TP. Hồ Chí Minh tăng cường xe bán hàng lưu động, Đà Nẵng cam kết đủ hàng hóa thiết yếu

Theo baochinhphu.vn

Để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ hằng ngày của người dân, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức gần 900 điểm bán hàng lưu động phân bổ trên khắp địa bàn. Tại Đà Nẵng, thị trường hàng hóa đã bình ổn, nguồn cung hàng hóa dồi dào, ổn định. Các tỉnh, thành phố đều khuyến cáo người dân không mua gom hàng hóa trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội.

Điểm bán hàng lưu động tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh
Điểm bán hàng lưu động tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh

TPHCM thêm nhiều điểm bán hàng lưu động

Theo tin từ Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, chỉ trong ngày 22/7, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức được 77 điểm bán và 87 lượt xe bán bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn các quận, huyện với tổng lượng hàng hóa trong ngày gồm 19 tấn thực phẩm các loại (rau củ quả, thịt, đồ khô…) và 14.000 quả trứng.

Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức 21 điểm với 31 lượt xe lưu động theo đề xuất của 9 quận, huyện với 7 tấn thực phẩm các loại và 11.000 quả trứng. Viettel Post tổ chức 34 điểm bán với 34 lượt xe có tổng lượng hàng hóa là 11 tấn, VN Post tổ chức 22 điểm bán với 22 lượt xe có lượng hàng hóa là 1 tấn thực phẩm các loại (rau củ quả, thịt, đồ khô…) và 3.000 quả trứng.

Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã huy động các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics, có đủ năng lực và điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng và phân phối hàng hóa với gần 1.000 điểm bán rau củ quả và thực phẩm từ ngày 15/7/2021. Đến nay, triển khai được 285 điểm bán cố định. Trong đó, Viettel Post 34 điểm, VN Post 22 điểm, Pharmacity 34 điểm, Con Cưng 66 điểm, Guardian 65 điểm, Nhất Tín 11 điểm, HSV 1 điểm và Vinshop 52 điểm.

Như vậy, kể từ ngày 11/7 đến ngày 22/7, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức được 798 điểm bán với 866 lượt xe bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn các quận, huyện, TP. Thủ Đức với 415 tấn thực phẩm các loại và 120.700 quả trứng.

Đà Nẵng: Hàng hóa đầy đủ, người dân không cần gom hàng

Theo thông tin từ Sở Công Thương Đà Nẵng, tình hình thị trường trên địa bàn Thành phố từ đầu tháng 7/2021 nhìn chung giữ mức ổn định. Lượng hàng hóa cung ứng tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dồi dào, đa dạng, giá cả không có biến động, bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Các mặt hàng hóa lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cung ứng và dự trữ bình thường, không biến động; nhóm hàng rau, thực phẩm khô và tươi sống là những mặt hàng được người dân mua nhiều, lượng khách đến chợ ít và không có tình trạng tranh nhau mua hàng dự trữ. Hiện, sản lượng trái cây, rau củ nhập về chợ đầu mối Hòa Cường trung bình hơn 300 tấn/ngày, tương đương với mức nhập hàng hóa trong những ngày bình thường, không có biến động.

Tuy nhiên, trước ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 tại 4 phường (0h ngày 17/7), một bộ phận người dân TP. Đà Nẵng đã tập trung đến các siêu thị, trung tâm thương mại để mua sắm, tích trữ hàng hóa, dẫn tình trạng một số loại hàng hóa thiết yếu thiếu hàng cục bộ trong chiều và tối ngày 16/7.

Thời điểm người dân mua hàng tăng đột biến khiến giá một số mặt hàng tại các chợ tăng mạnh như: Rau củ tăng 5-10%; trứng gà tăng 20-25% do các nhà cung ứng Đà Nẵng tăng cường cho các tỉnh phía nam. Hiện các nhà phân phối đã có phương án tìm kiếm thêm các nhà cung cấp từ các tỉnh phía bắc, nhập khẩu để thay thế.

Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, thị trường đã bình ổn trở lại, nguồn cung hàng hóa ổn định, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân toàn thành phố. Các siêu thị, chợ vẫn hoạt động bình thường. Hệ thống các siêu thị, nhà phân phối đã cam kết và sẵn sàng cung ứng tăng 3-5 lần các chủng loại thực phẩm đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân toàn thành phố trong vòng 2-3 tháng.

Sở Công Thương cũng liên tục yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại khuyến nghị người dân không nên tập trung mua quá nhiều vào một chủng loại hàng hóa, tạo nên sự sụt giảm tức thời, ảnh hưởng tới người mua sắm khác. Người dân không nên mua tích trữ hàng hóa với số lượng lớn, chỉ nên mua với số lượng đủ dùng nhằm tránh tạo sự đột biến trong mua sắm và gây ra tâm lý hoang mang không đáng có.

Ngoài ra, thông điệp được Đà Nẵng liên tục gửi đến người dân đó là: Việc tập trung đông người, mua sắm tại một thời điểm sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch chung của Thành phố.