6 điểm quan trọng, cần biết về Hiệp định TPP

Theo infonet.vn

Hôm 5/10, 12 quốc gia tham gia vòng đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đã đạt được thỏa thuận cuối cùng nhằm gây dựng một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới kéo dài từ Chile cho tới Nhật Bản.

Đại diện các nước tham gia buổi thông báo vòng đàm phán TPP đã đạt được thỏa thuận cuối cùng ở Atlanta.
Đại diện các nước tham gia buổi thông báo vòng đàm phán TPP đã đạt được thỏa thuận cuối cùng ở Atlanta.

TPP sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại lớn nhất trên thế giới với 12 quốc gia thành viên xung quanh vành đai Thái Bình Dương. Các nước thành viên TPP hiện chiếm 40% GDP toàn cầu.

Danh sách 12 là số quốc gia tham gia thỏa thuận thương mại lịch sử TPP gồm New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Mỹ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản. Trong đó, 28,5 ngàn tỷ USD là tổng GDP mà 12 quốc gia thành viên TPP tạo ra.

TPP được kỳ vọng là một trong những thỏa thuận tự do thương mại tham vọng nhất trên thế giới và tạo ra một thị trường mới hoạt động giống như ở châu Âu. Thỏa thuận này sẽ tạo cơ hội lớn cho các nước tham gia phát triển kinh tế, xóa bỏ hàng rào thuế quan và đẩy mạnh tăng trưởng thương mại giữa các nước.

Tuy nhiên, không ít người dân Mỹ lo ngại việc Mỹ tham gia TPP sẽ khiến cơ hội việc làm từ nước này bị chuyển sang các nước đang phát triển và là thành viên của TPP.

Thời điểm bắt đầu?

Vòng đàm phán TPP ra đời với 4 quốc gia thành viên ban đầu là Brunei, Chile, New Zealand và Singapore và được khởi xướng từ cách đây 10 năm.

Thỏa thuận này sẽ giúp gỡ bỏ hàng rào thuế quan cho hầu hết các mặt hàng giao thương giữa các nước thành viên và hứa hẹn mở rộng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực như tuyển dụng lao động, sở hữu trí tuệ và chính sách cạnh tranh.

Quy mô của TPP?

Dân số của 12 quốc gia thành viên tham gia TPP hiện vào khoảng 800 triệu người. Con số này lớn gấp đôi so với thị trường Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, GDP của 12 nước tham gia TPP hiện đang chiếm 40% tổng thương mại toàn cầu.

Thỏa thuận này là một bước tiến quan trọng vươn tới nhiều lĩnh vực và tiêu chuẩn trong các nước thành viên bao gồm bảo vệ môi trường, quyền người lao động.

Giới phê bình nói gì?

Trung Quốc không phải là thành viên tham gia vòng đàm phán TPP song mục tiêu chính của TPP là kiềm chế sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

Một số chuyên gia nhận định sự ra đời của TPP sẽ mở đường cho các công ty yêu cầu chính phủ thay đổi chính sách khi mà sự ưu ái đang nghiêng hẳn sang một số lĩnh vực như y tế và giáo dục thuộc quản lý của các công ty nhà nước.Thậm chí, TPP sẽ còn tạo ra sự cạnh tranh giữa lực lượng lao động các nước thành viên.

Lời chỉ trích gay gắt nhất đối với các vòng đàm phán TPP là việc nội dung phiên họp luôn được giữ bí mật. Song theo những người bảo vệ quan điểm, các cuộc đàm phán không được công khai là do chưa có thỏa thuận chính thức được ký kết giữa các bên tham gia.

Chuyện gì sẽ xảy ra?

Chi tiết thỏa thuận sẽ được triển khai như thế nào cũng sẽ được các cơ quan lập pháp của 12 nước thành viên tham gia TPP bàn thảo trong thời gian tới trước khi được chính thức công bố.

Tại Mỹ, thỏa thuận TPP dường như sẽ được thông qua trước Quốc hội vào giữa thời điểm diễn ra những cuộc bầu cử chọn ứng cử viên Tổng thống. Đây sẽ là thách thức chính trị lớn đối với các đảng phái tham gia tranh cử tại Mỹ.

Những điểm cần biết về TPP

TPP là NAFTA mới

Canada và Mexico lâu nay được hưởng đặc quyền tiếp cận thị trường Mỹ, quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Song tình trạng đặc quyền này sẽ dần bị phai mờ khi các quy định của TPP được công bố.

Ngoài nhóm bộ ba trên, 12 quốc gia cũng sẽ chia sẻ những ưu ái đặc biệt của quyền thành viên TPP. Ở mức cao nhất, TPP tương đương Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) bao gồm những cam kết nhằm giảm thiểu hoặc xóa bỏ hàng rào thuế quan với các mặt hàng và ngành dịch vụ. TPP cũng đề ra những quy tắc giải quyết tranh chấp giữa các bên.

Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa TPP và NAFTA là việc hội nhập lĩnh vực sản xuất ô tô ở Bắc Mỹ. Hiện nay, các quy định của NAFTA yêu cầu 62,5% linh kiện ô tô phải được sản xuất tại Bắc Mỹ. Nhưng theo TPP, tiêu chuẩn mới chỉ là 45%.

Chính quyền Canada cho rằng quy định mới sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nhưng Unifor, liên đoàn đại diện cho các công nhân làm việc trong ngành sản xuất ô tô tại Canada lại cho rằng thỏa thuận TPP là một "thảm họa" khi cướp đi nhiều cơ hội việc làm.

Quy tắc lao động

Không giống như những thỏa thuận gần đây giữa Canada với EU và Hàn Quốc, TPP không giới hạn trong phạm vi các quốc gia phát triển mạnh. Giới phê bình nhận định TPP sẽ mở ra cơ hội việc làm thu nhập cao cho công nhân ở các nước như Peru và Việt Nam.

Giải quyết tranh chấp

Các thỏa thuận tự do thương mại bao gồm NAFTA đều có những điều khoản giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên. Quy định này cho phép các công ty tư nhân cạnh tranh với quyết định đầu tư của chính phủ.

Một số mặt hàng được giảm và miễn thuế

Rượu

Malaysia sẽ phải mất 15 năm trước khi xóa bỏ hàng rào thuế quan áp dụng với mặt hàng rượu whisky và Việt Nam sẽ hạ 55% biểu thuế trong vòng 12 năm. Các mặt hàng khác được giảm và miễn thuế áp dụng cho từng quốc gia cũng sẽ dần được lập thành danh sách trong thời gian tới.

Canada là quốc gia có trữ lượng lớn rượu đá và whisky và theo quy định khi áp dụng TPP, hai mặt hàng này sẽ chỉ bị áp thuế rất thấp. Australia và New Zealand cũng sẽ hạ thuế đánh vào mặt hàng rượu Canada ngay lập tức trong khi Nhật Bản hoàn thành lộ trình giảm thuế trong vòng 7 năm.

Ô tô

Canada sẽ cho miễn thuế mặt hàng phương tiện xuất khẩu từ Nhật Bản trong vòng 5 năm khi thỏa thuận TPP được thông báo. Trong khi đo, Mỹ cần tới 25 năm đàm phán trước khi xóa bỏ hàng rào thuế quan tương tự.

Nông nghiệp

Việc tiếp cận thị trường Nhật Bản là mối quan tâm hàng đầu của các thành viên tham gia TPP. Ngay khi thỏa thuận có hiệu lực, Nhật Bản sẽ ngay lập tức gỡ bỏ đánh 32% thuế vào các mặt hàng nông nghiệp nhập khẩu. trong khi, các mặt hàng khác nhập khẩu vào Nhật Bản sẽ được xóa bỏ một phần hoặc gỡ bỏ hoàn toàn trong vòng 20 năm tới. Australia, Malaysia và New Zealand sẽ xóa bỏ hơn 90% hàng rào thuế quan nông nghiệp ngay khi TPP chính thức có hiệu lực.

Thịt bò và thịt lợn

Các nhà sản xuất thịt bò và thịt lợn ở Canada nằm trong nhóm hưởng lợi lớn nhất khi TPP chính thức được thông qua. Kể từ năm 2012 – 2014, Canada đã xuất khẩu số thịt lợn trị giá 2,6 tỷ USD và 1,3 tỷ USD thịt bò sang các thị trường TPP.

Trong vòng 10 năm, Nhật Bản đã hứa xóa bỏ hàng rào thuế quan áp đặt với các mặt hàng thịt lợn trong khi 50% hàng rào thuế áp đặt với mặt hàng thịt bò sẽ được giảm 9% trong vòng 15 năm. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ nhanh chóng xóa bỏ hàng rào thuế quan lên tới 31% đối với các mặt hàng thịt bò tươi và thịt bò đông lạnh trong vòng 2 năm.

Bơ sữa

Khi thỏa thuận TPP được thông báo thông qua hôm 5/10, Ottawa cho biết quốc gia này sẽ phải trả 4,3 tỷ USD trong vòng 15 năm cho các mặt hàng bơ sữa, gà và trứng gà bị ảnh hưởng từ các quy định của TPP. Tuy nhiên, Canada vẫn cho phép các quốc gia thành viên TPP hưởng miễn thuế tới 3,25% thị trường bơ sữa của nước này và 2,1% thị trường thịt lợn.

Ngư nghiệp

Nhật Bản vốn được mệnh danh là "quốc gia tiêu thụ số lượng cá và hải sản tính theo đầu người ở mức cao". Do đó, Nhật Bản đã cam kết xóa bỏ 66% hàng rào thuế quan áp đặt với các mặt hàng cá và hải sản ngay khi TPP có hiệu lực.

Công nghiệp nặng

Các sản phẩm công nghiệp nặng như thiết bị nông nghiệp và xây dựng cũng như hàng không vũ trụ sẽ nhanh chóng tiếp cận thị trường các nước thành viên TPP.

Dược phẩm

Một trong những nguyên nhân khiến vòng đàm phán TPP rơi vào bế tắc hồi cuối tuần trước xuất phát từ những tranh cãi liên quan tới các sản phẩm sinh học như vắc-xin.

Song thỏa thuận cuối cùng sẽ cho phép các công ty dược phẩm trong vòng 5 năm liên tiếp sử dụng công nghệ sinh học mới trước khi chia sẻ dữ liệu với các nhà sản xuất thuốc. Trước đó, Hiệp hội Công nghiệp công nghệ sinh học đã hối thúc các nước thành viên TPP đáp ứng tiêu chuẩn giới hạn 12 năm sở hữu trí tuệ đang được áp dụng tại Mỹ.

Ngành dịch vụ

Ngân hàng, kỹ sư, kiến trúc sư và các nhà tư vấn bảo vệ môi trường là những nghề nằm trong nhóm dịch vụ mở rộng được TPP quy định. Thỏa thuận TPP sẽ giúp lực lượng lao động trong nhóm ngành nghề trên tham gia làm việc tạm thời tại các nước trong khối TPP. Thậm chí, những điều khoản mới còn tạo cơ hội cho nhân viên mang theo vợ trong các chuyến công tác.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Globe and Mail, tờ tin tức phát hành tại 6 thành phố của Canada và đặt trụ sở tại Toronto và hãng tin BBC của Anh.