Trị căn bệnh sở hữu chéo ngân hàng

Theo ktdt.com.vn

(Tài chính) Sở hữu chéo tại các ngân hàng đang là vấn đề nóng được dư luận quan tâm hiện nay. Có thể "chỉ mặt đặt tên" một số ngân hàng trên mạng nhện sở hữu chằng chịt này: Vietcombank sở hữu cổ phần của MB, OCB, Eximbank, Saigonbank, Công ty Tài chính Xi măng; Maritime Bank có cổ phần tại HDBank (đang trong lộ trình mua bán, sáp nhập) và Công ty Tài chính Cổ phần Dệt may...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Các ngân hàng khác như Eximbank, Sacombank, VietinBank, Techcombank… cũng ở tình trạng tương tự. Việc sở hữu chồng chéo này đang gây nhiều hệ lụy hiện nay. Đó là việc một số tổ chức hoạt động thiếu công khai, minh bạch hoặc bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông lớn, đặc biệt trong việc cho vay các công ty con của cổ đông lớn hoặc đáp ứng cho lợi ích riêng của cổ đông lớn và người có liên quan.

Vụ án Nguyễn Đức Kiên là bài học về việc một cá nhân lợi dụng sở hữu chéo gây thiệt hại lớn về kinh tế. Việc thành lập hàng loạt công ty sân sau, dùng các công ty này để vay vốn ngân hàng và sử dụng tiền vay để mua cổ phần của một số tổ chức tín dụng (TCTD) khác… đã gây lũng đoạn thị trường. Sở hữu chéo đã được nhân lên theo số vòng quay tiền ngân hàng mua cổ phiếu ngân hàng.

Bởi vậy, xử lý sở hữu chéo, lợi ích nhóm là vấn đề quan trọng được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đặt mục tiêu trong thời gian tới. Động thái mạnh tay mới đây là NHNN đã ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN siết chặt hơn sở hữu cổ phần và hoạt động cho vay của các TCTD. Theo đó, từ ngày 1/2/2015, các ngân hàng chỉ được nắm cổ phiếu tối đa tại 2 TCTD khác và tỷ lệ sở hữu tại một tổ chức không được vượt quá 5%.

Quy định này sẽ giảm bớt ảnh hưởng chi phối của cổ đông lớn tới hoạt động của TCTD mà ngân hàng nắm giữ. Thông tư 36 cũng siết chặt việc cấp tín dụng với quy định TCTD không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng ưu đãi cho cổ đông lớn, cổ đông sáng lập; các công ty con, công ty liên kết mà TCTD nắm quyền kiểm soát, DN có sở hữu trên 10% vốn điều lệ… 

Không chỉ "gỡ" sở hữu chéo, NHNN sẽ thanh tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định giới hạn sở hữu cổ phần; phối hợp với cơ quan điều tra nhằm xác minh các trường hợp vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý. Cơ quan này cũng kết hợp với Bộ Tài chính theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt các giao dịch sở hữu chéo, đầu tư chéo giữa các DN hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm...

Có thể thấy, sở hữu ngân hàng hiện vẫn như một mạng nhện chằng chịt, gỡ chỗ này mắc chỗ kia. Tuy nhiên, khó gỡ không có nghĩa là không gỡ được. Khi những mắt xích được tháo nút, mạng nhện có thêm những cơ hội được gỡ bỏ. Hy vọng, những động thái quyết liệt của NHNN thời gian gần đây sẽ là liều kháng sinh mạnh trị dứt căn bệnh sở hữu chéo ngân hàng.