TP Hồ Chí Minh: Nhiều thách thức duy trì tăng trưởng xuất khẩu

Theo Ngọc Thảo/congthuong.vn

TP. Hồ Chí Minh đang trong tâm dịch, thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu đang phải tạm ngừng hoạt động hoặc có duy trì thì năng suất cũng giảm, khiến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm càng nhiều thách thức khó khăn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Xuất khẩu đã có dấu hiệu giảm

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 53,5 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 26 tỷ USD, giảm 4,4% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, giảm 0,6%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực bắt đầu có dấu hiệu giảm.

Riêng TP. Hồ Chí Minh, tính riêng trong tháng 7/2021 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của DN tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 3,34 tỷ USD, giảm 23,9% so tháng trước.

Nguyên nhân của đà sụt giảm này là do dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam. Đặc biệt từ ngày 15/7, khi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chỉ cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất với DN đảm bảo yêu cầu phòng dịch với phương châm “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. Nhưng rất nhiều DN đã không thể đáp ứng yêu cầu này nên phải ngưng sản xuất, số ít còn lại đáp ứng được thì năng suất cũng giảm đáng kể, chưa kể những DN trong quá trình “3 tại chỗ” phải ngưng vì có nhiều F0 xuất hiện.

Tuy nhiên, tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước vẫn duy trì được mức tăng trưởng, đạt 26,9 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 1 tỷ USD, giảm 24,6% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 7 tỷ USD, tăng 12,8%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,6 tỷ USD, tăng 10,1%.

Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tăng ở nhóm hàng nông sản đạt 2,2 tỷ USD, tăng 5,2% và chiếm 9,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; Nhóm hàng công nghiệp có giá trị xuất khẩu đạt 16,8 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ... Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng/ 2021 đạt 5,6 tỷ USD. Xếp thứ 2 là Hoa Kỳ đạt 4,1 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ, chiếm 16,8% tỷ trọng xuất khẩu.

DN xuất khẩu với nhiều thách thức phía trước

Trong bối cảnh như hiện nay, nhiều DN cho rằng để duy trì nhịp tăng trưởng xuất khẩu sẽ rất khó khăn. Ngay trong tháng 8 này, tình hình rất khó khả quan, kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ giảm mạnh hơn so với tháng 7 vì các yêu cầu phòng chống dịch vẫn rất khắt khe. Và như vậy từ nay đến cuối năm theo đánh giá chung của nhiều DN khó có thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, ngoại trừ tình hình khống chế dịch bệnh nhanh hơn.

Không chỉ lo việc không hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của năm nay, nhiều DN ngành hàng xuất khẩu còn lo lắng thời gian tới sẽ mất đơn hàng, mất khách hàng khi các đơn hàng dịch chuyển sang các nước kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Và khi đơn hàng đã bị dịch chuyển thì việc nối lại sẽ khó khăn và cần thời gian.

"Những ảnh hưởng của dịch bệnh lên hoạt động sản xuất, xuất khẩu là điều bất khả kháng và DN buộc phải chấp nhận. DN cần sự đồng hành chia sẻ sớm những khó khăn của các bộ, ngành, địa phương. Thực tế, DN rất cần một kế hoạch phòng chống dịch dịch linh động, phù hợp với tình hình thực tế để chủ động lên phương án sản xuất. Bên cạnh đó, DN đang tạm ngừng sản xuất có thể chuẩn bị đáp ứng điều kiện phòng chống dịch và quay lại sản xuất đáp ứng đơn hàng xuất khẩu vào dịp cuối năm", ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ.

Về hỗ trợ hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - nhấn mạnh, thành phố tạo điều kiện và hướng dẫn DN tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch. Để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, cũng như dựa trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) và các hội ngành hàng, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng vừa ban hành kế hoạch "Hỗ trợ DN bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh". Kế hoạch này đặt ra mục tiêu khẩn trương huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ DN trong và ngoài nước, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh những nơi có nhu cầu, đảm bảo điều kiện an toàn theo tiêu chí của UBND thành phố.

UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức theo dõi sát tình hình hoạt động; đồng thời chủ động nắm bắt khó khăn của DN, kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa cho DN, người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người lao động tiếp cận chính sách hỗ trợ này.

Thành phố cũng giao Sở Công Thương phối hợp liên ngành tham mưu phân loại DN theo mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đề xuất tiêu chí xác định DN cần tập trung hỗ trợ. Sở Công Thương và Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, cùng đơn vị liên quan sớm tham mưa, đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành quy chuẩn hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng chống dịch để DN quay lại hoạt động với lộ trình cụ thể. Trước mắt, Sở, ngành TP. Hồ Chí Minh có thể nghiên cứu, triển khai thí điểm đối với một số khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi 2 cho người lao động.