Tổng quan nghiên cứu về trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực kế toán công
Nghiên cứu này cung cấp, đánh giá một cách có hệ thống, tổng thể bằng cách kết hợp phân tích nội dung và phân tích trắc lượng thư mục các tài liệu học thuật liên quan đến trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực kế toán công. Qua đó, tác giả: (i) Đánh giá các nghiên cứu về chủ đề này dựa trên kết quả xuất bản và phân tích đồng tác giả cùng xuất hiện bằng cách sử dụng phân tích trắc lượng thư mục; (ii) Xem xét các nghiên cứu gần đây về các lý thuyết, phương pháp và phát hiện chính bằng cách áp dụng phân tích nội dung. Ngoài ra, dựa trên kết quả nghiên cứu, bài viết đề xuất định hướng nghiên cứu trong tương lai về trách nhiệm giải trình trong kế toán công.
Trách nhiệm giải trình
Chính quyền hay các tổ chức công hoạt động trên cơ sở nhân danh quyền lực nhân dân, phải giải thích được và chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình trước nhân dân, trước dân tộc. Muốn vậy, phải thiết lập được trách nhiệm giải trình của cá nhân và tổ chức trong nền hành chính công (Phạm Duy Nghĩa, n.d.).
Theo Almquist et al., (2013), quản trị khu vực công liên quan đến các nhiệm vụ giải trình các mục tiêu cụ thể của khu vực này, không chỉ giới hạn ở việc cung cấp dịch vụ (ví dụ: chi phí và chất lượng dịch vụ) mà còn bao gồm tác động của các chính sách đối với cộng đồng hoặc xã hội nói chung (ví dụ: kết quả của chính sách hoặc giá trị tiền thuế).
Trong phần lớn các tài liệu trước đây, trách nhiệm giải trình thường được coi là mơ hồ và rời rạc, thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào các yếu tố như hệ tư tưởng và mục tiêu quản trị (Thaddieus W và Thomas M, 2011; Kniola, 2013). Trách nhiệm giải trình cũng được mô tả là phụ thuộc vào ngữ cảnh vì nó phụ thuộc vào người đảm nhiệm vị trí chịu trách nhiệm (Leveille, 2005; Almquist et al., 2013).
Ở cấp độ lý thuyết, trách nhiệm giải trình đề cập đến “mối quan hệ giữa một chủ thể và một diễn đàn, trong đó chủ thể có nghĩa vụ giải thích và biện minh cho hành vi của mình” (Bovens, 2006). Cho dù nghĩa vụ là chính thức hay không chính thức, người thực hiện có thể phải đối mặt với hậu quả nếu nghĩa vụ không được tôn trọng, chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt dưới một số hình thức (Macheridis và Paulsson, 2021).
Định nghĩa này, giống như các định nghĩa tương tự khác về trách nhiệm giải trình (Dubnick và Frederickson, 2010), xem xét trách nhiệm giải trình như một mối quan hệ xã hội và cụ thể theo ngữ cảnh (Almquist et al., 2013). Điều này cần phải được làm rõ hơn nữa khi xem xét trách nhiệm giải trình trong khu vực công, nơi mà mối quan hệ xã hội được thể hiện giữa các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và người dân.
Trách nhiệm giải trình là một trong những yếu tố của quản trị tốt trong khu vực công (Siti-Nabiha và Salleh, 2011). Trách nhiệm giải trình trong khu vực công được mô tả là một khái niệm không đồng nhất, phức tạp và đa diện bao gồm nhiều khía cạnh (Mulgan, 2000). Cụ thể, Hines (1989) tuyên bố rằng, trách nhiệm giải trình liên quan đến nghĩa vụ trả lời cho các quyết định và hành động của một người khi quyền hành động thay mặt một bên (người ủy thác) được chuyển giao cho người khác (người đại diện).
Trách nhiệm giải trình trong khu vực công tồn tại ở đâu có mối quan hệ quyền hạn trực tiếp trong đó một bên chịu trách nhiệm trước một người hoặc cơ quan về việc thực hiện các nhiệm vụ hoặc chức năng do người hoặc cơ quan đó giao. Funnell và Cooper (1998) khẳng định, có một yêu cầu ngầm đối với lòng tin của công chúng đối với hoạt động của chính phủ và điều này được thể hiện trong trách nhiệm giải trình. Việc chính phủ cung cấp thông tin thích hợp cho quốc hội và người dân là rất quan trọng đối với nghĩa vụ giải trình và do đó đối với nền dân chủ.
Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP, 2008) trách nhiệm giải trình là nghĩa vụ chứng minh rằng công việc đã được tiến hành theo các quy tắc đã được thống nhất và tiêu chuẩn; nó cũng là quá trình thông tin kịp thời, đáng tin cậy về các điều kiện, quyết định và hành động hiện có liên quan đến các hoạt động của tổ chức được cung cấp, hiển thị và dễ hiểu. Trách nhiệm giải trình bao gồm tài chính, hành chính, xã hội và chính trị quản lý. 4 tiêu chí quan trọng được UNDP đưa ra là cơ bản đối với trách nhiệm giải trình dịch vụ công bao gồm: trách nhiệm tài khóa, trách nhiệm quản lý, trách nhiệm chương trình và trách nhiệm cá nhân. Theo Mulgan (2000), trong khu vực công, trách nhiệm giải trình có thể phân thành 4 dạng chính sau: (i) Trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức nhà nước với công chúng trong việc thực thi công vụ; (ii) Trách nhiệm giải trình với ý nghĩa là kiểm soát các hoạt động của chính phủ; (iii) Trách nhiệm giải trình của chính phủ trong việc đáp ứng nhu cầu và mong muốn của người dân; (iv) Trách nhiệm giải trình tồn tại dưới hình thức đối thoại (quyền được phát biểu ý kiến và chất vấn của người dân đối với chính phủ và các cơ quan công quyền).
Tại Việt Nam, tại khoản 5 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 định nghĩa: Trách nhiệm giải trình là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.
Tại Điều 3 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng quy định nội dung giải trình bao gồm: Cơ sở pháp lý của việc ban hành quyết định, thực hiện hành vi; Thẩm quyền ban hành quyết định, thực hiện hành vi; Trình tự, thủ tục ban hành quyết định, thực hiện hành vi; Nội dung của quyết định, hành vi.
Trách nhiệm giải trình trong khu vực công
Trách nhiệm giải trình trong khu vực công liên quan đến trách nhiệm chính trị, hành chính, dân chủ và quan trọng nhất là trách nhiệm tài chính, từ đó nâng cao trách nhiệm, hiệu suất và sự tiến bộ trong một quốc gia (Muraina và Dandago, 2020). Kế toán khu vực công rất quan trọng trong việc thiết lập trách nhiệm giải trình, minh bạch và liêm chính trong Chính phủ vì nó đóng vai trò là công cụ để phân tích hiệu quả hoạt động và tài chính. Thiếu minh bạch trong việc thể hiện kết quả thực hiện ngân sách dẫn đến thiếu trách nhiệm giải trình của khu vực công (Alshujairi, 2014).
Do đó, trách nhiệm giải trình là điều cần thiết để tạo ra của cải và hình thành một xã hội tự do, cho phép công dân tự do yêu cầu thông tin về việc họ được quản lý tốt hay không. Mức độ tham nhũng cao là do mức độ trách nhiệm giải trình thấp trong quản lý và báo cáo tài chính khu vực công (Okere và cộng sự, 2017), bởi vì các báo cáo tài chính hàng năm kịp thời, dễ hiểu và công khai thực hiện một chức năng quan trọng trong chính phủ trách nhiệm giải trình của công dân (Ijeoma. N và Oghoghomeh.T., 2014).
Theo tác giả Sang (2022), tổ chức công nên cung cấp lý do và giải thích cho công chúng về kết quả hoạt động của mình, đồng thời sẵn sàng tiếp thu ý kiến đánh giá của công chúng. Theo đó, báo cáo tài chính trong khu vực công phải chứa đựng cả những thông tin chung mà công chúng quan tâm ngay cả khi không có quy định phải công bố (công bố thông tin tự nguyện) và làm cơ sở để đánh giá thành quả đạt được từ bên được giải trình và kết quả là bên chịu trách nhiệm giải trình sẽ được khen thưởng hoặc bị trừng phạt (trách nhiệm giải trình).
Nhận thấy được tầm quan trọng của công tác kế toán công trong việc thể hiện trách nhiệm giải trình về mặt tài chính, Bộ Tài chính Việt Nam đã ban hành Chuẩn mực kế toán công Việt Nam (Vietnam Public Sector Accounting Standards-VPSAS) số 01-Trình bày báo cáo tài chính, trên cơ sở vận dụng Chế độ Kế toán công quốc tế (International Public Sector Accounting Standards-IPSAS) trong đó ghi rõ: “Báo cáo tài chính trong lĩnh vực kế toán công phải cung cấp thông tin hữu ích cho việc ra quyết định, phải thể hiện khả năng giải trình của đơn vị về việc sử dụng những nguồn lực đã tiếp nhận”.
Các lý thuyết trong nghiên cứu về trách nhiệm giải trình trong kế toán công
Lý thuyết chỉ huy (Commander Theory)
Lý thuyết chỉ huy được Louis (Lou) Goldberg đề xuất vào năm 1965 trong công trình của ông có tựa đề “Điều tra về bản chất của kế toán” tại Australia. Đây là một trong những lý thuyết kế toán cung cấp một nền tảng chiến lược thông qua đó các hoạt động công bố báo cáo tài chính được ghi nhận. Lý thuyết chỉ huy tạo thành nền tảng lý thuyết và trên cơ sở đó phân tích tác động của việc chuyển giao các nguyên tắc và quy tắc kế toán liên ngành sang khu vực công. Giả định của lý thuyết cho rằng, (các) chủ sở hữu tài nguyên cũng có thể là người kiểm soát/giám đốc tài nguyên, nhưng trong một số trường hợp, sự tách biệt giữa quyền kiểm soát và quyền sở hữu chiếm ưu thế.
Khi có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền kiểm soát các nguồn lực, quyền chỉ huy được trao cho người kiểm soát, người có quyền lực và thẩm quyền chỉ đạo các công việc của tổ chức trong khi (những) chủ sở hữu lại yêu cầu người kiểm soát báo cáo và chịu trách nhiệm giải trình.
Theo Ukoh và Ofor (2021), lý thuyết này về cơ bản trở nên phù hợp khi xem xét thực tế rằng các quy tắc, chế độ và chuẩn mực kế toán công ủng hộ việc công bố đầy đủ thông tin tài chính để cho phép những người sử dụng thông tin tài chính quan tâm đưa ra phán quyết sáng suốt. Nếu việc công khai đầy đủ các giao dịch tài chính của khu vực công được thực hiện, nó sẽ mở đường cho độ tin cậy và khả năng so sánh, từ đó dẫn đến sự minh bạch trong các hoạt động tài chính và phi tài chính của chính phủ.
Lý thuyết thể chế (Institutional Theory)
Lý thuyết thể chế, do DiMaggio và Powell đề xuất năm 1983, coi các tổ chức hoạt động trong khuôn khổ xã hội gồm các chuẩn mực, giá trị và giả định về những gì cấu thành hành vi kinh tế phù hợp hoặc có thể chấp nhận được.
Các giả định cơ bản về lý thuyết thể chế bao gồm: (1) Áp dụng các cấu trúc và thực tiễn quản lý được các tổ chức khác coi là hợp pháp trong lĩnh vực của họ, bất kể tính hữu ích thực tế của chúng; (2) Các tổ chức phản ứng với áp lực từ môi trường thể chế của họ và áp dụng/hoặc cấu trúc các thủ tục được xã hội chấp nhận và lựa chọn tổ chức phù hợp; (3) Các tổ chức tuân thủ các chuẩn mực, truyền thống và ảnh hưởng xã hội chiếm ưu thế trong môi trường bên trong và bên ngoài của họ, điều này sẽ thúc đẩy các chính phủ giành được sự ủng hộ và tính hợp pháp bằng cách tuân theo các áp lực xã hội.
Lý thuyết thể chế cho rằng, những thay đổi trong thực tiễn quản lý hoặc văn hóa của một tổ chức sang những cái mới (ví dụ: từ kế toán tiền mặt truyền thống sang IPSAS/VPSAS dựa trên cơ sở dồn tích) không xảy ra chủ yếu do hiệu quả hoặc tính hữu ích của phong cách mới được áp dụng mà là kết quả của một số áp lực thể chế.
Sự phù hợp của lý thuyết thể chế trong các nghiên cứu về lĩnh vực này thể hiện ở việc áp dụng các chế độ, quy tắc hay chuẩn mực kế toán công (IPSAS/VPSAS) nhằm làm tăng trách nhiệm giải trình không xảy ra do những lợi ích liên quan đến phong cách mới mà những thay đổi đó xảy ra do 3 cơ chế trong thể chế (Duenya et al., 2017).
Lý thuyết đại diện (Agency Theory)
Lý thuyết đại diện xuất hiện vào những năm 1970 của Jensen và Meckling. Quan điểm đại diện cộng hưởng từ sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền kiểm soát trong một tập đoàn hiện đại và những lo ngại rằng lợi ích của chủ sở hữu (người đứng đầu) và người đại diện (người quản lý) có thể không thống nhất với nhau.
Tuy nhiên, Baiman (1990) đã đưa ra quan điểm về lý thuyết đại diện từ góc độ khu vực công cho rằng, một quan chức chính phủ được bầu hoặc bổ nhiệm để hành động thay mặt công chúng với tư cách là một đại diện, thực hiện công việc chỉ đạo và kiểm soát các nguồn lực thay mặt công chúng. Do đó, lý thuyết đại diện kêu gọi trách nhiệm giải trình công khai mạnh mẽ giữa đại lý và người ủy thác, điều này có thể được thực hiện thông qua việc sử dụng báo cáo tài chính toàn diện được IPSAS/VPSAS minh họa. Lý thuyết đại diện đã được chứng minh là một cách tiếp cận linh hoạt và hữu ích để giải thích tác động của các sắp xếp thể chế đối với trách nhiệm giải trình của những người ra quyết định công và chính sách công; nó cũng được trình bày trong nghiên cứu này như là cốt lõi để hiểu cách kế toán công có thể cải thiện trách nhiệm giải trình trong báo cáo tài chính của khu vực công (Duenya et al., 2017).
Tổng quan nghiên cứu
Số lượng xuất bản
Trách nhiệm giải trình trong khu vực công và chức năng giải trình của kế toán công ngày càng trở thành mối quan tâm nghiên cứu của các học giả trên thế giới và cả Việt Nam. Kết quả tìm kiếm trên Cơ sở dữ liệu Scopus (Hình 1), với chuỗi tìm kiếm (TITLE-ABS-KEY (accountability in public sector accounting) AND (LIMIT-TO (PUBSTAGE,"final”) AND (LIMIT-TO (DOCTYPE,"ar”) AND (LIMIT-TO (LANGUAGE,"English")) AND ( LIMIT-TO ( SRCTYPE,"j"), cho ra kết quả 333 bài báo có liên quan đến chủ đề tìm kiếm. Cụ thể, kết quả cho thấy, số lượng bài báo bằng tiếng Anh xuất bản trên các tạp chí tăng mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây, với số lượng bài báo dao động từ 12 bài (năm 2012) đến 27 bài (năm 2022), đặc biệt trong 3 tháng đầu năm 2023 đã có 8 bài báo về chủ đề này được công bố.
Các nước dẫn đầu nghiên cứu về trách nhiệm giải trình trong kế toán công
Hình 2 trình bày các quốc gia có năng suất cao nhất, đóng góp vào sự phát triển của nghiên cứu Trách nhiệm giải trình trong kế toán công trên toàn thế giới. Hình 2 cho thấy, các nhà nghiên cứu châu Âu của Vương quốc Anh, Đức, Thụy Sĩ, Ý, Pháp, Cộng hòa Séc và Thụy Điển quan tâm nhất đến chủ đề Trách nhiệm giải trình trong kế toán công. Cụ thể, Vương quốc Anh là quốc gia dẫn đầu với 81 bài báo Trách nhiệm giải trình trong kế toán công từ năm 1990 đến tháng 03 năm 2023 trong Scopus. Với hơn 3/4 tổng số bài báo của Anh, Úc được xếp hạng là quốc gia có năng suất cao thứ hai, tiếp theo là Ý với 35 bài báo. Ở châu Á, Indonesia là quốc gia có số lượng bài viết về trách nhiệm giải trình trong kế toán công cao nhất với 7 bài báo trong thời gian tìm kiếm, tiếp theo là Malaysisa với 6 bài.
Ngoài ra, bài báo này cũng minh họa phân tích đồng tác giả theo quốc gia được thể hiện trong Hình 3. Dữ liệu định hướng từ VOSviewer cho thấy, trong số 61 quốc gia có ấn phẩm về trách nhiệm giải trình trong kế toán công, 22 quốc gia đáp ứng ngưỡng 5 tài liệu mỗi quốc gia. Đối với mỗi 22 quốc gia, tổng sức mạnh của các liên kết đồng tác giả được tính toán, quốc gia có tổng sức mạnh liên kết lớn nhất sẽ được chọn (van Eck và Waltman, 2013). Kết quả đồng tác giả cho thấy, Mỹ là quốc gia có nhiều liên kết nhất, liên kết với 17 quốc gia/vùng lãnh thổ với 27 lượt đồng tác giả và 81 tài liệu với 5286 lần trích dẫn. Tiếp theo là Ý (10 liên kết, 24 đồng tác giả), Úc (9 liên kết, 20 đồng tác giả), Thụy Điển (8 liên kết, 18 đồng tác giả), Niu Di lân (4 liên kết, 14 đồng tác giả), và những người khác.
Các nghiên cứu trên thế giới
Dubnick và Frederickson (2010) đã nghiên cứu các phương pháp đo lường hiệu suất hoạt động trong chính phủ liên bang, đặc biệt là khi chúng được áp dụng tại năm cơ quan của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ để xem xét trách nhiệm giải trình. Bằng cách sử dụng phương pháp kinh nghiệm sáu phần “hứa hẹn về trách nhiệm giải trình”, nghiên cứu chỉ ra rằng, các đặc điểm của bên thứ ba và bản chất của mối quan hệ giữa người ủy thác và đại lý của họ là yếu tố chính quyết định trách nhiệm giải trình; kiểm soát quan liêu và thứ bậc nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan và chương trình; xây dựng các quy tắc và chính sách chương trình thành các khoản trợ cấp và hợp đồng nâng cao trách nhiệm giải trình; các cơ quan thực hành các hình thức “hợp đồng quan hệ” dựa trên sự tin cậy đôi bên thúc đẩy văn hóa trách nhiệm giải trình; các yêu cầu kiểm toán và báo cáo nâng cao trách nhiệm giải trình của chương trình; các chế độ đo lường hiệu quả hoạt động của liên bang có xu hướng “từ trên xuống” và “một cỡ phù hợp với tất cả”; các chế độ đo lường hiệu quả hoạt động của liên bang chủ yếu là các hình thức trách nhiệm giải trình của nhánh hành pháp; đo lường hiệu suất thường đại diện cho các nỗ lực áp đặt logic quản lý và quy trình quản lý lên các quy trình chính trị cố hữu gắn liền với sự phân chia quyền lực; có rất ít bằng chứng cho thấy trách nhiệm giải trình dựa trên kết quả thực hiện dẫn đến nâng cao kết quả dân chủ hoặc công bằng hoặc công bằng hơn.
Ijeoma. N và Oghoghomeh.T., (2014) đã xem xét những kỳ vọng, lợi ích và thách thức của việc áp dụng Chuẩn mực kế toán khu vực công quốc tế (IPSAS) ở Nigeria. Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định tác động của việc áp dụng IPSAS đối với Mức độ Trách nhiệm giải trình và Tính minh bạch trong Khu vực Công của Nigeria và để xác định sự đóng góp của việc áp dụng IPSAS trong việc tăng cường khả năng so sánh và các thông lệ quốc tế tốt nhất. Các công cụ thống kê được sử dụng là kiểm định Chi-square, kiểm định Kruskal Wallis và phân tích mô tả. Từ những phát hiện của nghiên cứu, người ta nhận thấy rằng, việc áp dụng IPSAS dự kiến sẽ làm tăng mức độ trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong khu vực công của Nigeria. Cụ thể, việc áp dụng IPSAS sẽ nâng cao khả năng so sánh và các thông lệ quốc tế tốt nhất. Ngoài ra, việc áp dụng các tiêu chuẩn dựa trên IPSAS sẽ cho phép cung cấp thông tin có ý nghĩa hơn cho những người ra quyết định và cải thiện chất lượng của hệ thống báo cáo tài chính ở Nigeria.
Duenya et al., (2017) xem xét tác động của việc áp dụng Chuẩn mực kế toán khu vực công quốc tế (IPSAS) đối với trách nhiệm giải trình trong báo cáo tài chính khu vực công ở Nigeria, sử dụng các biến: nhận thức của nhân viên kế toán (AP), học giả (AA) và kiểm toán viên (AU). Mẫu nghiên cứu gồm 130 đáp viên từ tổng thể gồm 193 AU, AP và AA ở Bang Benue. Thử nghiệm mức độ vừa vặn Chi-Square, thử nghiệm Kruskal Wallis H, thử nghiệm Mann-Whitney U và kích thước hiệu ứng Cohen đã được sử dụng trong phân tích dữ liệu. Nghiên cứu cho thấy rằng, việc áp dụng IPSAS ở Nigeria sẽ cải thiện trách nhiệm giải trình và ra quyết định trong khu vực công. Nghiên cứu cũng cho thấy, có sự khác biệt đáng kể tồn tại giữa AP, AA và AU về tác động của việc áp dụng IPSAS đối với trách nhiệm giải trình tài chính của khu vực công ở Nigeria.
Ukoh và Ofor (2021) xác định mối quan hệ giữa các chuẩn mực kế toán khu vực công quốc tế (IPSAS) với trách nhiệm giải trình và độ tin cậy của hồ sơ kế toán của các bộ ở các bang Đông Nam Nigeria. Thiết kế nghiên cứu khảo sát đã được thông qua và dữ liệu được thu thập thông qua việc sử dụng bảng câu hỏi. Cỡ mẫu là 322 được chọn từ 1652 Cán bộ kế toán và Kiểm toán viên nội bộ của các bộ khác nhau của các bang, sử dụng công thức của Taro Yamane và phân bổ cho từng bang theo tỷ lệ quy mô dân số của họ. Trong số các bản câu hỏi được phát, 230 bản đã được hoàn thành và gửi lại. Các giả thuyết được xây dựng đã được kiểm tra bằng công cụ thống kê phân tích hồi quy tuyến tính. Từ việc phân tích dữ liệu, kết quả cho thấy việc áp dụng các chuẩn mực kế toán khu vực công quốc tế (IPSAS) có tác động tích cực đến trách nhiệm giải trình và nâng cao độ tin cậy của hồ sơ kế toán tại các bộ của các bang Đông Nam Nigeria.
Các nghiên cứu tại Việt Nam
Trái ngược với thế giới, số lượng nghiên cứu thực nghiệm liên quan đến trách nhiệm giải trình tài chính trong khu vực công và trách nhiệm giải trình của kế toán công ở Việt Nam còn khá ít (theo kết quả tìm kiếm bằng tiếng Việt và tiếng Anh trên Google Scholar và tiếng Anh trên cơ sở dữ liệu Scopus). Tuy nhiên, 4 trường hợp điển hình đã được xác định và trình bày dưới đây:
Huy (2017) nghiên cứu tập trung vào đặc điểm trách nhiệm giải trình trong kế toán công Việt Nam bằng cách xác định các yếu tố ảnh hưởng đến việc nâng cao đặc điểm này trong khu vực công Việt Nam. Tác giả chỉ ra 7 yếu tố ảnh hưởng đến trách nhiệm giải trình trong khảo sát thực nghiệm với 281 cán bộ đã làm việc trong các đơn vị hành chính sự nghiệp tại Việt Nam. Nghiên cứu cũng đề xuất ba hàm ý chính sách để Việt Nam xem xét trong thời gian tới.
Bình (2017), trong luận văn thạc sỹ của mình, đã thiết kế khung lý thuyết nghiên cứu nhằm đảm bảo đề tài được thực hiện có cơ sở khoa học. Với nghiên cứu định tính, tác giả đã tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước về quá trình cải cách kế toán công, những nhân tố tác động đến trách nhiệm giải trình Báo cáo tài chính khu vực công. Sau đó, tác giả tiến hành phỏng vấn các chuyên gia trong ngành để xác định các nhân tố phù hợp với đặc điểm đặc thù kinh tế của nước ta. Tác giả sử dụng các công cụ thống kê mô tả, kiểm định, hồi quy, để phân tích số liệu, và cuối cùng có được mô hình hồi quy các nhân tố tác động đến trách nhiệm giải trình báo cáo tài chính khu vực công Việt Nam bao gồm nhân tố: Hệ thống chính trị, Hệ thống pháp lý, Giáo dục nghề nghiệp và Văn hóa xã hội.
Yến (2021) với luận án tiến sỹ “Tác động của năng lực kế toán và vai trò lãnh đạo đến chất lượng báo cáo tài chính, trách nhiệm giải trình và thành quả hoạt động trong các đơn vị công tại Việt Nam” nghiên cứu đã vận dụng lý thuyết thể chế, lý thuyết đại diện và lý thuyết bất định nhằm khám phá và kiểm định tác động của năng lực kế toán, tác động của vai trò lãnh đạo đến chất lượng báo cáo tài chính và trách nhiệm giải trình. Với 235 mẫu khảo sát kế toán viên và nhà quản trị làm việc trong các đơn vị công tại Việt Nam, tác giả đã kiểm định 8 giả thuyết trong mô hình nghiên cứu của luận án. Kết quả cho thấy: (1) Năng lực kế toán và vai trò lãnh đạo có tác động cùng chiều đến chất lượng báo cáo tài chính; (2) Năng lực kế toán và vai trò lãnh đạo có tác động cùng chiều đến trách nhiệm giải trình; (3) Chất lượng báo cáo tài chính có tác động cùng chiều đến trách nhiệm giải trình; (4) Chất lượng báo cáo tài chính có tác động cùng chiều đến thành quả hoạt động; (5) Trách nhiệm giải trình có tác động cùng chiều đến thành quả hoạt động; (6) Trách nhiệm giải trình đóng vai trò trung gian cho tác động gián tiếp của chất lượng báo cáo tài chính đến thành quả hoạt động.
Yến và cộng sự (2021) dựa trên lý thuyết thể chế và lý thuyết dự phòng, nghiên cứu này nhằm mục đích kiểm tra tác động của năng lực lãnh đạo và kế toán đến chất lượng báo cáo tài chính và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công tại Việt Nam. Hơn nữa, nghiên cứu này nhằm xác định tác động của chất lượng báo cáo tài chính đối với trách nhiệm giải trình. Nghiên cứu sử dụng mô hình phương trình cấu trúc bình phương nhỏ nhất từng phần, với 177 mẫu khảo sát thu được từ các kế toán viên và nhà quản lý làm việc trong khu vực công tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, năng lực lãnh đạo và kế toán có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng báo cáo tài chính; năng lực lãnh đạo và kế toán ảnh hưởng tích cực đến trách nhiệm giải trình; và chất lượng báo cáo tài chính có tác động tích cực đến trách nhiệm giải trình.
Kết luận
Thực tiễn nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam cho thấy, có 2 chủ đề nghiên cứu trọng tâm về trách nhiệm giải trình của kế toán công đó là: (1) Nghiên cứu ảnh hưởng của việc vận dụng các chuẩn mực kế toán công đến trách nhiệm giải trình; (2) Nghiên cứu các nhân tố thuộc kế toán công trong các tổ chức ảnh hưởng đến trách nhiệm giải trình. Phương pháp nghiên cứu trong các đề tài này bao gồm cả nghiên cứu định tính và định lượng với phương pháp xử lý dữ liệu chủ yếu là phân tích nhân tố và hồi quy tuyến tính. Từ đó, nghiên cứu trong tương lai có thể hướng đến các khía cạnh như: (i) Xem xét chỉ số trách nhiệm giải trình và hiệu quả chính sách ở giai đoạn trước và sau khi ban hành chế độ kế toán công; (ii) Nghiên cứu thực trạng trách nhiệm giải trình thể hiện ở các báo cáo tài chính tại các cơ quan nhà nước hay các đơn vị hành chính sự nghiệp theo tổ chức dọc từ Trung ương đến địa phương.
Tài liệu tham khảo:
- Sang, L. T. N. (2022), Vận dụng nguyên tắc trách nhiệm giải trình trong định hướng sửa đổi mô hình kế toán công ở Việt Nam, Tạp Chí Tài Chính, Kỳ 2 tháng 6, https://tapchitaichinh.vn/van-dung-nguyen-tac-trach-nhiem-giai-trinh-trong-dinh-huong-sua-doi-mo-hinh-ke-toan-cong-o-viet-nam.html;
- Phạm Duy Nghĩa. (n.d.), Trách nhiệm giải trình: Vươn tới những chuẩn mực của một nền hành chính phục vụ phát triển, 1–15;
- Yến, T. T. (2021), Tác động của năng lực kế toán và vai trò lãnh đạo đến chất lượng báo cáo tài chính, trách nhiệm giải trình và thành quả hoạt động trong các đơn vị công tại Việt Nam;
- Almquist, R., Grossi, G., van Helden, G. J., & Reichard, C. (2013), Public sector governance and accountability, Critical Perspectives on Accounting, 24(7–8), 479–487, https://doi.org/10.1016/j.cpa.2012.11.005;
- Alshujairi, M. H. A. (2014), Government accounting system reform and the adoption of IPSAS in Iraq, Research Journal of Finance and Accounting, 5(24), 1–21, http://www.iiste.org/journals/;
- Baiman, S. (1990), Agency research in managerial accounting: A second look, Accounting, Organizations and Society, 15(4), 341–371, https://doi.org/10.1016/0361-3682(90)90023-N;
- Bovens, M. (2006), Analysing and Assessing Public Accountability.pdf. European Governance Papers, C-06–01;
- Dubnick, M. J., & Frederickson, H. G. (2010), Accountable agents: Federal performance measurement and third-party government, Journal of Public Administration Research and Theory, 20(SUPPL. 1), 143–159, https://doi.org/10.1093/jopart/mup039.