TP. Hồ Chí Minh ưu tiên thu hút nhà đầu tư vào các ngành mũi nhọn

Thu Dịu

TP. Hồ Chí Minh đang hoàn thiện danh mục dự án kêu gọi đầu tư, tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực ưu tiên như: cảng trung chuyển quốc tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch, công nghiệp bán dẫn, vi mạch…

TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng đón dòng vốn FDI chất lượng cao.
TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng đón dòng vốn FDI chất lượng cao.

Cải cách thủ tục, thông thoáng đầu tư

Theo báo cáo của Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, trong nửa đầu năm 2025, TP. Hồ Chí Minh mới (gồm cả Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu) có tổng cộng 945 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp mới. Tổng giá trị vốn đầu tư FDI (tính chung cấp mới, vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp) đạt 4,72 tỷ USD, tăng hơn 32% so với cùng kỳ. Mục tiêu cả năm của Thành phố là thu hút 10,44 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh (cũ) dự kiến khoảng 7 tỷ USD; Bình Dương khoảng 1,8 tỷ USD; Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 1,64 tỷ USD.

Cắt giảm thủ tục hành chính luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư. Theo ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, hiện đơn vị đang thực hiện 22 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, trong đó đã rút ngắn 30% thời gian giải quyết đối với 5 thủ tục. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, đã có 3.344 hồ sơ được giải quyết nhanh hơn, chiếm tới 93,41% tổng số hồ sơ tiếp nhận.

Từ nay đến cuối năm, Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh cải cách, với một số thủ tục như đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư… sẽ được xử lý chỉ trong một ngày làm việc. Các thủ tục khác như cấp lại, hiệu đính thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thành lập văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài theo hợp đồng BCC… cũng sẽ được rút ngắn 30% thời gian. Thời gian thẩm định của các cơ quan liên quan cũng được giới hạn trong 7 ngày làm việc.

Những giải pháp này hướng đến mục tiêu đơn giản hóa 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư. Đồng thời, Sở Tài chính sẽ tham mưu cập nhật danh mục dự án kêu gọi đầu tư, phối hợp với các sở ngành cụ thể hóa các tiêu chí như đất đai, quy hoạch, hình thức đầu tư… nhằm tăng khả năng tiếp cận thông tin và thu hút hiệu quả nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sẵn sàng đón dòng vốn FDI chất lượng cao

TP. Hồ Chí Minh cũng đang tập trung hoàn thiện danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư, hướng đến các lĩnh vực chiến lược như cảng trung chuyển quốc tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, R&D, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch, công nghiệp bán dẫn, thiết kế và chế tạo vi mạch, điện tử linh hoạt, chip, pin công nghệ cao… Đáng chú ý có dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP. Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm các khu đất để xây dựng trung tâm dữ liệu lớn và siêu lớn. Với các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) hiện hữu, tại TPHCM đề án thí điểm chuyển đổi 5 KCX, KCN, gồm: Tân Thuận, Tân Bình, Hiệp Phước, Cát Lái, Bình Chiểu sẽ được trình UBND TP. Hồ Chí Minh trong tháng 7 này.

Định hướng chuyển đổi của 5 khu này là phát triển công nghệ cao, sáng tạo, với các tiêu chí thu hút đầu tư mới về công nghệ, ngành nghề, suất đầu tư, lao động, môi trường…

TP. Hồ Chí Minh chủ động chuẩn bị sẵn sàng về cơ chế, đất đai, quy hoạch và tháo gỡ vướng mắc để tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận các dự án thuộc danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2024–2025, tận dụng hiệu quả các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98.

Sau khi hợp nhất, TP. Hồ Chí Minh hiện có 64/67 khu chế xuất, khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích đất công nghiệp lên đến 45.000 ha. Đây là bước đi quan trọng trong bối cảnh quỹ đất luôn là bài toán khó, đồng thời mở ra dư địa phát triển mới cho ngành công nghiệp thành phố.

Không chỉ mở rộng không gian, việc hợp nhất còn tạo cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao. Tại Bình Dương – thủ phủ công nghiệp với số lượng KCN, KCX chiếm một nửa TP. Hồ Chí Minh mới – hai dự án KCN Cây Trường và KCN Bàu Bàng mở rộng giai đoạn 2 vừa được khởi công đã cho thấy xu hướng phát triển các khu công nghiệp sinh thái, thông minh thế hệ mới.

Được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, hai khu công nghiệp này tích hợp các giải pháp công nghệ số như IoT, giám sát thông minh và quản lý vận hành tự động.

Trong đó, KCN Cây Trường có tổng vốn đầu tư gần 5.500 tỷ đồng, quy mô 700 ha, ưu tiên thu hút các ngành công nghệ cao và thân thiện môi trường.

KCN Bàu Bàng mở rộng bổ sung 380 ha quỹ đất sạch, hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng phục vụ nhà đầu tư công nghiệp quy mô lớn.