Triển vọng kinh tế 2018: Nhiều yếu tố thuận lợi

Theo Nguyễn Hòa/baocongthuong.vn

Tăng trưởng kinh tế quý I/2018 đạt 7,38%, kết quả này có được nhờ vào đà tăng của quý IV/2017. Dựa vào mức tăng trưởng quý I/2018 và diễn biến kinh tế những tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2018 có nhiều yếu tố thuận lợi.

 Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2018 có nhiều yếu tố thuận lợi. Nguồn: Internet
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2018 có nhiều yếu tố thuận lợi. Nguồn: Internet

8/13 chỉ tiêu vượt kế hoạch

Trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và tình hình triển khai kế hoạch năm 2018 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV nêu rõ, trong tổng số 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội giao trong năm 2017, có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch và duy nhất 1 chỉ tiêu không đạt là chỉ tiêu về giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP, chỉ đạt 0,5%, trong khi số liệu đã báo cáo và chỉ tiêu kế hoạch là 1,5%.

"Nguyên nhân chủ yếu là do chậm triển khai ứng dụng và chuyển đổi dây chuyền công nghệ sử dụng ít năng lượng ở các ngành sản xuất. Tuy nhiên, kể từ năm 2018, Quốc hội không yêu cầu đặt mục tiêu và đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu này hàng năm mà chuyển sang đặt mục tiêu và đánh giá theo giai đoạn 5 năm" - ông Trần Quốc Phương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm.

Mặc dù có 1/13 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, song ông Trần Quốc Phương cho rằng, so với các năm trước, năm 2017 là năm có số lượng chỉ tiêu vượt và đạt kế hoạch cao nhất, điều đó chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, trong số những chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra, có rất nhiều những chỉ tiêu tạo được “kỷ lục mới”. Cụ thể, chỉ tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7% và đặc biệt cao hơn báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại Kỳ họp trước là 6,7%. Bên cạnh chỉ tiêu tăng trưởng, chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2017 Quốc hội đề ra 6-7% nhưng trên thực tế đạt 21,2%... đây là những tín hiệu tích cực, cho thấy vị thế kinh tế của Việt Nam đang dần được củng cố trên trường quốc tế.

Thúc đẩy doanh nghiệp trong nước

Sẵn đà tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2017, quý I/2018 tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7,38%, kết quả này nằm ngoài dự báo của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước và là mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong 10 năm trở lại đây. Dựa vào tình hình kinh tế quý I/2018, và diễn biến tình hình kinh tế thế giới, kết quả trong cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2018 khá thuận lợi.

Trước ý kiến cho rằng, tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm cao, nhưng thiếu sự bền vững do phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), điều này thể hiện thông qua xuất khẩu của khu vực FDI trong 4 tháng đầu năm chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ông Trần Quốc Phương thẳng thắn, sự so sánh này là “khập khiễng”, không nên chỉ dựa vào một số chỉ số để đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam, bởi trước khi đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp FDI đã có sẵn các đối tác, và thị trường của mình. Họ đầu tư vào Việt Nam để sản xuất và hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài, còn các doanh nghiệp trong nước không xuất khẩu mà hướng đến thị trường nội địa là chính, nên việc xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ lệ lớn là điều dễ hiểu.

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng tăng trưởng của Việt Nam, nhưng theo ông Phương, đây là nhận định không công bằng. Vị này cho rằng chất lượng tăng trưởng đã cải thiện nếu nhìn vào chỉ số về tốc độ tăng trưởng, từ năm 2011 đến nay, bình quân tăng trưởng của Việt Nam đạt trên 6%/năm, đây là tốc độ khá so với một quốc gia đang phát triển. Chỉ số TFP đang tiến bộ; Năng suất lao động có cải thiện; thu nhập bình quân đầu người đã cải thiện, hiện ở mức 2.385 USD/người/năm, gần gấp đôi so với năm 2010 và gấp 3 lần so với 2007.

Mặc dù đánh giá cao triển vọng kinh tế năm 2018, song ông Trần Quốc Phương cũng thừa nhận nền kinh tế còn nhiều thách thức. Trong đó, một trong những thách thức đầu tiên là tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2018 đạt 7,38%, cao hơn nhiều dự báo nên ít nhiều sẽ có tâm lý “chùng” xuống và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng những tháng tiếp theo. Bên cạnh đó, chu kỳ kinh tế 10 năm có thể sẽ tác động đến tăng trưởng trong năm 2018.

Để hóa giải các thách thức này, ông Phương cho rằng, cần tích cực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển, tiếp cận thị trường, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Muốn như vậy, cần thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.