Triển khai Hiến pháp 2013: Cụ thể hóa nhiều nội dung về đất đai
(Tài chính) Luật Đất đai được thông qua ngay sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp được xem là đã cụ thể hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp năm 2013. Đây là những vấn đề hết sức quan trọng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.
Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định:“Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Đồng thời, nhấn mạnh đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.
Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.
Quy định rõ phạm vi thu hồi đất
Hiến pháp quy định rõ Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích an ninh, quốc phòng, để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Đây là sự thay đổi quan trọng làm rõ được phạm vi thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội phải vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ngay sau khi Hiến pháp được Quốc hội thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp vào Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai ngay việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung đổi mới Luật tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài bằng nhiều hình thức.
Triển khai việc xây dựng các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật[1] và tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, ý kiến của các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành. Bộ cũng triển khai xây dựng các Thông tư hướng dẫn theo thẩm quyền ban hành trước ngày 1/7/2014 để đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật.
Các nội dung quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã thể chế hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp, đảm bảo Hiến pháp được thực thi một cách đầy đủ, trong đó tập trung vào 6 vấn đề chủ yếu sau:
Thứ nhất, Luật Đất đai khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quy định rõ quyền của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu đất đai và trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước đối với đất đai.
Hoàn thiện các quy định về quy hoạch sử dụng đất
Thứ hai, Luật Đất đai cụ thể hóa quy định về quản lý, sử dụng đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước.
Luật Đất đai năm 2013 bổ sung các quy định về điều tra, đánh giá đất đai để Nhà nước nắm chắc về số lượng, chất lượng và tiềm năng đất đai nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng của đất nước cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững.
Hoàn thiện các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo tính đồng bộ, liên kết giữa quy hoạch sử dụng đất các cấp và quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch ngành.
Quy định cụ thể nội dung kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện để làm cơ sở thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo phù hợp với khả năng đầu tư và huy động nguồn lực, khắc phục lãng phí trong việc giao đất cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư; đồng thời, bổ sung chế tài xử lý về tài chính đối với các dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng.
Nhằm tạo động lực cho đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Luật Đất đai đã quy định nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm thống nhất cho các loại đất nông nghiệp; cho phép hộ gia đình, cá nhân tích tụ đất đai với diện tích lớn hơn (10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp).
Khuyến khích tích tụ đất đai thông qua cơ chế góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, nhận quyền thuê đất để thuận lợi cho ứng dụng khoa học và công nghệ, cơ giới hóa và phát triển sản xuất hàng hóa.
Chính sách đất đai cho yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đô thị và đảm bảo an ninh quốc phòng tiếp tục được coi trọng thông qua việc bổ sung nguyên tắc ưu tiên bảo đảm quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng trong quy hoạch sử dụng đất. Bổ sung quy định điều kiện để được giao đất thực hiện dự án đầu tư tại khu vực biên giới, ven biển và hải đảo nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh đất nước.
Hoàn thiện hơn các quy định về chế độ sử dụng đất đối với khu công nghệ cao, khu kinh tế; bổ sung quy định việc sử dụng đất và việc giao đất, cho thuê đất để xây dựng công trình ngầm.
Hoàn thiện hơn cơ chế nhằm phát huy nguồn lực từ đất đai trên cơ sở bổ sung quy định kiện toàn, nâng cao năng lực của tổ chức có chức năng phát triển quỹ đất để bảo đảm thực thi nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo lập và phát triển quỹ đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Bổ sung cơ chế huy động nguồn vốn để tạo quỹ đất sạch cho đấu giá quyền sử dụng đất. Chú trọng triển khai thực hiện việc quy hoạch và khai thác, sử dụng diện tích đất bên cạnh công trình kết cấu hạ tầng và vùng phụ cận, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông đô thị có lợi thế để khai thác nguồn lực từ đất đai.
Quy định về công khai, minh bạch trong đất đai
Thứ ba, Luật cũng thể chế quy định về công khai, minh bạch trong công tác quản lý, sử dụng đất.
Một trong những điểm mới của Luật Đất đai năm 2013 là tăng cường hơn công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý, sử dụng đất, góp phần phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và làm giảm các khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.
Luật quy định cụ thể về những trường hợp Nhà nước phải thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trường hợp Nhà nước trưng dụng đất để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 54 của Hiến pháp.
Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế, thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và thực hiện cưỡng chế thu hồi đất nhằm tạo điều kiện cho các địa phương triển khai thực hiện thống nhất.
Quy định hình thức giao đất chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
Tăng cường tính công khai, dân chủ thông qua quy định về tham gia của người dân, trách nhiệm giải trình của Nhà nước trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trong việc bố trí tái định cư, đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm.
Hình thành khung pháp lý để xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai; quyền tiếp cận thông tin đất đai nhằm hướng tới xây dựng hệ thống thông tin đất đai thống nhất từ Trung ương tới địa phương phục vụ đa mục tiêu. Quy định đăng ký đất đai được thực hiện bằng hình thức trên giấy và bổ sung quy định đăng ký trên mạng điện tử để từng bước thực hiện đăng ký điện tử nhằm cải cách hành chính và tránh được sách nhiễu phiền hà khi người dân trực tiếp đăng ký.
Cụ thể hóa vai trò giám sát của nhân dân
Thứ tư, cụ thể hóa vai trò giám sát của nhân dân và các cơ quan dân cử trong quản lý, sử dụng đất.
Luật Đất đai sửa đổi đã quy định tăng cường hơn sự theo dõi, giám sát, đánh giá của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và nhân dân về việc quản lý và sử dụng đất đai.
Công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện phản ánh các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai đến các cơ quan có thẩm quyền. Quy định trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi nhận được ý kiến của công dân và các tổ chức đại diện.
Quy định về hệ thống theo dõi, đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất để đánh giá việc thi hành pháp luật đất đai, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, sự tác động của chính sách, pháp luật đất đai đến kinh tế, xã hội và môi trường trên phạm vi cả nước và các địa phương. Quy định xử lý trách nhiệm của người thực thi công vụ vi phạm pháp luật đất đai và người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra vi phạm pháp luật đất đai.
Quyền và lợi ích người sử dụng đất
Thứ năm, thể chế quy định bảo đảm quyền và lợi ích của người dân trong thực hiện pháp luật đất đai.
Theo quy định của Hiến pháp, quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ, do vậy Luật Đất đai đã cụ thể hơn quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; nghĩa vụ của Nhà nước đối với người sử dụng đất như quy định về những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất, trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai cho người dân.
Đổi mới về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư thông qua các quy định về giá đất bồi thường, điều kiện được bồi thường về đất, bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, bồi thường tài sản gắn liền với đất.
Quan tâm hơn đến đảm bảo sinh kế cho người có đất thu hồi thông qua quy định các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất như hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tạo việc làm; hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở.
Quy định trách nhiệm trong việc lập các khu tái định đảm bảo cơ sở hạ tầng đồng bộ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền và quyền tham gia của người dân trong quá trình lập và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Nhằm tạo điều kiện chỗ ở cho nhân dân, cụ thể hóa Khoản 3 Điều 59 của Hiến pháp, Luật Đất đai đã quy định chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo; hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở; đất ở cho người phải di dời khi Nhà nước thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người. Quy định trường hợp giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại xã mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở, giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại thị trấn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở thì không phải đấu giá quyền sử dụng đất.
Hoàn thiện các quan hệ đất đai theo quy định của Hiến pháp
Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện các quan hệ đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường theo quy định của Hiến pháp.
Luật Đất đai đã bổ sung các quy định nhằm tăng cường vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất đai: Thu hẹp các trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất và cơ bản chuyển sang thuê đất. Quy định nguyên tắc thị trường trong việc xác định giá đất. Khung giá đất, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm 1 lần và được điều chỉnh khi thị trường có biến động. Quy định các trường hợp phải xác định giá đất cụ thể. Bổ sung quy định về cơ quan xây dựng, cơ quan thẩm định giá đất, vị trí của tư vấn giá đất trong việc xác định giá đất và việc thuê tư vấn để xác định giá đất cụ thể.
Thiết lập sự bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai giữa các thành phần kinh tế. Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều được áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê; các trường hợp còn lại được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền hàng năm hoặc thuê đất trả tiền một lần việc thu hồi đất cho cả thời gian thuê.
Đồng thời, quy định mở rộng quyền cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, ngoài được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở theo quy định hiện hành, còn được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.
Có thể nói, Luật Đất đai đã cụ thể hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp năm 2013. Đây là những vấn đề hết sức quan trọng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; việc tổ chức triển khai thực hiện tốt sẽ góp phần nâng cao một bước hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai và phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Do đó, để việc triển khai thực hiện Hiến pháp và Luật Đất đai đòi hỏi phải có sự quyết tâm, nỗ lực của hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của nhân dân.
[1] Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao xây dựng trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định gồm: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định quy về giá đất; Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.