TP. Bến Tre phát triển công nghiệp chủ lực
Giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030, TP. Bến Tre sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến dừa, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng và các ngành công nghiệp có tiềm năng để trở thành ngành công nghiệp chủ lực, nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên của địa phương, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thực trạng hoạt động
Thời gian qua, UBND TP. Bến Tre đã đẩy mạnh kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp chế biến dừa, thủy sản, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ để phát triển sản xuất ngành công nghiệp chủ lực, trong đó ưu tiên kêu gọi dự án chế biến các sản phẩm mới từ dừa.
Trên địa bàn TP. Bến Tre, hiện có trên 300 doanh nghiệp (DN), cơ sở hoạt động trong ngành chế biến nông sản, sản phẩm từ dừa. Các DN trong ngành chế biến dừa cũng đã tạo ra được nhiều sản phẩm mới như: dầu dừa tinh khiết, nước dừa đóng lon, than gáo dừa xuất khẩu, bột sữa dừa, mặt nạ dừa, ống hút từ nước dừa được người tiêu dùng chấp nhận và đánh giá cao. Về chế biến thủy sản, hiện chỉ có Công ty cổ phần Thủy sản Bến Tre, với khoảng 270 lao động, sản lượng khoảng 4.350 tấn/năm.
Thành phố có 19 DN, cơ sở đăng ký mới, vốn đăng ký 8,6 tỷ đồng, lũy kế đến nay có 73 DN, cơ sở ngành cơ khí, chủ yếu là hàn tiện, gia công cơ khí, cơ khí sửa chữa, sản xuất công cụ. Trong đó, ngành cơ khí chế tạo phát triển chưa mạnh, chủ yếu là chế tạo các thiết bị đơn giản phục vụ ngành chế biến dừa như: máy khuấy kẹo dừa, cắt kẹo dừa, cắt lát thạch dừa, máy xe chỉ xơ dừa, máy dệt lưới xơ dừa, nồi hơi. Các dây chuyền sản xuất có quy mô lớn, yêu cầu công nghệ cao đều phải mua từ nơi khác.
Để phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, UBND TP. Bến Tre kiến nghị các sở, ngành tỉnh hỗ trợ thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn chỉnh Cụm công nghiệp Phú Hưng và kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào cụm. Đặc biệt, các DN chế biến các sản phẩm từ cây dừa, tạo ra giá trị kinh tế cao. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ thành phố các nguồn vốn khuyến công, khoa học công nghệ, chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ các DN đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm mới.
Một số mục tiêu cụ thể
Ngày 12/8/2021, UBND TP. Bến Tre đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29/1/2021 của Tỉnh ủy Bến Tre về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng DN giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030. Mục tiêu chung của kế hoạch là đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến dừa, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển khác trở thành những ngành công nghiệp chủ lực của thành phố…
Mục tiêu cụ thể, gồm: Phấn đấu đến năm 2025 giá trị công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 8%/năm (giai đoạn 2021 - 2025). Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 3%/năm, đến năm 2025 đạt 3.500 tỷ đồng. Phát triển mới 200 DN sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó có khoảng 10 DN nằm trong số các DN dẫn đầu trong các lĩnh vực, sản phẩm của tỉnh. Đến năm 2025 thực hiện xong Cụm công nghiệp Phú Hưng và đi vào hoạt động. Có trên 40 sản phẩm được công nhận OCOP đạt từ 4 sao trở lên, trong đó có trên 30 sản phẩm từ dừa, thủy sản. Phát triển năng lượng điện tái tạo, năng lượng điện mặt trời đạt 40MW.
Phấn đấu đến năm 2030, giá trị công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 9%/năm (giai đoạn 2025 - 2030). Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 5%/năm, đến năm 2030 đạt 4.500 tỷ đồng. Phấn đấu tạo quỹ đất sản xuất công nghiệp khoảng 70ha theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra. Phát triển năng lượng điện tái tạo, điện năng lượng mặt trời đạt 60MW.
Để việc thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả, UBND TP. Bến Tre phân công 5 nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban thành phố, UBND xã phường, Tổ Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp thành phố. Các nhiệm vụ cụ thể gồm: rà soát, điều chỉnh, ban hành cơ chế, chính sách; kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để phát triển công nghiệp và lực lượng DN; tập trung huy động đa dạng nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu và tăng cường liên kết phát triển vùng; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp.