Tránh rủi ro khi đầu tư ra nước ngoài

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam chọn đầu tư ra nước ngoài với mục đích thu ngoại tệ, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không am hiểu chính sách pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư, các công ước quốc tế, chuyện gặp phải rủi ro là khó tránh khỏi.

Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) năm 2018 đạt 432,2 triệu USD. Nguồn: Internet
Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) năm 2018 đạt 432,2 triệu USD. Nguồn: Internet

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2018, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã có 149 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 376,2 triệu USD, 35 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn tăng thêm 56 triệu USD.

Tính chung, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) năm 2018 đạt 432,2 triệu USD.

Bỡ ngỡ vì khác biệt

Lĩnh vực tài chính, ngân hàng được quan tâm đầu tư nhiều nhất với 105,8 triệu USD, chiếm 24,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp đến là lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 82,9 triệu USD, chiếm 19,2%.

Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 52,3 triệu USD, chiếm 12,1% và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 52,1 triệu USD, chiếm 12%. Trong năm 2018, DN Việt Nam đã đầu tư vào 38 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá trải qua hơn 30 năm hội nhập và phát triển, Việt Nam hiện nay không chỉ là một nước tiếp nhận đầu tư hàng đầu trong khu vực, mà còn vươn lên trở thành một nước có nhiều DN, dự án đầu tư ra nước ngoài.

Trong các quốc gia tiếp nhận đầu tư từ các DN của Việt Nam, hai nước láng giềng là Lào và Campuchia có số lượng dự án và tổng số vốn cam kết đầu tư lớn nhất. Các lĩnh vực chủ yếu mà DN Việt Nam đầu tư sang Lào và Campuchia là trồng và khai thác cây công nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng, năng lượng và viễn thông.

Tuy nhiên, bên cạnh những DN thành công, không ít DN bỡ ngỡ trước các vấn đề như pháp luật nước sở tại, phong tục, tập quán, văn hóa của người dân bản địa nên một số dự án đầu tư đã không đạt được hiệu quả về kinh tế như kỳ vọng.

Bà Nguyễn Thị Hải, Phó Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư cao su Đăk Lăk, cho biết khó khăn nhất của DN khi đầu tư ra nước ngoài là bất đồng ngôn ngữ và cách tiếp cận quy định pháp luật, văn hóa tập tục của người dân bản địa.

Bà Hải ví dụ như ở Lào, do người dân một số vùng còn hạn chế về trình độ, khó tiếp xúc bằng văn bản, nên thay vì quản lý bằng văn bản, DN đều phải thể hiện dưới dạng hình ảnh các chương trình tuyển dụng, đào tạo, chế độ bảo hiểm… giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ hơn.

Ông Phạm Quang Tú, đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, đánh giá DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài gần 20 năm qua nhưng vì số lượng dự án, quy mô hạn chế nên không có nhiều kinh nghiệm, dẫn tới thường xuyên gặp phải những rủi ro không đáng có. Trong đó phải kể tới vấn đề DN không hiểu biết pháp luật của quốc gia tiếp nhận đầu tư.

Nguyên nhân là do đa phần DN đang đầu tư vào các nước kém phát triển hơn Việt Nam – hệ thống pháp luật chưa đầy đủ hoặc có những chính sách dù DN đã tìm hiểu nhưng họ thay đổi nhanh chóng, nếu không cập nhật được, chính DN sẽ vi phạm pháp luật.

Doanh nghiệp phải chủ động

DN Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài thường mang theo tư duy, cách nghĩ của người Việt Nam. Chẳng hạn như về đất đai, nếu DN đầu tư ở Việt Nam sẽ được Nhà nước hỗ trợ thu hồi đất, nhưng sang Campuchia chế độ sở hữu đất đai sẽ khác.

DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cần một diện tích canh tác hàng chục nghìn héc ta, nếu không nắm rõ chính sách đất đai, mâu thuẫn với người dân là điều khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó, đầu tư vào nông nghiệp như trồng cao su ít nhất 7-8 năm mới có thể thu hồi vốn; không giống như đầu tư sản phẩm công nghiệp như sản xuất một chiếc điện thoại vài tháng là xong. Trong khi giá cao su đang có xu hướng giảm, nên muốn tồn tại, DN phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh.

Bà Nguyễn Hoàng Phượng, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), cho rằng DN gia nhập "sân chơi" thế giới với nhiều tiêu chuẩn và quy định khác nhau, vậy nên ngoài tìm hiểu pháp luật nước sở tại, DN cần phải am hiểu các công ước quốc tế mà Việt Nam và những nước nhận đầu tư đã tham gia.

Bên cạnh đó, chính sách trong chuỗi giá trị đầu tư như khách hàng yêu cầu liên quan tới các vấn đề môi trường – xã hội, như EU "rút thẻ vàng" với thủy sản nếu đánh bắt trái phép, hay gỗ muốn xuất khẩu sang EU phải có nguồn nguyên liệu đảm bảo hợp pháp… Tuy nhiên, đây là những vấn đề mà các DN Việt Nam vẫn thờ ơ, ít quan tâm.

Muốn phát triển khi đầu tư ra nước ngoài, theo bà Phượng, DN cần phải nhận diện rõ rủi ro mà mình sẽ phải đối mặt, qua đó có phương án phòng ngừa, tránh tình trạng hiện nay DN vẫn tập trung vào "chữa" hơn "phòng bệnh". Để có thị phần lớn hơn trong "sân chơi" quốc tế, hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, mỗi DN cần chủ động, bởi càng chậm chân càng thua thiệt.

Ông Phạm Quang Tú cũng cho rằng DN Việt Nam phải chủ động để tìm hiểu, cập nhật những thay đổi thường xuyên của chính sách, có thái độ hợp tác với nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Điều đó có nghĩa DN đi đầu tư muốn tạo ra lợi nhuận nhưng lợi ích đó phải được san sẻ với chính quyền, người dân ở quốc gia mà mình đang đầu tư.

Nhìn từ góc độ nhà quản lý, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, khuyến nghị bản thân DN khi đầu tư ra nước ngoài phải ý thức hơn trách nhiệm trong vấn đề tìm hiểu cơ chế chính sách pháp luật Việt Nam, các văn bản điều ước quốc tế và pháp luật nước sở tại.

Trong đó, các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm hỗ trợ cho các nhà đầu tư về chính sách, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc mà họ gặp phải. Tuy nhiên, mỗi DN cần phải hợp tác chặt chẽ với các cơ quan này.