Tranh thủ dịch chuyển dòng vốn đầu tư sau khi Fed tăng lãi suất

Theo Trí Minh/laodong.vn

Các chuyên gia kinh tế phân tích, sau động thái Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể sẽ không chịu ảnh hưởng quá lớn. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chúng ta tranh thủ việc dịch chuyển các dòng vốn đầu tư.

Trong 8 tháng của năm 2022, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 12,8 tỷ USD.
Trong 8 tháng của năm 2022, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 12,8 tỷ USD.

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn

Trước động thái Fed có đợt tăng lãi suất lần thứ 3 liên tiếp, các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá, tác động lớn của việc này chủ yếu ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài.

"Trong ngắn hạn, với lịch sử của các đợt tăng lãi suất khác của Fed, dòng vốn vào các thị trường mới nổi sẽ luôn đảo chiều và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam sẽ chủ yếu đến từ thị trường tài chính. Và Việt Nam, với nền tảng kinh tế vĩ mô tốt và chừng nào lạm phát còn được duy trì ở mức dưới 4%, sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong ngành công nghiệp sản xuất" - phía chuyên gia ACBS đánh giá. 

Ngoài ra, các chuyên gia của ACBS duy trì kỳ vọng CPI của Việt Nam năm nay tăng trong khoảng 3,2 - 4% và vẫn nằm trong mục tiêu của Chính phủ. Trong khi đó, chỉ số tăng trưởng GDP được kỳ vọng sẽ cao trong quý III và IV, đặc biệt quý III có thể tăng trên 10%.

Các chuyên gia cho rằng, kinh tế có nhiều yếu tố hỗ trợ như tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, qua đó sẽ thúc đẩy các hoạt động từ khu vực FDI về mặt đầu tư và xuất khẩu.

Ngoài ra Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghiệp thay thế nhằm bù đắp sản lượng mất mát, do chiến lược Zero-COVID của Trung Quốc, điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy phục hồi các hoạt động sản xuất công nghiệp.

Một yếu tố nữa là sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành dịch vụ cũng sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng toàn nền kinh tế những tháng cuối năm.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% vào năm 2022, cho thấy khả năng hệ thống ngân hàng được cấp thêm 2% hạn mức tăng trưởng tín dụng từ giờ tới cuối năm nay tùy vào diễn biến kinh tế vĩ mô.

Theo kịch bản tích cực, ACBS dự báo tăng trưởng GDP quý III có thể đạt mức cao nhất là 14,7%, 6 tháng cuối năm tăng 7,1 - 10,4% và 6,8 - 8,5% cả năm.

Cần tận dụng những cơ hội 

Chia sẻ quan điểm với PV Lao Động, một chuyên gia kinh tế cho hay, việc Fed tăng lãi suất sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến những dòng vốn ngắn hạn. Tuy nhiên, ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái tăng lãi suất điều hành nên có thể sẽ không gây ra tác động quá lớn. 

Còn với dòng vốn FDI sẽ phải phụ thuộc vào hàng loạt yếu tố khác như môi trường kinh doanh, năng suất lao động, các cam kết về tỷ giá... Tất nhiên, dòng vốn này có thể sẽ chậm lại trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia phân tích, hiện tượng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư gián tiếp là một trong những tác động của việc Fed tăng lãi suất lần thứ 3 liên tiếp. 

Do đó, chúng ta phải chủ động, liên tục bám sát tình hình để theo dõi, phân tích, đánh giá và đưa ra những kịch bản ứng phó, xử lý sao cho phù hợp, để một mặt kiểm soát được rủi ro, lạm phát, một mặt ổn định được kinh tế vĩ mô, giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế và có thể tranh thủ tận dụng được một số cơ hội.

Quan điểm của chuyên gia kinh tế này cho rằng, cần tranh thủ việc dịch chuyển các dòng vốn đầu tư trong bối cảnh Việt Nam kiềm chế tốt được các dịch bệnh, kiểm soát tương đối tốt về lạm phát, giá cả, tỷ giá và đặc biệt là khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam đang ở mức cao, hợp tác với các nước rất sâu rộng.

Trước đó, Việt Nam vừa đón một làn sóng vốn FDI mới đổ về. Trong 8 tháng của năm 2022, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là con số FDI thực hiện 8 tháng đầu năm cao kỷ lục trong khoảng 5 năm trở lại đây. 

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 8 tháng, trong đó: Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,53 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 27% so với cùng kỳ 2021; Hàn Quốc đứng thứ hai với trên gần 3,5 tỷ USD, chiếm gần 21% tổng vốn đầu tư, tăng 43,7% so với cùng kỳ; Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,49 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư.