Triển vọng kinh tế 2025: Kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, duy trì thanh khoản


Bức tranh kinh tế vĩ mô đầu năm 2025 cho thấy sự cân bằng dần được thiết lập mặc dù lạm phát, tỷ giá và thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn còn những áp lực nhất định.

Việc NHNN cho phép tỷ giá biến động mạnh hơn đầu năm 2025 được đánh giá là cần thiết để giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng và cân bằng lại cung cầu ngoại tệ
Việc NHNN cho phép tỷ giá biến động mạnh hơn đầu năm 2025 được đánh giá là cần thiết để giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng và cân bằng lại cung cầu ngoại tệ

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và nội địa đang trải qua những biến động đáng chú ý, việc đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, nhóm chỉ số cần đặc biệt quan tâm là lạm phát, tỷ giá và thanh khoản hệ thống ngân hàng cùng lãi suất, bởi chúng có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, đầu tư và tiêu dùng.

Thứ nhất, về lạm phát, thời điểm đầu năm thường chứng kiến sự gia tăng do các yếu tố mùa vụ. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2025 tăng lên mức 3,63%, cao hơn đáng kể so với mức 2,94% của tháng 12/2024.

Nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát tăng cao trong tháng 1 bao gồm: Giá thực phẩm và dịch vụ ăn uống tăng mạnh trong dịp Tết, nhưng xu hướng này thường chỉ diễn ra trong ngắn hạn và sẽ hạ nhiệt. Ngoài ra với lĩnh vực y tế, việc áp dụng Thông tư 02 về điều chỉnh giá thuốc và dịch vụ y tế đã khiến giá lĩnh vực này tăng khoảng 10%, tạo áp lực đáng kể lên CPI.

Dù vậy, các yếu tố tác động dài hạn như giá nhà ở, giao thông và các dịch vụ khác vẫn duy trì ở mức ổn định, cho thấy nhu cầu tiêu dùng nội địa chưa thực sự bùng nổ. Dự báo, chỉ số CPI tháng 2 sẽ giảm nhẹ hoặc duy trì ở mức ngang bằng tháng 1, chúng ta sẽ chứng kiến con số tăng trưởng giá cả tiêu dùng giảm xuống khoảng 2,7 - 2,8%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4,5% mà Chính phủ đề ra. Điều này cho thấy lạm phát hiện tại chưa phải là mối lo ngại lớn đối với nền kinh tế.

Thứ hai, biến động tỷ giá mang tính điều chỉnh và tâm lý thị trường. Thời gian gần đây, tỷ giá giữa VND và USD đã có những biến động đáng kể. Trong kỳ nghỉ Tết, đồng USD tăng mạnh gây áp lực lên tỷ giá trong nước. Đồng thời, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì tỷ giá bán ra ở mức cố định trong thời gian dài cũng góp phần kìm hãm sự biến động của VND.

Sau kỳ nghỉ Tết, NHNN đã nới biên độ tỷ giá và điều chỉnh tỷ giá trung tâm, tạo điều kiện cho thị trường vận hành linh hoạt hơn. Điều này dẫn đến việc các ngân hàng thương mại tăng mạnh giá bán USD, trong khi tỷ giá trên thị trường tự do lại không biến động đáng kể, cho thấy yếu tố tâm lý đóng vai trò chủ đạo.

Một yếu tố quan trọng khác là diễn biến của chỉ số DXY trên thị trường quốc tế. Trong quý IV/2024, chỉ số này tăng hơn 10%, trong khi VND chỉ mất giá khoảng 2,5 - 3%, cho thấy đồng nội tệ của Việt Nam vẫn duy trì được sức mạnh tương đối so với nhiều đồng tiền khác. Việc NHNN cho phép tỷ giá biến động mạnh hơn đầu năm 2025 được đánh giá là cần thiết để giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng và cân bằng lại cung cầu ngoại tệ.

Đáng chú ý, sự biến động của đồng Nhân dân tệ (CNY) cũng tác động không nhỏ đến tỷ giá VND/USD do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Trong thời gian gần đây, đồng CNY mất giá mạnh hơn USD, tạo ra áp lực kép đối với VND.

Nhìn chung, biến động tỷ giá hiện tại chủ yếu mang tính điều chỉnh và tâm lý thị trường hơn là do các yếu tố nội tại.

Thứ ba, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được xem là yếu tố then chốt để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế. Trong dịp Tết vừa qua, NHNN đã bơm khoảng 170.000 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn, cho thấy áp lực về dòng tiền vẫn còn đáng kể.

Các chỉ số về lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và thị trường 1 đều cho thấy xu hướng tăng trong 6 tháng qua. Đặc biệt, chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động vốn đã đạt mức kỷ lục, buộc các ngân hàng phải huy động thêm vốn từ các nguồn khác để duy trì hoạt động. Tình trạng này khiến lãi suất huy động chịu áp lực tăng không chỉ trong ngắn hạn mà còn có thể kéo dài nếu không có các biện pháp cân bằng cung cầu tiền tệ.

Về dài hạn, nếu bài toán chênh lệch giữa tín dụng và huy động không được giải quyết, lãi suất sẽ tiếp tục tăng, gây ảnh hưởng đến chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, việc NHNN nới biên độ tỷ giá đầu năm nay cũng là một giải pháp gián tiếp để giảm áp lực lên thanh khoản, hạn chế việc phải bán ngoại tệ và hút tiền đồng ra khỏi hệ thống.

“Từ các yếu tố trên, bức tranh kinh tế vĩ mô đầu năm 2025 cho thấy sự cân bằng dần được thiết lập mặc dù vẫn còn những áp lực nhất định. Lạm phát hiện tại chủ yếu do yếu tố mùa vụ và sẽ hạ nhiệt trong những tháng tới, trong khi tỷ giá biến động mang tính điều chỉnh lành mạnh, giúp giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng dù gặp khó khăn nhưng đang dần ổn định nhờ các biện pháp hỗ trợ của NHNN”, ông Báu nhận định.

Trong bối cảnh các yếu tố ngoại vi như lãi suất của Mỹ và biến động tỷ giá quốc tế vẫn còn phức tạp, việc duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và cân đối sẽ là chìa khóa để đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến của các chỉ số này để đưa ra các quyết định phù hợp, tận dụng các cơ hội mà sự biến động của thị trường mang lại.

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn