Cần có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp mục tiêu tăng trưởng
Thảo luận báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 sáng 18/4, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đề nghị xem xét và triển khai các chính sách tài khóa mở rộng đi kèm với các biện pháp hỗ trợ kịp thời và thiết thực cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn…

Trình bày tóm tắt Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2024 tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng; hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu (trong đó vượt 12 chỉ tiêu); các nhận định, đánh giá bám sát, thể hiện sự thống nhất với các kết quả đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám và Kỳ họp bất thường lần thứ Chín đầu năm 2025.
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội đã phục hồi nhanh, rõ nét hơn, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn như: tốc độ tăng GDP đạt 7,09% (đã báo cáo ước đạt 6,8-7%).
Năm 2025, trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và các công việc đã triển khai, có thể khái quát thành 8 kết quả nổi bật: Công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật tiếp tục được quan tâm, tập trung chỉ đạo; Tăng trưởng được thúc đẩy, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, GDP quý I ước tăng 6,93% so với cùng kỳ; Cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy được triển khai quyết liệt, bám sát chỉ đạo, yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị; Tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực, chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm trong năm 2025; Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tiếp tục được đẩy mạnh; Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an sinh xã hội, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thông tin tuyên truyền… được chú trọng, quan tâm.
Cùng với đó, tiến độ triển khai quy hoạch được đẩy nhanh, liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng tiếp tục được thúc đẩy; ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững, tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là đối ngoại cấp cao được triển khai chủ động, toàn diện, hiệu quả.
Một trong những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, đặc biệt các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín. Tăng cường cắt, giảm thủ tục hành chính để hạn chế phiền hà, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, năm 2025, thực hiện cắt giảm hơn 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; bãi bỏ hơn 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; giảm hơn 30% chi phí tuân thủ pháp luật; mọi thủ tục liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch và hiệu quả, bảo đảm minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; 100% số thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.

Cho ý kiến tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Đồng thời, có ý kiến đề nghị, trong công tác điều hành Chính phủ cần có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô; quan tâm đánh giá kỹ tác động của việc thực hiện điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, giá các dịch vụ công theo lộ trình thị trường, đặc biệt là chi phí người dân chi trả cho các dịch vụ giáo dục, y tế.
Đặc biệt, cũng có ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, cần thiết xem xét và triển khai các chính sách tài khóa mở rộng đi kèm với các biện pháp hỗ trợ kịp thời và thiết thực cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Mặt khác, tình hình cạnh tranh trên thị trường hàng hóa đang diễn ra hết sức gay gắt nên tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu và kiểm soát chặt chẽ nhãn mác hàng hóa trở thành một yêu cầu cấp bách, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những giải pháp hiệu quả, kịp thời./.