Trên 14 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2022
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ đầu năm đến ngày 20/6/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần tại Việt Nam đạt trên 14 tỷ USD, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, trong tổng số 14,03 tỷ USD vốn FDI được đầu tư vào Việt Nam trong 6 tháng qua có 4,94 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới (giảm 48,2% so với cùng kỳ) với 752 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 6,82 tỷ USD (tăng 65,6% so với cùng kỳ) với 487 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư; 2,27 tỷ USD giá trị vốn góp (tăng 41,4% so với cùng kỳ) với 1.707 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, số vốn cấp đăng ký mới giảm so với cùng kỳ năm 2021 là do tác động của cuộc xung đột chính trị, thương mại trên thế giới, bên cạnh đó còn do "dư âm" từ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021. Tuy nhiên, bù lại, số vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đã tiếp tục tăng mạnh, lần lượt là 65,6% và 41,4%.
Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, số vốn FDI đầu tư điều chỉnh tăng cao cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 8,84 tỷ USD, chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký; Đứng thứ hai là ngành kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư trên 3,15 tỷ USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký; Tiếp đến là các ngành thông tin truyền thông, hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 442,6 triệu USD, 408,5 triệu USD...
Cũng trong thời gian này đã có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Singapore là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,1 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; đứng thứ hai là Hàn Quốc với trên 2,66 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư...
Dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong 06 tháng đầu năm 2022 đã cho thấy nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan của Việt Nam nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Điển hình như, từ năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 nhằm thu hút dòng vốn FDI có chất lượng vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong những năm gần đây, Việt Nam đã rất thành công trong thu hút FDI. Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn FDI tiếp tục tăng mạnh. Điều đó khẳng định, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải cách chính sách đầu tư và các quy định có mục tiêu, tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như chế biến chế tạo, y tế, giáo dục đào tạo…