Trách nhiệm xã hội tạo nên giá trị bền vững cho doanh nghiệp

Theo enternews.vn

Với các doanh nghiệp Việt Nam, “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” (Corporate Social Responsibility – CSR) vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ và ít được quan tâm. Thế nhưng, trong quá trình hội nhập thì đây lại là một yếu tố có tầm quan trọng đối với doanh nghiệp.

 Các diễn giả, doanh nghiệp tham gia Diễn đàn.
Các diễn giả, doanh nghiệp tham gia Diễn đàn.

Có mặt tại Diễn đàn, các diễn giả, doanh nghiệp đều đồng tình cho rằng, trách nhiệm đối với xã hội là một công việc cần thiết phải có đối với bất kỳ doanh nhân, doanh nghiệp nào hướng tới mục tiêu hội nhập và phát triển bền vững. Đối với các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài công việc này đã trở nên rất quen thuộc và được hoạch định rất rõ ràng, cụ thể. Trách nhiệm xã hội với họ bao gồm cả những vấn đề liên quan đến đạo đức kinh doanh, sáng tạo và những giá trị cho cộng đồng. Tuy nhiên, công việc này đối với các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ bắt đầu, song sẽ là vấn đề mang tính lâu dài trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Là một trong những diễn giả của chương trình, Giáo sư Hà Tôn Vinh cho biết, các doanh nghiệp Việt cần phải đưa trách nhiệm xã hội vào chiến lược kinh doanh và có mục tiêu hành động cụ thể.

Giáo sư Hà Tôn Vinh nhấn mạnh: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là cam kết của một doanh nghiệp và việc thực hiện các chiến lược để tạo ra giá trị kinh tế, xã hội và môi trường bền vững cho doanh nghiệp, các cổ đông và các bên liên quan khác như khách hàng, nhà cung ứng, ngân hàng, các tổ chức tài chính….là quan trọng”.

Người tiêu dùng ngày càng có ý thức rõ hơn về việc các sản phẩm họ mua được sản xuất trong điều kiện môi trường và lao động như thế nào. Do đó, các doanh nghiệp cần đảm bảo rằng không thể đánh đổi gia tăng thương mại bằng những hậu quả về tác động môi trường hoặc vi phạm quyền của người lao động. Và cũng chính nhận thức cao của người tiêu dùng sẽ tạo ra áp lực đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Với cái nhìn ví von hơn, ông Hoàng Hải Âu – CEO Hoàng Gia Media Group đã có những chia sẻ rất ý nghĩa “về mặt triết lý và tâm linh, doanh nghiệp là Cây, cộng đồng xã hội là Đất. Đất có tốt Cây mới khoẻ và lớn nhanh. Về mặt đạo lý, dân tộc mình có câu “Gieo gì gặt nấy”. Về mặt thực tế, trong xã hội hiện đại, khi trình độ nhận thức của con người ngày càng trưởng thành, doanh nghiệp nào ý thức được trách nhiệm xã hội của mình, biết hiện thực hoá nó một cách hiệu quả và thiết thực thì doanh nghiệp đó sẽ nhận được thêm nhiều giá trị trong tài sản thương hiệu”.

Với phương châm thay vì phải lựa chọn đào thải người lao động thì người lãnh đạo doanh nghiệp phải biết tìm kiếm cơ hội cho người lao động của mình, bà Lê Thị Ngọc Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lê Bảo Minh cho biết, nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, họ phải bỏ chi phí để đào tạo người lao động nhưng rồi khi thành tài lại bỏ công ty đi. “Thực tế chúng ta phải nhìn lại chính mình, đó là, doanh nghiệp đã tạo ra môi trường tốt để giữ chân những người sau khi được đào tạo nâng cao trình độ. Do đó, chúng tôi luôn tâm niệm phải tìm kiếm các cơ hội việc làm cho người lao động trong chính doanh nghiệp mình”.

“Khi chúng ta nghĩ cho người khác thì sẽ doanh nghiệp sẽ phát triển và khi nghĩ tìm ra những giá trị như thế nào cho người khác thì giúp doanh nghiệp phát triển bền vững” – Giáo sư Hà Tôn Vinh nói thêm.

Điều đó có nghĩa rằng, khi các doanh nghiệp có ý thức “tôn trọng” sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của mình thì chính xã hội sẽ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp đó.

Theo Hội đồng thương mại thế giới về phát triển bền vững (WBCSD) thì “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là sự cam kết liên tục của doanh nghiệp thông qua hoạt động kinh doanh bằng cách cư xử có đạo đức và đóng góp và sự phát triển kinh tế trong khi cải thiện chất lượng cuộc sống của lực lượng lao động và gia đình họ cũng như cộng đồng địa phương và toàn xã hội nói chung”.