Những lợi ích nhìn thấy từ TPP
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc quá trình đàm phán. Việc kí kết Hiệp định còn phải chờ phê chuẩn của Quốc hội của 12 quốc gia. Tuy nhiên, nếu không có gì đặc biệt, việc kí kết của Hiệp định này sẽ nhanh chóng được hoàn thành. Vậy, vấn đề đặt ra là Việt Nam được gì và đối diện với thách thức gì khi gia nhập TPP?
Việt Nam được gì từ TPP?
Một là, trong một sân chơi mới với tầm cao nhất có thể đến nay, Việt Nam sẽ là bạn hàng ngang bằng với các quốc gia hùng mạnh nhất về kinh tế. Đồng thời với việc này, các lợi ích kinh tế của Việt Nam sẽ được hậu thuẫn bởi các lợi ích của các cường quốc kinh tế. Do đó, Việt Nam sẽ không bị ép trong các quan hệ kinh tế quốc tế khác. Trong giai đoạn đầu thực hiện TPP, đây là lớn thế rất lớn của Việt Nam.
Hai là, một luồng vốn lớn sẽ vận hành vào Việt Nam cùng với việc các nhà đầu tư sẽ đầu tư vào Việt nam để khai thác lợi thế nội khối với các ưu đãi quá lớn. Vì vậy, kinh tế Việt Nam sẽ bước vào một chu kỳ tăng đầu tư, kế đó là tăng trưởng kinh tế sẽ được thúc đẩy. Luồng vốn này không chỉ đơn thuần là đầu tư khai thác thị trường mà còn là đầu tư để khai thác lợi thế của sản phẩm có nguồn gốc các thành viên nội khối. Đây là một thuận lợi cơ bản của Việt Nam trong bối cảnh TPP đi vào thực hiện.
Ba là, dệt may, thủy sản của Việt Nam sẽ có bước phát triển mới. Việc kí kết TPP đi kèm với giảm thuế. Dệt may, thủy sản của Việt Nam vốn đã có những lợi thế nay càng có lợi thế hơn. Vì vậy, sẽ có bước phát triển mới. Nhất là, trong bối cảnh thủy sản Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn về thị trường, đây sẽ là một cơ hội lớn. Với lợi thế này, nếu tận dụng được, sẽ là một đột phá khẩu cho kinh tế Việt Nam. Bài học tăng trưởng dệt may và nuôi trồng, chế biến thủy hải sản khi gia nhập WTO đã cho thấy điều này.
Bốn là, cùng với việc kí kết TPP, hai nước Nam Mỹ là Chi lê và Peru là hai thành viên của TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội mới trong việc tiếp cận thị trường Nam Mỹ. Cho đến nay, sản phẩm xuất khẩu của Việt nam vào thị trường Nam Mỹ chưa nhiều và chưa thông thạo thị trường nay. Cùng với việc hai nước Nam Mỹ tham gia vào TPP, Việt Nam sẽ đứng trước cơ hội tăng cường xuất khẩu vào hai thị trường này. Từ đó, tăng cường xuất khẩu vào thị trường Nam Mỹ. Đây là một cánh cửa đến một vùng đất mới.
Năm là, việc TPP được kí kết, các nước quan sát viên sẽ nhanh chóng đàm phán để gia nhập TPP. Việt Nam là thành viên trong nhóm đầu tiên, sẽ được lợi thế của người đi trước trong đàm phán với các nước tham gia sau. Trước đây, Việt Nam chưa khi nào có lợi thế của người đi trước (từ ASEAN, APEC, WTO). Vì vậy, với việc gia nhập TPP với vị thế của những thành viên đầu tiên, Việt Nam đã xác lập được vị thế và lợi thế của người đi trước. Đây không đơn thuần là lợi ích về kinh tế mà còn là các là ích to lớn hơn.
Việt Nam sẽ gặp khó khăn gì?
Một là, khó khăn về hoàn thiện thể chế. Cùng với việc gia nhập TPP, Việt Nam cần phải rà soát, điều chỉnh rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hài hóa hóa với các thỏa thuận TPP. Đây là một trong những việc quan trọng, cần thiết và nhất thiết phải làm. Vì vậy, nó sẽ gây sức ép lên các cơ quan hữu quan trong việc thực thi nhiệm vụ này.
Hai là, nâng cao năng lực cạnh tranh để đối mặt với sức ép cạnh tranh gia nhập TPP. Về tổng thể, Việt Nam là thành viên có trình độ phát triển kinh tế và năng lực cạnh tranh thấp so với các thành viên khác. Vì vậy, việc mở ra cơ hội cũng đồng thời với mở ra thách thức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt nam với doanh nghiệp của các quốc gia thành viên khác. Sức ép này không chỉ trên thị trường của các nước đó mà ngày tại thị trường Việt Nam. Một số ngành hàng, sản phẩm (chẳng hạn ngành chăn nuôi) sẽ đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, cơ chế thị trường và năng lực tiềm ẩn sẽ tạo ra lối đi cho những doanh nghiệp và ngành hàng này.
Ba là, sức ép về khả năng hấp thụ đầu tư và thương mại trong bối cảnh mới. Một luồng vốn đầu tư và hàng hóa mới sẽ vận hành vào nền kinh tế Việt Nam. Làm thế nào để hấp thụ được với luồng vốn và hàng hóa này mà không bị vấp phải hội chứng vốn ngoài chèn ép vốn nội trong đầu tư và hàng hóa ngoại chèn ép hàng hóa nội trên chính địa bàn Việt Nam. Bài học gia nhập WTO những năm 2006-2008 là hữu ích trong tình huống mới.
Bốn là, liệu Việt Nam có giải quyết được vấn đề xuất xứ hàng hóa nội khối để đáp ứng được yêu cầu TPP? Đây là thách thức rất lớn do trong quan hệ kinh tế Việt Nam hiện nay, tỷ lệ hàng hóa không có xuất xứ nội khối, về cơ bản, là khá cao. Để có thể giải quyết được vấn đề này đòi hỏi không chỉ các doanh nghiệp mà còn cả tất cả các bên liên quan phải thực thi rất nhiều nội dung có liên quan với các bên liên quan để đạt được vấn đề này.
Năm là, cần giải quyết được vấn đề về tinh thần làm chủ thị trường. Sân chơi mới, rộng lớn hơn, mạnh mẽ hơn, yêu cầu cao hơn nên cần tinh thần, nhất là tinh thần doanh nhân, lớn hơn. Để có thể làm chủ được cuộc chơi với các bạn hàng, các đối thủ, về cơ bản thị trường hơn, các doanh nhân, các nhà quản lý cần có tinh thần chủ động hơn, thị trường hơn và dấn thân hơn. Đây không đơn giản là lời nói, đây cần những việc làm, những thực thi cao hơn.
Tuy nhiên, về cơ bản, TPP sẽ đem lại cơ hội cho Việt Nam nhiều hơn thách thức cho Việt Nam. Năng lực, tiềm năng, sức vươn lên của yếu tố Việt Nam trong những thời khắc cần đến sẽ dẫn dắt các doanh nghiệp, doanh nhân, sản phẩm, ngành hàng đi lên trong một sân chơi mới toàn diện hơn, tầm mức cao hơn, vị thế lớn hơn. Nhiều khả năng, một giai đoạn phát triển kinh tế mới đã bắt đầu.