiếp
Vốn trí tuệ và hiệu quả hoạt động của tổ chức được kiểm chứng trong mối quan hệ gián tiếp qua các biến trung gian như năng lực linh hoạt của tổ chức, lợi thế cạnh tranh, khả năng quản trị tri thức, tính linh hoạt của quá trình và sự đổi mới. Lý do là vì sự nhận thức không rõ ràng của mối quan hệ giữa các thành phần IC và hiệu quả công ty. Thêm vào đó, việc tăng cường hiệu quả kinh doanh của công ty được kết luận bắt nguồn từ sự kết hợp của hiệu quả IC và các hoạt động quản lý có hệ thống và chủ ý (thực hành quản trị tri thức). Do đó, tầm nhìn bao quát của hiện tượng này không thể đạt được bằng cách chỉ tập trung vào các mối quan hệ trực tiếp (Kianto và cộng sự, 2014). Có rất nhiều tác giả lựa chọn nghiên cứu mối quan hệ theo cách thức này như Bollen và cộng sự (2005), Menor và cộng sự (2007), Kamukama và cộng sự (2011), Mehdivand và cộng sự (2012), Wu và cộng sự (2008), Namvar và cộng sự (2010), Chien và Chao (2011), Yang và Lin (2009).
3.3. Phương pháp đo lường biến IC
Có rất nhiều phương pháp đo lường IC được thảo luận. Trong đó có 2 chỉ tiêu đo lường giá trị của IC và sự đóng góp của nó với hiệu suất của công ty sử dụng dữ liệu sẵn có từ các báo cáo tài chính được sử dụng rộng rãi nhất là Đo lường giá trị vô hình (CIV- Calculated Intangible Value) bởi Stewart (1997), và Hệ số giá trị gia tăng trí tuệ (VAIC - Value Added Intellectual Coefficient) do Pulic (1998) phát triển.CIV đo lường giá trị của IC, trong khi VAIC tập trung vào sự đóng góp của IC cho thành quả hoạt động của công ty.
Mô hình VAIC bởi Pulic (1998) với mục đích đo lường hiệu quả của IC và các thành phần của nó bằng dữ liệu kế toán. VAIC được tính bằng cách đo lường hiệu quả vốn trí tuệ (ICE) và hiệu quả vốn vật chất (CEE) theo công thức: VAIC = ICE + CEE.
3.4. Các kết quả nghiên cứu về vốn trí tuệ (IC)
Trong số các nghiên cứu được công bố trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, hơn một nửa chứng minh được mối quan hệ tích cực giữa hiệu suất IC và thành quả hoạt động công ty và một số các nghiên cứu không cho kết quả cuối cùng trong vấn đề này.
Hơn nữa, nhiều bằng chứng tồn tại liên quan đến mối quan hệ cùng chiều giữa kích thước IC và hiệu suất đổi mới công ty. Hầu hết các nghiên cứu thực chứng đều xác nhận rằng vốn trí tuệ là tài sản cơ bản và quan trọng cho sự sống còn và thành công của tổ chức.
Các tác giả đã sử dụng nhiều mô hình đo lường khác nhau và cũng có nhiều kết luận không đồng nhất về mối quan hệ IC - hiệu quả công ty.
4. Tổng quan các nghiên cứu vốn trí tuệ tại Việt Nam
Ở Việt Nam nghiên cứu vốn trí tuệ chưa thu hút được sự quan tâm đúng mức. Bằng cách tìm kiếm trên các trang web học thuật, tác giả tìm thấy một số lượng khiêm tốn các bài báo học thuật liên quan đến vốn trí tuệ và vấn đề nhận thức về IC tại Việt Nam.
Năm 2018, trên tạp chí Academy of Strategic Management Journal, Hoang Thanh Nhon và cộng sự khám phá những tác động của IC đến hiệu quả hoạt động cũng như vai trò trung gian của vốn con người và xã hội đối với mối quan hệ giữa vốn tổ chức và thành quả tài chính của các công ty công nghệ thông tin (ICT) tại Việt Nam.
Bằng phân tích nhân tố thăm dò, phân tích nhân tố xác nhận và phân tích kiểm duyệt kiểm tra mẫu của các công ty ICT Việt Nam, kết quả cho thấy các thành phần trong IC có tác động trực tiếp đến hiệu quả của doanh nghiệp. Ngoài ra, có sự tồn tại của vai trò trung gian của vốn con người và xã hội trên mối quan hệ giữa hiệu quả công ty và vốn tổ chức.
Một nghiên cứu điều tra mối quan hệ giữa vốn trí tuệ và hiệu quả tài chính của 179 công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM được trình bày trong Hội thảo quốc tế về Tài chính, Kế toán và kiểm toán (ICFAA2018) của Doan Thuy Duong, Pham Ngoc Thu Trang sử dụng phương pháp hệ số vốn trí tuệ giá trị gia tăng (VAIC) để đo lường vốn trí tuệ và lợi nhuận trên tài sản (ROA) để đo lường hiệu suất tài chính. Kết quả khẳng định mối tương quan dương giữa hai chỉ tiêu này.
Tại Hội thảo Việt Nam về kế toán, kiểm toán - VCAA 2019, bài báo “Quản lý vốn trí tuệ bằng các công cụ kế toán quản trị chiến lược” của Trịnh Hiệp Thiện và cộng sự gợi ý các nhà quản trị nhóm công cụ kế toán chiến lược được sử dụng để quản lý vốn con người. Các nhóm công cụ quản trị chi phí chiến lược, kế toán chiến lược, kế toán đối thủ cạnh tranh, kế toán khách hàng đều có ý nghĩa để quản lý vốn cấu trúc. Về quản lý vốn quan hệ, ngoại trừ nhóm công cụ kế toán chiến lược, các nhóm công cụ còn lại của kế toán quản trị chiến lược đều có ý nghĩa quản lý vốn quan hệ.
5. Kết luận
Mặc dù đã có rất nhiều tác giả trên thế giới và ở Việt Nam nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính doanh nghiệp nhưng riêng các nghiên cứu tác động của vốn trí tuệ lên thành quả hoạt động công ty tại Việt Nam thì vẫn còn rất hạn chế.
Có thể nói, vốn trí tuệ vẫn là một chủ đề mới ở Việt Nam và đang bước đầu nhận được sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Hiện, có rất ít bài báo nghiên cứu và đánh giá tác động của vốn trí tuệ với kết quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
- Bontis, N. (1998). Intellectual capital: An exploratory study that develops measures and models. Management decision, 36(2), 63-76.
- Doan Thuy Duong, Pham Ngoc Thu Trang. (2018). The Impact of Intellectual Capital on Financial Performance: Empirical Evidence of Listed Firms on Hochiminh Stock Exchang. International Conference on Finance, Accounting and Auditing, (ICFAA2018), November 23rd, 2018, Hanoi City, Vietnam: National Economic University.
- Edivinsson, L., & Malone, M. S. (1997). Intellectual Capital: Realizing Your Companys True Value by Finding Its Hidden Brainpower. Harper Business, New York.
- Guthrie, J., Ricceri, F., & Dumay, J. (2012). Reflections and projections: A decade of intellectual capital accounting research. The british accounting review, 44(2), 68-82.
- Hoang Thanh Nhon, Bui Quang Thong (2018). The impact of intellectual capital dimensions on vietnamese information communication technology firm performance: A mediation analysis of human and social capital. Academy of Strategic Management Journal, 17(1), 1-15.
- Li, Y., & Zhao, Z. (2018). The dynamic impact of intellectual capital on firm value: Evidence from China. Applied Economics Letters, 25(1), 19-23.
- Nadeem, M., Gan, C., & Nguyen, C. (2017). Does intellectual capital efficiency improve firm performance in BRICS economies? A dynamic panel estimation. Measuring Business Excellence, 21(1), 65-85.
- Nahapiet, J., & Ghoshal, S. (1998). Social capital, intellectual capital, and the organizational advantage. Academy of management review, 23(2), 242-266.
- Nimtrakoon, S. (2015). The relationship between intellectual capital, firms market value and financial performance: Empirical evidence from the ASEAN. Journal of Intellectual capital, 16(3), 587-618.
- Pulić, A. (1998). Measuring the performance of intellectual potential in the knowledge economy. In19th Annual National Business Conference (p. Disk).
- Stewart, T. A. (1997). A satisfied customer isnt enough. Fortune,136(2), 112-113.
- Stiles, P., & Kulvisaechana, S. (2004). Human capital and performance in public sector.Judge Institute of Management, University of Cambridge, Cambridge.
- Stovel, M., & Bontis, N. (2002). Voluntary turnover: knowledge management–friend or foe? Journal of intellectual Capital, 3(3), 303-322.
- Sveiby, K. E. (1997). The new organizational wealth: Managing & measuring knowledge-based assets. USA: Berrett-Koehler Publishers.
- Wang, D., & Chen, S. (2013). Does intellectual capital matter? High-performance work systems and bilateral innovative capabilities. International Journal of Manpower, 34(8), 861-879.
- Yang, C. C., & Lin, C. Y. Y. (2009). Does intellectual capital mediate the relationship between HRM and organizational performance? Perspective of a healthcare industry in Taiwan. The International Journal of Human Resource Management, 20(9), 1965-1984.