Triển vọng phát triển thương mại ở Hậu Giang
Chào đón “sinh nhật” lần thứ 20, Hậu Giang chứng kiến sự chuyển đổi đáng kể từ một cộng đồng nông thôn sang những trung tâm thương mại, siêu thị phồn thịnh. Sự hòa nhập của thương mại hiện đại và bền vững với nền kinh tế truyền thống làm nổi bật sự độc đáo của ngành thương mại Hậu Giang.
Truyền thống xen lẫn hiện đại
Với hệ thống 65 chợ trải dài trên địa bàn tỉnh, chợ ở Hậu Giang không chỉ là nơi mua bán hàng hóa, mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành thương mại tại tỉnh nhà.
Những ngày cuối năm, nhiều chợ truyền thống trong tỉnh luôn tràn ngập lượng người đi mua sắm tết; còn trên các kệ cũng đầy ắp hàng hóa để phục vụ nhu cầu của người dân. Chủ tiệm tạp hóa Khỏe Hà, ở phường Trà Lồng, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Gần tết, chúng tôi nhập lượng hàng là các nhu yếu phẩm, bánh mứt tăng gấp đôi ngày thường, nhưng vẫn không đáp ứng đủ. Những ngày này, vợ chồng tôi ít có thời gian rảnh do người mua tấp nập, có thời điểm bán đến tận tối”.
Dạo qua khu chợ nông thôn giữa lòng thành phố - chợ Vị Thanh, ở phường III, thành phố Vị Thanh, cũng chứng kiến cảnh tương tự. Từ tờ mờ sáng, đã có rất đông người mua kẻ bán, tạo nên một khung cảnh náo nhiệt. Trong những chiếc áo bà ba, người bán thì liên tục “chào hàng”, đâu đó lại là tiếng trả giá của người mua. Tay xách nhiều túi đồ đi ra, chị Phạm Thị Bích Ngọc, ở thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Muốn mua đồ ở đây thì phải đi thật sớm, ra trễ thì không còn gì để mua nữa. Tôi tranh thủ mấy ngày này đi chợ sắm đồ chuẩn bị tết, sẵn tiện ra đây mua cá đồng về nấu cho gia đình”.
Ngày nay, khi công nghệ len lỏi vào từng lĩnh vực của cuộc sống, chợ mặc dù giữ nét truyền thống, nhưng cũng không ngừng tích hợp các yếu tố hiện đại trong lĩnh vực thương mại. Nét đặc trưng của chợ không chỉ là ở những quán hàng truyền thống với những gian hàng nhỏ lẻ, mà còn ở sự linh hoạt và sáng tạo trong cách kinh doanh.
Người bán hàng ở chợ không ngần ngại áp dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình kinh doanh, điều này có thể thấy rõ trong việc sử dụng máy tính, máy quét mã vạch và thậm chí cả việc quảng cáo trực tuyến để thu hút khách hàng. Những tiện ích này không chỉ giúp nâng cao hiệu suất kinh doanh, mà còn tạo ra trải nghiệm mua sắm hiện đại cho người tiêu dùng.
Từ đó, “chợ 4.0” đến gần hơn với người dân. Tính đến nay, Sở Công thương tỉnh đã phối hợp với các đơn vị ra mắt 17 chợ 4.0 ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh, mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt ở chợ nói riêng. Đây là bước đầu để hướng đến việc chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống sang kinh doanh hiện đại, hỗ trợ tiểu thương, hộ kinh doanh triển khai bán hàng không dùng tiền mặt, bán hàng qua mạng và các sàn thương mại điện tử...
Cùng với sự hòa nhập của thương mại điện tử thì những trung tâm thương mại, siêu thị, bách hóa xanh “mọc lên” càng làm nổi bật sự giao thoa giữa thương mại truyền thống và thương mại hiện đại. Thương mại hiện đại đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống đô thị tại Hậu Giang. Các trung tâm mua sắm lớn đã mở ra những không gian mới, kết nối những thương hiệu quốc tế và địa phương, phục vụ đắc lực nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Triển vọng phát triển
Mới đây, vào ngày 21-12-2023, Dự án Khu đô thị Trung tâm thành phố Ngã Bảy (khu D), do Công ty TNHH HTC Vị Thanh chính thức khởi công. Đây là khu phức hợp bao gồm Trung tâm thương mại kết hợp với nhà ở thương mại và khách sạn tiêu chuẩn 4 sao cung cấp các dịch vụ tiện ích như nhà hàng, spa, gym, hồ bơi, rạp chiếu phim… có diện tích khoảng 2,2ha, tổng mức đầu tư trên 420 tỉ đồng.
Sau khi dự án hoàn thành, sẽ cung cấp cho thị trường 90 căn nhà ở thương mại cùng với Trung tâm thương mại kết hợp với khách sạn tiêu chuẩn 4 sao quốc tế, với hơn 80 phòng. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Dự án sẽ đáp ứng được nhu cầu nghỉ ngơi, mua sắm và vui chơi giải trí của khách du lịch cũng như quảng bá cho du khách trong và ngoài nước về văn hóa ẩm thực của Hậu Giang nói riêng và vùng Tây Nam bộ nói chung, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đặc biệt, xác định mục tiêu phát triển thương mại Hậu Giang theo hướng hiện đại, nâng cao khả năng điều tiết, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương tỉnh xây dựng Định hướng phát triển ngành thương mại tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thương mại theo hướng văn minh hiện đại, thân thiện với môi trường; phát triển thị trường của tỉnh trong mối quan hệ với thị trường của vùng và cả nước. Xây dựng thương hiệu sản phẩm của tỉnh, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và hiệu quả xuất nhập khẩu.
Tại thị trường đô thị, sẽ tập trung đầu tư vào các loại hình thương mại hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích và chuỗi cửa hàng kinh doanh tổng hợp. Còn với thị trường nông thôn, tập trung vào việc phát triển hoạt động thương mại để cung cấp nguồn hàng nông sản cho xuất khẩu và nâng cấp các chợ truyền thống. Kế hoạch đặt ra là quy hoạch xây mới 10 chợ, nâng cấp và cải tạo 7 chợ, xây mới trên nền cũ 1 chợ trong giai đoạn 2026-2030.
Đồng thời, dự kiến xây mới ít nhất 6 siêu thị và 8 trung tâm thương mại. Nâng tỷ trọng hàng hóa và dịch vụ thông qua hệ thống chợ, siêu thị và trung tâm thương mại sẽ chiếm 60-65% vào năm 2025. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, kế hoạch xây mới một chợ đầu mối tại thành phố Ngã Bảy sẽ là bước đầu tiên tạo nên sự đổi mới cho thương mại Hậu Giang.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 65 chợ đang hoạt động, 1 trung tâm thương mại hạng III, 4 siêu thị hạng II và 22 cửa hàng bách hóa xanh. Theo thống kê, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng và lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành năm 2023 ước thực hiện được 53.200 tỉ đồng, vượt 3,3% kế hoạch, tăng 4,83% so với cùng kỳ.