Tràn lan dược liệu kém chất lượng

Theo baocongthuong.com.vn

Hiện nay, nguồn dược liệu nhập khẩu chính thức chỉ khoảng 20-30%, còn lại là hàng không rõ nguồn gốc. Những sản phẩm trôi nổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người sử dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chất lượng kém

Đến “phố thuốc bắc” Lãn Ông, Hà Nội, chẳng khó khăn gì khi hỏi mua các loại dược liệu có trong các thang thuốc bắc hoặc dùng đơn lẻ để chữa bệnh, tăng cường sức khỏe. Từ những sản phẩm đơn giản như hà thủ ô, nhân trần, bạch truật, tam thất, kỷ tử, ba kích… đến loại cao cấp như đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, sâm…

Thêm nữa, giá cả của các sản phẩm này rất khác nhau ở mỗi cửa hàng và đặc biệt không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hàng thường được cho vào các khay, hộp hoặc bao bì to ghi tên loại dược liệu, khách hỏi mua bao nhiêu cũng có.

Tại Hội nghị Tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu do Bộ Y tế vừa tổ chức, những thông tin được đưa ra đang khiến dư luận lo ngại: Khoảng 80% dược liệu trên thị trường hiện nay là hàng nhập “chui” qua đường tiểu ngạch với số lượng ước khoảng 40.000 tấn.

Mặc dù là nước có nguồn dược liệu phong phú nhưng do sản xuất và canh tác nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch nên giá thành dược liệu của Việt Nam hiện khá cao. Nguồn nguyên liệu cũng không đủ cung cấp cho thị trường nên các doanh nghiệp sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng hay hiệu thuốc đông y vẫn chuộng hàng nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam chi khoảng 113 triệu USD mua các loại nguyên dược liệu, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc là thị trường chính cung cấp dược liệu cho Việt Nam, chiếm gần 62% tổng kim ngạch, đạt 69,7 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, năm 2015, viện đã phối hợp với Cục Quản lý Y dược cổ truyền kiểm tra, khảo sát các loại dược liệu có nghi ngờ về chất lượng tại bệnh viện y học cổ truyền và các công ty xuất nhập khẩu dược liệu trên toàn quốc. Trong 109 mẫu được kiểm tra, phần lớn mẫu được lấy từ khu vực cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, có đến 56 mẫu không đạt chất lượng, trong đó có đến 24 mẫu dược liệu giả mạo đã được đưa vào các cơ sở y tế công lập sử dụng.

Siết chặt quản lý

Được xem là nguyên liệu để sản xuất thuốc chữa bệnh, phục hồi và bồi bổ sức khỏe nhưng việc quản lý dược liệu tại Việt Nam vẫn đang lỏng từ khâu kiểm soát nhập khẩu đến tiêu thụ trên thị trường. Khá nhiều dược liệu được thông quan không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định mà chỉ được đóng trong các thùng, bao tải. Cán bộ cũng chỉ kiểm tra được số lượng, trọng lượng bao hàng mà không kiểm tra được chất lượng các dược liệu.

Bộ Y tế cũng đã đưa ra nhiều quy định để quản lý thị trường dược liệu nhập khẩu như yêu cầu tất cả dược liệu nhập vào Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, có đối tác cụ thể; dược liệu nhập khẩu trong danh mục phải có Phiếu kiểm nghiệm của từng lô của cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP hoặc Phiếu kiểm nghiệm của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.

Tuy nhiên, để quản lý được mặt hàng liên quan tới sức khỏe con người như dược liệu, cần có chế tài mạnh hơn trong việc kinh doanh dược liệu, phải xem dược liệu nhập lậu là hàng giả và xử lý nghiêm như thuốc giả để người dân không phải dùng thuốc kém chất lượng. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia y tế, cần đầu tư phát triển nguồn dược dược liệu trong nước; ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh, sản xuất dược liệu.

Hơn 80% trong số 60.000 tấn dược liệu sử dụng mỗi năm tại Việt Nam được nhập khẩu, phần lớn nhập theo đường tiểu ngạch.