Triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2018

Trương Thị Thùy Dương - Học viện Ngân hàng

Theo đánh giá của nhiều tổ chức, định chế tài chính trong và ngoài nước, GDP năm 2018 của Việt Nam có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mức đạt được trong năm 2017. Với những triển vọng tươi sáng, cùng một số diễn biến mới từ cải cách môi trường kinh doanh và hoạt động thoái vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ giúp thị trường chứng khoán năm 2018 tiếp tục tăng trưởng, thu hút tốt hơn các dòng vốn trong và ngoài nước tham gia thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kinh tế Việt Nam năm 2017 chuyển biến tích cực

Mặc dù còn tồn tại một số hạn chế, nhất là xét ở góc độ chất lượng và hiệu quả tăng trưởng, nhưng bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2017 khép lại với nhiều gam màu sáng nhờ những cú bứt phá ở chặng nước rút vào những tháng cuối năm. Đây là kết quả của những nỗ lực trong việc cải cách nền kinh tế vận hành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, cũng như tính minh bạch, chứ không phải là sản phẩm của những giải pháp kích thích mang tính ngắn hạn.

Theo phân tích, đánh giá của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn, đến nay có thể khẳng định năm 2017 là năm cất cánh của kinh tế Việt Nam, với tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất 10 năm trở lại đây. Ổn định vĩ mô được giữ vững, thể hiện ở chỉ số lạm phát và thâm hụt ngân sách đều ở mức thấp…

Kết quả trên có được từ cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Về phía chủ quan, sự thay đổi trong tư duy phát triển cùng quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng từ trung ương đã tạo ra “luồng gió mới” cho kinh tế Việt Nam. Về phía khách quan, thuận lợi về giá cả hàng hóa toàn cầu, sự thành công của Samsung trong phát triển các sản phẩm mới đã tạo cú hích cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2017.

Điểm đáng chú ý là tăng trưởng kinh tế năm 2017 của Việt Nam không đến từ các giải pháp kích cầu ngắn hạn. Một số tín hiệu tích cực trong năm đã và đang tạo thêm niềm tin từ nhân dân nói chung, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nói riêng. Các chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam đang đi đúng hướng, nên tăng trưởng của các năm tiếp theo sẽ vẫn ở mức cao.

Với tinh thần kiến tạo, phục vụ, khắc phục khó khăn của năm 2017, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã hành động bằng những việc làm thiết thực, cụ thể để tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo đà cho GDP đạt mức tăng trưởng 6,7%. Kết quả này là nền tảng vững chắc, tạo niềm lạc quan cho năm 2018 và các năm tiếp theo kinh tế Việt Nam tiếp tục cất cánh, đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Dưới góc nhìn của TS. Vũ Bằng, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, kinh tế năm 2017 khép lại có nhiều diễn biến tích cực nhờ kinh tế thế giới có sự hồi phục ở một số đầu tàu, nên thương mại, đầu tư có nhiều điểm thuận lợi. Ở trong nước, bức tranh kinh tế cũng có nhiều khởi sắc, khi tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,7%. Chính sách tiền tệ khá linh hoạt đã hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển và tăng trưởng kinh tế.

Hoạt xuất nhập khẩu khá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh. Sau khi có nghị quyết của Quốc hội, việc thúc đẩy xử lý nợ xấu, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng đã đạt kết quả tốt hơn trước. Hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng tích cực hơn nhờ triển khai áp dụng quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II. Diễn biến này đã và sẽ hỗ trợ tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt trong năm 2017, Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt trong cải cách kinh tế vĩ mô, cũng như thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Nỗ lực này được thể hiện cụ thể trong các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh bảo vệ nhà đầu tư, nâng cao chất lượng quản trị công ty thông qua hoàn thiện hệ thống quy định pháp lý trên thị trường chứng khoán, của Luật Doanh nghiệp... Những động thái này đã mang lại kết quả tích cực và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu như chỉ số bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam năm 2015 ở mức 130/190 nước, thì năm nay cải thiện lên mức 81/190 nước.

Triển vọng ổn định vĩ mô năm 2018

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 được dự báo tiếp tục có chuyển biến tích cực. Các biện pháp cải cách quyết liệt của Chính phủ sẽ phát huy hiệu quả. Cộng với các điều kiện thuận lợi là nhiều đầu tàu kinh tế thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đều tăng trưởng khả quan. Lĩnh vực dầu khí và khai khoáng có thể thoát đáy khi giá dầu đang có xu hướng hồi phục…

Nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước cũng có chung nhận định tươi sáng cho kinh tế Việt Nam trong năm 2018 với cơ sở khách quan là kinh tế thế gới được dự báo sẽ tiếp tục hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế trong nước. Cùng với đó, là những chuyển biến tích cực của kinh tế trong nước năm 2017, kết quả tăng trưởng và cải cách mạnh mẽ từ môi trường kinh doanh, hợp tác, hội nhập quốc tế đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam.

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: FTA với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu, Cộng đồng chung ASEAN, TPP mới… sẽ thúc đẩy tích cực cho hoạt động xuất khẩu và khuyến khích các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tất nhiên, cũng cần lưu ý đến làn sóng bảo hộ mậu dịch trên toàn cầu khi Tổng thống Donald Trump vẫn duy trì chính sách này và tiến trình EU-Brexit vẫn còn dở dang.

Thêm vào đó, các tác động từ bên ngoài như bong bóng công nghệ mới, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, hay các chính sách điều chỉnh tiền tệ - lãi suất của Trung Quốc và Nhật Bản có thể khiến cho lạm phát trong nước tăng. Trong nước, nền tảng chính trị ổn định là điểm cộng đối với triển vọng kinh tế trong năm 2018. Với kỳ vọng mở ra những quyết sách mới, tạo cơ hội cho kinh tế phát triển trong giai đoạn tiếp theo, Chính phủ đang đẩy mạnh quyết tâm cải cách bộ máy hành chính, hệ thống pháp luật, chống tham nhũng và cải cách kinh tế.

Về cơ bản, các nhân tố chính thúc đẩy GDP trong thời gian qua như ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và chính sách tài khóa - tiền tệ phù hợp tiếp tục đóng vai trò nền tảng. Ngoài ra, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo đang đang tăng trưởng mạnh, tăng trưởng của ngành công nghiệp điện tử nói riêng và mức tăng trưởng của GDP Việt Nam nói chung.

Lạm phát cơ bản dự kiến duy trì ổn định trong bối cảnh giá cả nhiên liệu và hàng hóa toàn cầu dự báo sẽ ổn định trong năm 2018. Lạm phát ổn định là cơ sở quan trọng để khẳng định sự bền vững trong quản lý kinh tế vĩ mô, kích thích tiêu dùng nội địa, tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ nới lỏng làm giảm lãi suất kích thích đầu tư.

Chính sách tiền tệ duy trì định hướng nới lỏng, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhờ nền tảng lạm phát thấp. Điểm tích cực là thanh khoản dồi dào trên cả thị trường 1 và 2 của hệ thống ngân hàng, khiến cho mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cùng trái phiếu chính phủ các kỳ hạn được duy trì ở mức thấp, tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay và huy động.

Chính sách điều hành tỷ giá sẽ duy trì phương hướng linh hoạt, mềm dẻo, nhằm giữ vững tính ổn định của tỷ giá và tiến tới thúc đẩy các hoạt động thương mại mậu dịch. Tính ổn định của tỷ giá sẽ được giữ vững khi Ngân hàng Nhà nước vẫn đang nắm giữ một lượng dự trữ ngoại hối kỷ lục là 45 tỷ USD.

Đầu tư và thương mại, thể hiện qua hoạt động xuất nhập khẩu và các dòng vốn đầu tư, tiêu biểu là FDI giữ tín hiệu lạc quan. Các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Trên cơ sở đó, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 dự báo sẽ tăng trưởng tích cực hơn năm 2017.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về cơ bản tiếp tục xoay quanh mục tiêu tổng quát của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 là “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh”.

Với những nền tảng tích cực của năm 2017, nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán trong năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến tích cực. Việc Chính phủ tiếp tục kiên định theo đuổi thực thi đồng bộ các giải pháp về kiểm soát chi thường xuyên, tăng các nguồn thu cho ngân sách, giảm dần tỷ lệ nợ công, tăng chi cho đầu tư phát triển… là những điểm tốt sẽ hỗ trợ cho hoạt động của nền kinh tế trong năm tới. Dẫu vậy, nền kinh tế cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro tiềm ẩn. 

Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong thời gian tới, điều quan trọng là nhà quản lý cần thay đổi tư duy kích cầu bằng tư duy kích cung. Trong các giải pháp kích cung, cần nhấn mạnh việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Cùng với đó là sự hỗ trợ tối đa từ cơ quan nhà nước về tạo lập chính sách hay trực tiếp hỗ trợ sản xuất và tiếp thị sản phẩm, nhằm tiếp sức cho các doanh nghiệp lớn mạnh...

Kỳ vọng vào thị trường chứng khoán

Với bối cảnh kinh tế vĩ mô đang vận động theo chiều hướng tích cực và khá vững chắc, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường chứng khoán trong năm 2018 sẽ tiếp nối đà sôi động của năm nay. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo, xu hướng tăng trưởng trung dài hạn của thị trường chứng khoán có thể tiếp tục trong năm 2018, chỉ số VN-Index có thể đạt các đỉnh cao mới và giá trị vốn hóa thị trường trên GDP tiếp tục gia tăng. Cơ sở của dự báo lạc quan trên ngoài bệ đỡ là tăng trưởng kinh tế, tiếp tục có những diễn biến tích cực mới, còn nhờ mặt bằng giá cổ phiếu hiện tương đối hấp dẫn.

Mức P/E bình quân là 17,5 lần, thấp hơn 16% so với mức P/E bình quân các thị trường chứng khoán khu vực, trong khi tăng trưởng GDP của Việt Nam, cũng như tăng trưởng lợi nhuận từ các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam năm 2018 được dự báo cao hơn phần lớn các nước trong khu vực. Các đợt bán vốn nhà nước, IPO doanh nghiệp nhà nước lớn và niêm yết các doanh nghiệp lớn, có chất lượng trong năm 2018, sẽ tiếp tục thu hút mạnh các dòng vốn tham gia thị trường, nhất là dòng vốn đầu tư gián tiếp từ các quỹ đầu tư lớn trên thế giới.

Dù chỉ số VN-Index đang tiến gần tới mốc đỉnh trong lịch sử 1.137 điểm trong năm 2007, nhưng  thị trường chứng khoán thời điểm này nhiều điểm khác so với thời điểm 10 năm trước. Nếu như thời điểm 2007, đà tăng diễn ra ở tất cả các mã, thì trong giai đoạn tăng điểm mạnh của VN-Index từ tháng 8 đến nay, dòng tiền chỉ tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechips. Nếu đà tăng lan tỏa sang các cổ phiếu khác, thị trường xác lập được mặt bằng giá mới, đà tăng của chỉ số sẽ tiếp tục bùng nổ.

Cơ sở tích cực cho đà tăng của VN-Index trong thời gian tới là dòng vốn ngoại đang đổ mạnh vào thị trường, tìm kiếm những cơ hội đầu tư hấp dẫn từ các đợt cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Đợt thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) đã thu về gần 9.000 tỷ đồng, tương đương 400 triệu USD từ một quỹ đầu tư; Kết quả thoái vốn tại Tổng công Rượu bia, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thành công mang về trên 110 nghìn tỷ đồng vốn nhà nước, tương đương với khoảng 5 tỷ USD… là những tín hiệu lạc quan cho thị trường chứng khoán.

Tính từ đầu năm tới nay, đã có hàng tỷ USD vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán. Con số này dự kiến sẽ tăng vọt khi có những đợt bán vốn tại các doanh nghiệp đầu ngành, có lợi thế lớn như Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền phong, Đạm Cà Mau, FPT… và một loạt doanh nghiệp “khủng” sẽ lên sàn. Thực tế cho thấy, thị giá nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh nhờ hiệu ứng thoái vốn nhà nước.

Về lý thuyết, một chu kỳ tăng giá mới và bền vững trên thị trường chứng khoán cần có đầy đủ các yếu tố hỗ trợ như nền tảng vĩ mô, dòng tiền trong nước – quốc tế và sự cải thiện về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang hội tụ đầy đủ các điều kiện để tăng trưởng mạnh như giai đoạn 2005 – 2007, với hai khả năng xảy ra:

Một là, bước vào chu kỳ tăng trưởng trong khoảng 1,5- 2 năm tới và lập lại đỉnh 2007, VN-Index có thể đạt tốc độ tăng tương đương năm 2017 (trên 40%) với thanh khoản cao.

Hai là, thị trường tăng trưởng vừa phải sau khi đạt đỉnh 2007, tiếp tục duy trì tốc độ tăng khoảng 20% trong năm 2018, đi kèm với các điều kiện vĩ mô, dòng tiền và kết quả kinh doanh cải thiện từ các công ty niêm yết mới thì chu kỳ tăng trưởng có thể kéo dài 4-5 năm như các quốc gia Đông Nam Á sau khủng hoảng 2007. Tất nhiên, cơ hội tăng sẽ không trải đều cho mọi cổ phiếu.         

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính tháng 11/2017 và 11 tháng năm 2017 của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia.

2. Báo cáo vĩ mô tháng 10/2017 của Công ty chứng khoán Sài Gòn.

3. Câu lạc bộ CEO TP. Hồ Chí Minh: Hội thảo “Kinh tế Việt Nam triển vọng 2018”;

4. HSBC: Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2017 và triển vọng năm 2018.