Trang bị kỹ năng bảo vệ người tiêu dùng thời FTA
Đến thời điểm này, Việt Nam đã chính thức ký kết 13 hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc mở rộng tiếp cận thị trường trong giai đoạn hội nhập giúp người tiêu dùng (NTD) có cơ hội tiếp cận nhiều sản phẩm chất lượng và giá cả cạnh tranh.
Song, bên cạnh đó, NTD cũng cần được trang bị các kỹ năng để bảo vệ mình trong thời kỷ nguyên số hiện nay.
NTD “ăn quả đắng”
Với sở thích “lướt Facebook” và mua hàng qua online, chị Phạm Thị Hiếu (trú tại Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) đã không ít lần ngậm ngùi khi mua phải hàng kém chất lượng, không đúng như mẫu quảng cáo. “Do giá trị không lớn, nên tôi cũng không muốn tranh cãi, hay làm to chuyện với cửa hàng, chỉ coi đó là bài học khi mua hàng online”, chị Hiếu chia sẻ.
Thậm chí, có trường hợp gần như khách hàng không còn tin tưởng khi đặt mua hàng qua mạng, bởi họ sợ không may lại vớ phải hàng kém chất lượng, tránh “tiền mất tật mang”.
Khi mà công nghệ phát triển mạnh mẽ, lan rộng đến cả vùng sâu, vùng xa như hiện nay, có không ít khách hàng chịu cảnh “ăn quả đắng” hay ấm ức “bị lừa” bởi hàng hóa nhận được không đúng như lời quảng cáo của đơn vị cung cấp.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (CT&BVNTD, Bộ Công Thương), trong năm 2017 và 2018, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý hàng nghìn khiếu nại, yêu cầu của NTD liên quan đến các hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm quyền lợi NTD. Trong đó, riêng tổng đài tư vấn hỗ trợ NTD đã ghi nhận có hơn 6.000 cuộc gọi đến. Theo thống kê, trong số các cuộc gọi có nhân viên trả lời, thì có đến khoảng 30% cuộc gọi liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi NTD.
Tuy nhiên, không ít các trường hợp, khi các chuyên viên của Cục CT&BVNTD tiếp xúc thì NTD không cung cấp được các bằng chứng xác thực việc mình bị vi phạm quyền lợi do: Hàng hóa không còn nguyên vẹn, hóa đơn chứng từ mua hàng không còn, hoặc các trang mạng bán hàng không rõ ràng, không còn tồn tại… Điều này khiến các điều tra viên rất khó trong việc phát hiện kiểm tra và xử lý vụ việc.
Mặc dù, trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi NTD đã được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân quan tâm hơn và đạt được một số kết quả bước đầu, song vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.
Điều chỉnh quy định cho phù hợp
Theo đánh giá của ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục CT&BVNTD, trong 8 năm thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (có hiệu lực từ ngày 1/7/2011) và các văn bản hướng dẫn đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi NTD tại Việt Nam. Đặc biệt, với vị trí là đối tượng điều chỉnh trực tiếp của hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD, nhận thức và hành động của doanh nghiệp đã có sự chuyển biến, thể hiện tính chủ động và hiệu quả.
Tuy nhiên, sau thời gian thi hành, đã xuất hiện bất cập trong các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và các văn bản hướng dẫn. Đó là toàn bộ các quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh - tiêu dùng có tính truyền thống, mà chưa tính tới một số phương thức mới, hiện đại, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử.
Tính chủ động trong thực thi pháp luật của doanh nghiệp chưa cao. Hoạt động tuyên truyền còn mang tính nhỏ lẻ, chưa xây dựng được bộ tài liệu thống nhất về thực thi công tác phổ biến. Giáo dục pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD còn dàn trải, thiếu trọng tâm, chưa sát với nhu cầu. Đối tượng phổ biến mới chỉ tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, chưa lan tỏa tới các vùng sâu, vùng xa, chưa tiếp cận trực tiếp tới NTD, chưa có hoạt động tuyên truyền cụ thể với các nhóm đối tượng NTD đặc thù…
Số liệu thống kê tại Bộ Công Thương cũng cho thấy, số vụ việc khiếu nại của NTD được giải quyết chỉ khoảng 1.000-1.500 vụ việc/năm. Con số này rất nhỏ so với thực tế giao dịch tiêu dùng tại Việt Nam.
Cùng quan điểm, ông Kiều Dương, phụ trách Vụ Chính sách - Pháp chế (Tổng cục Quản lý thị trường), cho rằng, theo số liệu thống kê, qua 5 năm (2014-2018), bình quân mỗi năm, cơ quan quản lý thị trường các cấp kiểm tra hơn 160.000 vụ việc, phát hiện và xử lý trên 103.000 vụ việc. Con số này chiếm 45% tổng số vụ việc xử lý hành chính của các ngành, lực lượng trên phạm vi cả nước. Cho dù số lượng vi phạm nghiêm trọng với quy mô lớn đã được phát hiện và xử lý bắt nguồn từ đơn khiếu nại của NTD, nhưng chỉ chiếm 3% trên tổng số lượng xử lý thông tin ban đầu đến từ đơn khiếu nại của NTD.
Ngoài ra, các địa phương chưa xây dựng và chưa công bố rộng rãi các kênh thông tin hỗ trợ NTD trong quá trình khiếu nại. Trong khi đó, thủ tục khiếu nại còn rườm rà, phức tạp, hệ thống ghi nhận, lưu trữ và xử lý thông tin khiếu nại chưa được hình thành, chưa tạo ra cơ sở dữ liệu về khiếu nại của NTD tại địa phương.
Chủ động hội nhập, bảo vệ NTD
Để khắc phục những bất cập của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và các văn bản hướng dẫn hiện hành, các bộ, ngành cần rà soát sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, NTD cần trang bị các kiến thức, kỹ năng và thông tin cần thiết, đủ tự tin để thực thi các quyền của mình trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Bởi một FTA thường bao gồm những vấn đề quy định về thuế nhập khẩu, hạn ngạch và lệ phí đối với hàng hóa/dịch vụ được giao dịch giữa các thành viên ký kết FTA, nhằm cho phép các nước mở rộng tiếp cận thị trường của nhau. Mở rộng thị trường đồng nghĩa với các kênh và nguồn tiếp xúc với NTD sẽ ngày càng đa dạng với nhiều phương thức khác nhau.
Do đó, tại Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của NTD, Ban Bí thư đặc biệt nhấn mạnh việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ NTD trong khuôn khổ ASEAN và quốc tế.
Coi trọng việc tham gia và thực hiện các thỏa thuận song phương, đa phương và các điều ước quốc tế về bảo vệ quyền lợi NTD. Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tiếp cận, ứng dụng, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến của các nước, các tổ chức quốc tế; từng bước hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia đối với một số nước trong khu vực ASEAN và quốc tế.
Đồng thời, quan tâm hợp tác với các nước có kim ngạch thương mại, số lượng du khách qua lại, nguồn vốn đầu tư lớn hoặc có nhiều hoạt động giao lưu nhân dân với Việt Nam; xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp NTD xuyên biên giới. Tăng cường hỗ trợ, hợp tác giải quyết các tranh chấp nhằm bảo vệ NTD Việt Nam; thúc đẩy sự tin tưởng của NTD các nước đối với sản phẩm, dịch vụ, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Ban Bí thư cũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp đa dạng hóa phương thức truyền thông, đổi mới nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nâng cao kiến thức, kỹ năng tiêu dùng cho toàn xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để thực thi hiệu quả các quyền của người tiêu dùng, nhất là đối với đối tượng NTD yếu thế (trẻ em, học sinh, sinh viên, người già, phụ nữ, công nhân nghèo, khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa...).
Công khai, minh bạch và thông tin rộng rãi, đầy đủ bằng nhiều hình thức phù hợp đến NTD về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo những nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Nâng cao đạo đức kinh doanh và hình thành văn hóa tiêu dùng an toàn, văn minh, lành mạnh và phát triển bền vững.
Nội dung Chỉ thị chỉ rõ, bảo vệ quyền lợi NTD là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Khắc phục triệt để tình trạng thiếu trách nhiệm, vô cảm, thiếu quyết liệt của từng ngành, địa phương, đơn vị được phân công phụ trách; có cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức và địa phương, trong đó có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với từng cấp, từng ngành trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD.
Cần sớm tạo hành lang pháp lý thuận lợi và khả năng thực thi hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi NTD theo hướng thống nhất, đồng bộ và phù hợp với tập quán tiêu dùng của người dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học, công nghệ và xu hướng phát triển các giao dịch thương mại điện tử hiện nay.