Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ thuế không còn khả năng nộp NSNN


Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 19/3/2020 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xoá nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN. Đồng thời, có công văn gửi bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết.

Việc xoá nợ phải căn cứ vào đối tượng, đáp ứng các điều kiện cụ thể về hồ sơ, thủ tục và đặc biệt liên quan đến nhiều đối tượng nộp thuế. Nguồn: internet
Việc xoá nợ phải căn cứ vào đối tượng, đáp ứng các điều kiện cụ thể về hồ sơ, thủ tục và đặc biệt liên quan đến nhiều đối tượng nộp thuế. Nguồn: internet

Thành lập ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết trong tháng 4/2020

Chỉ thị số 03/CT-BTC nêu rõ, Nghị quyết của Quốc hội là văn bản quy phạm pháp luật, cơ sở pháp lý cho việc thực hiện xử lý nợ không còn khả năng nộp NSNN. Việc xoá nợ phải căn cứ vào đối tượng, đáp ứng các điều kiện cụ thể về hồ sơ, thủ tục và đặc biệt liên quan đến nhiều đối tượng nộp thuế (đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể, phá sản, không còn sản xuất kinh doanh, không còn khả năng nộp NSNN), nên công tác tổ chức, triển khai phải có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, chính quyền các cấp. 

Để triển khai hiệu quả, thống nhất trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu, trong tháng 4 Tổng cục Thuế chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết xử lý nợ tại Tổng cục Thuế (BCĐ Tổng cục Thuế) do Tổng cục trưởng làm trưởng ban. BCĐ Tổng cục có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch, tiến độ và các biện pháp để triển khai thực hiện Nghị quyết; hướng dẫn, kiểm tra các cục thuế thực hiện; phát hiện và chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất trình Bộ Tài chính các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai. Hàng quý, BCĐ Tổng cục tổng hợp tình hình thực hiện của các cục thuế, chủ động  hoặc đề xuất Bộ Tài chính xử lý các vướng mắc phát sinh...

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giao cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trong tháng 4 thành lập BCĐ triển khai thực hiện Nghị quyết xử lý nợ ở địa phương do Cục trưởng làm trưởng ban. BCĐ có trách nhiệm tham mưu, đề xuất UBND địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết và chỉ thị này; triển khai thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch và hướng dẫn của BCĐ Tổng cục Thuế, bảo đảm đúng tiến độ, nội dung. Trước ngày 1/7/2020, BCĐ tại các cục thuế chỉ đạo thực hiện rà soát, phân loại nợ theo từng địa bàn, từng đối tượng, bảo đảm chính xác; lập văn bản xác nhận giữa cơ quan thuế với UBND xã về việc người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Chỉ thị cũng yêu cầu cục thuế các địa phương trình UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai Nghị quyết, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, đảm bảo phối hợp thống nhất với cơ quan thuế trong việc lập hồ sơ, xác nhận và xử lý nợ.

Ban hành thông tư hướng dẫn trước 15/5/2020 

Về xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện Nghị quyết xử lý nợ, Bộ trưởng Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện dự thảo thông tư về hồ sơ và trình tự thủ tục khoanh nợ tiền thuế, xoá nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp ban hành trước 15/5/2020.

Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác rà soát hồ sơ, phân loại nợ từng đối tượng được xử lý nợ được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội bảo đảm chính xác, đúng đối tượng, đồng thời chịu trách nhiệm tính chính xác của số liệu trên hồ sơ.

Trên cơ sở rà soát và xuất phát từ thực tiễn quản lý, nghiên cứu tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến tham gia với Bộ Tài chính trong việc quy định cụ thể về thành phần hồ sơ và trình tự thủ tục khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp để đảm bảo xử lý nợ chặt chẽ và khả thi trong quá trình thực hiện.

Cần sự phối hợp của địa phương

Cùng ngày ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTC , Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 3147/BTC-TCT gửi bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phối đề nghị phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết xử lý nợ thuế. 

Theo Bộ Tài chính, việc xử lý xoá nợ phải đảm bảo chặt chẽ, căn cứ vào từng đối tượng, đáp ứng các điều kiện cụ thể hồ sơ, thủ tục, đồng thời liên quan nhiều đối tượng. Do đó, trong công tác tổ chức triển khai thực hiện cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo, tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành và chính quyền các cấp ở địa phương.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND cấp dưới, cơ quan chuyên môn triển khai, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, thống nhất với cơ quan thuế trong việc lập hồ sơ, xác nhận, xử lý nợ; phân loại nợ theo từng địa bàn, đối tượng, bảo đảm chính xác và lập văn bản xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đã đăng ký; tuyên truyền phổ biến và tập huấn, đào tạo các nội dung của Nghi quyết và các văn bản hướng dẫn thực hiện; công khai quy trình, thủ tục xử lý nợ; tổ chức bộ phận hỗ trợ,hướng dẫn thủ tục, hồ sơ xử lý; nắm bắt vướng mắc, báo cáo Bộ tài chính và Tổng cục thuế tháo gỡ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thuế lập hồ sơ xử lý nợ và xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đăng ký, liên lạc; sở kế hoạch và đầu tư, cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan thuế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, hộ kinh doanh không còn hoạt động.

Đồng thời, phối hợp với cơ quan thuế để thu hồi lại số nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đã được xoá khi người nộp thuế quay lại sản xuất kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp mới. Cơ quan công an thực hiện tốt quy chế phối hợp trong phòng, chống trốn thuế, chây ì không nộp tiền thuế, chiếm đoạt tiền thuế, không chấp hành các biện pháp cưỡng chế thuế; rà soát hồ sơ người nộp thuế đã chết, mất tích, bị toà án tuyên bố đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc đi khỏi nơi cư trú; xác minh thông tin người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, liên lạc...

Việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xoá nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế trong năm 2020 và 2021. Thực hiện thành công Nghị quyết sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của cả nước trong thời gian tới.