Trần lãi suất huy động đang phát huy tác dụng

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Một lần nữa, cơ chế áp trần lãi suất huy động VND đang phát huy tác dụng khi một số ngân hàng đã đẩy lãi suất đến hết giới hạn.

  Lãi suất huy động VND tại một số ngân hàng đã được đẩy sát trần. Nguồn: Internet
Lãi suất huy động VND tại một số ngân hàng đã được đẩy sát trần. Nguồn: Internet

Trong thời gian qua, lãi suất huy động liên tục tăng tạo nên một mặt bằng mới với sự tham gia sôi nổi của hầu hết các nhà băng, đặc biệt thời điểm sát Tết. Lãi suất tại nhiều ngân hàng tăng mạnh và theo nhận định của các chuyên gia là sẽ còn tăng cho đến tháng 2/2019.

Cuộc đua tăng lãi suất huy động về cuối năm càng trở nên mạnh mẽ khi hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đều tham gia.

Đẩy sát giới hạn

Viet Capital Bank vừa niêm yết biểu lãi suất mới được điều chỉnh tăng ở tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn từ 1 tháng và 5 tháng có mức lãi suất 5,4%/ năm. Với kỳ hạn 6 tháng có lãi suất 7,4%/ năm, 7 tháng là 7,8%/ năm và 12 tháng lên đến 8,0%/năm.

Đặc biệt, với các khoản tiết kiệm kỳ hạn dài, Viet Capital Bank áp dụng lãi suất rất cao như: 18 tháng là 8,5%/năm. Mức lãi suất trần lên đến 8,6%/năm áp dụng khi khách hàng gửi kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng.

Tương tự, VPBank cũng đang áp dụng mức lãi suất 8,3%, 8,4%, 8,5% và cao nhất đã lên tới 8,6%/năm ở các kỳ hạn 13 – 24 tháng và 36 tháng.

Quan sát trên biểu lãi suất huy động của nhiều ngân hàng dễ dàng nhận thấy chênh lệch lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng và từ 6 tháng bắt đầu giãn rộng. Trong đó, ở kỳ hạn dưới 6 tháng của một số ngân hàng đã chạm trần.

Chẳng hạn, VPBank đang áp dụng lãi suất kỳ hạn 1 – 5 tháng là 5,5%/năm, kỳ hạn 6 – 11 tháng là 7,2%/năm. Trong khi lãi suất huy động cao nhất được OCB áp dụng là 8,2%/ năm dành cho kỳ hạn 6 tháng đối với khách hàng vừa gửi tiết kiệm vừa mua bảo hiểm, nhưng kỳ hạn 3 – 5 tháng là 5,5%/năm.

Lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tại một số ngân hàng khác cũng gần chạm trần như: NCB là 5,4%/ năm, trong khi kỳ hạn 6 tháng là 7,4%/năm; PVcomBank: kỳ hạn dưới 6 tháng là 5,3%/năm, nhưng ở kỳ hạn 6 tháng là 7,0%/năm.

Sự chênh lệch lớn giữa kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống và 6 tháng trở lên có thể hiểu là do quy định áp trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện nay.

Cụ thể, NHNN quy định mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm; riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6,0%/năm.

"Chốt chặn" an toàn

Lâu nay, câu chuyện về việc nên hay không nên áp trần lãi suất huy động vẫn luôn được nhắc đến. Trong đó, nhiều quan điểm cho rằng cần thiết bỏ trần lãi suất, hướng đến nền kinh tế thị trường và giảm dần các biện pháp hành chính…

Tuy nhiên, trong nhiều lần đăng đàn, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định hệ thống ngân hàng vẫn là kênh chủ đạo đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Cùng với đó, hiện nay, ngành ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các ngân hàng, chất lượng tín dụng chưa đồng đều, nên việc áp trần lãi suất huy động là biện pháp hành chính để điều tiết ổn định thị trường tiền tệ.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, trước chất vấn của một số đại biểu về việc bỏ trần huy động, Tư lệnh ngành ngân hàng trả lời: "Chúng tôi cho rằng việc áp dụng trần lãi suất trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Khi hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động tốt hơn, an toàn lành mạnh hơn, NHNN sẽ xem xét dỡ bỏ biện pháp hành chính không cần thiết".

Nhìn từ cuộc đua lãi suất gần đây có thể thấy, trần lãi suất đang phát huy tác dụng, tạo "chốt chặn" an toàn cho thị trường, tránh làm biến dạng, làm đảo ngược đường cong lãi suất trên thị trường, nhờ đó giữ được sự ổn định chung của thị trường tiền tệ.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, dù thị trường lãi suất huy động đang có dấu hiệu tăng nóng, nhưng về cơ bản, các nhà băng vẫn tuân thủ theo quy định của NHNN, nếu các ngân hàng tăng cả lãi suất huy động và cho vay bất hợp lý sẽ bị "tuýt còi".

Theo thống kê của NHNN, thời điểm đầu tháng 12/2018, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/ năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,5-7,3%/năm.