TP. Hồ Chí Minh: Vẫn duy trì hoạt động các trạm y tế lưu động điều trị F0 tại nhà

Theo Gia Cư/thoibaotaichinhvietnam.vn

Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam cho biết, hiện nay, việc duy trì trạm y tế lưu động vẫn rất cần thiết. Tại các địa phương có ca F0 còn cao, Sở Y tế tiếp tục duy trì, huy động và mở thêm các trạm y tế lưu động, phấn đấu mỗi trạm chăm sóc tốt nhất từ 50 -100 F0 tại nhà.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam tại buổi họp báo chiều 8/11. Ảnh Gia Cư
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam tại buổi họp báo chiều 8/11. Ảnh Gia Cư

Cụ thể, tuần vừa qua, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã huy động, mở thêm 40 trạm y tế lưu động tại Hóc Môn. Tại huyện Nhà Bè, sau khi kiểm tra thực tế, Sở ghi nhận có 772 ca F0 đang điều trị tại nhà và có 7 trạm y tế lưu động, do đó Sở đang đề xuất thành lập thêm ít nhất 15 trạm y tế lưu động để có thể chăm sóc tốt nhất cho F0 điều trị tại nhà.

Khi tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng, TP. Hồ Chí Minh đã thành lập 550 trạm y tế lưu động kết hợp 312 trạm y tế phường, xã, thị trấn đảm bảo việc chăm sóc F0 tại nhà, từ việc hỏi thăm sức khỏe qua điện thoại, theo dõi sức khỏe cũng như cấp phát các túi thuốc A,B,C cho F0 đang trong quá trình điều trị.

Trước vấn đề duy trì hoạt động các trạm y tế lưu động sau khi lực lượng quân y rút quân, ông Nguyễn Hoài Nam thông tin, ngành Y tế thành phố đã có phương án giao lại cho các địa phương triển khai tùy tình hình thực tế. Các trạm y tế lưu động sẽ được giao cho các bệnh viện trên địa bàn bao gồm các bệnh viện công lập, bệnh viện ngoài công lập cũng như huy động các thầy thuốc ở các phòng mạch, phòng khám tư nhân tham gia các trạm y tế lưu động để đảm bảo đáp ứng nhu cầu khi cần thiết.

Thông tin về các gói thuốc điều trị COVID -19 đang được TP. Hồ Chí Minh sử dụng, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, hiện thành phố có khoảng 264.500 túi thuốc các loại, 213.076 túi đã được cấp về trung tâm y tế các địa phương. Trong thời gian tới, tùy theo tình hình dịch bệnh, thành phố sẽ mua thêm 100.000 túi thuốc để hỗ trợ công tác điều trị F0 tại nhà và bệnh viện.

Đối với túi thuốc C chứa thuốc kháng vi rút Molnupiravir, ông Nam cho biết, Bộ Y tế đã phân bổ cho TP. Hồ Chí Minh 50.000 túi, trong đó 28.583 túi đã được cấp để điều trị F0. Sắp tới, khi có nhu cầu, thành phố sẽ kiến nghị Bộ Y tế cấp thêm các túi thuốc này.

Ngày 8/11, cấp độ dịch của UBND TP. Hồ Chí Minh được đánh giá đang ở cấp độ 2. Cụ thể, có 13/22 địa phương đạt cấp độ 1, 7/22 địa phương cấp độ 2 và 2/22 địa phương cấp độ 3./.