Trao sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Hoàng Minh

Những năm gần đây, nguồn vốn hỗ trợ từ các tiểu dự án Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đã và đang góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ sản xuất, trao “cần câu” cho đồng bào.

Nguồn lực thực hiện Dự án 6,  Chương trình Mục tiêu quốc gia góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Nguồn lực thực hiện Dự án 6, Chương trình Mục tiêu quốc gia góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Dần thay đổi chất lượng sống đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14-15% dân số cả nước. Các vùng, miền núi chiếm ba phần tư diện tích cả nước ta, với hơn 30 triệu dân sinh sống, có vị trí chiến lược quan trọng về nhiều mặt.

Những năm qua, Ðảng và Nhà nước, đồng bào cả nước vẫn luôn quan tâm, đầu tư đến vùng miền núi, dân tộc thiểu số, như Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719).

Bên cạnh việc huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, hệ thống giao thông, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế…, việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm; nâng cao khả năng tiếp cận về giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin kết hợp với các Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi tích cực diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại Hòa Bình, giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn Trung ương đầu tư, hỗ trợ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Tỉnh là hơn 2,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư giao trên 1,4 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp giao 967 tỷ đồng. 

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình có 59 xã thuộc khu vực III. Tính đến hết năm 2024, tổng số xã đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn là 16 xã, chiếm 55,17% theo chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao (16/29 xã). Trong giai đoạn 2021 - 2024, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 3,16%; tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn bình quân giảm 6,24% (vượt chỉ tiêu Trung ương và tỉnh giao).

Theo Bà Nguyễn Thu Tư - Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo, tỉnh Cà Mau, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, hầu hết các nội dung chính sách dân tộc đều đã được tích hợp vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và phát huy hiệu quả. Nổi bật như, hiện nay 100% số xã trong vùng đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Cà Mau đã có đường ô tô đến trung tâm xã; trên 75% đường liên ấp được bê tông hoá, cứng hoá; tỷ lệ hộ sử dụng điện trên 99,9%... Ðời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên từng bước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua từng năm, mỗi năm giảm trên 2%. Năm 2024, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn 463 hộ, chiếm 4,03% trong tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; đã giảm 250 hộ, tương ứng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm 2,06% so với năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2024 trên 57 triệu đồng.

Đẩy nhanh giải ngân, tạo “bệ đỡ” giúp đồng bào thoát nghèo

Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719 đã và đang đi vào những thời điểm nước rút. Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương thì các địa phương cần linh hoạt, chủ động trong triển khai thực hiện các dự án thành phần.

Để đảm bảo thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt kết quả cao nhất (trên 95%) theo Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 18/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương khẩn trương hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/3/2025.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương phân bổ vốn các Chương trình Mục tiêu quốc gia theo đúng mục tiêu, đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ, đảm bảo thực hiện đúng quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia.

Bộ Tài chính vừa có văn bản số 2448/BTC-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thanh toán vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia nguồn ngân sách nhà nước tháng 1/2025 và ước lũy kế tháng 2/2025.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, về tình hình giải ngân vốn đầu tư công: Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ngân sách Trung ương đến hết tháng 1/2025 đạt 3,06% tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2025 (ước đến hết tháng 2 năm 2025 đạt 5,6%). Trong đó vốn đầu tư các Chương trình Mục tiêu quốc gia từ nguồn ngân sách Trung ương đạt 10,4%, khoảng 2.293 tỷ đồng (ước đến hết tháng 2 năm 2025 đạt 19,9%, khoảng 4.376 tỷ đồng). Còn có bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn. Nguyên nhân theo báo cáo là do các dự án đang thực hiện lập, phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện để phân bổ vốn.

Tuy nhiên, về tình hình giải ngân vốn sự nghiệp, vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia còn thấp, mới đạt 1,5% tổng dự toán thực hiện trong năm (bao gồm dự toán kéo dài từ các năm trước và dự toán giao trong năm 2025).

Hiện nay, việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương vẫn còn vướng mắc. Bên cạnh đó, các địa phương còn tâm lý sợ sai, chưa quyết liệt trong thực hiện và giải ngân nguồn vốn của các Dự án, nhất là trong triển khai giải ngân nguồn vốn chi thường xuyên; chậm tổ chức triển khai thực hiện (chậm phân bổ kế hoạch vốn, giao dự toán; chậm lập, phê duyệt dự án đầu tư, đối tượng hỗ trợ).