Triển vọng phục hồi của nông nghiệp thực phẩm
Sở hữu khả năng chống chịu cao, ngành nông nghiệp thực phẩm được dự báo sẽ tạo ra động lực lớn cho sự phục hồi kinh tế của nước ta trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây nhiều tác động tiêu cực.
Cung cấp 27,5 triệu việc làm
Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và gây ra những tác động tiêu cực trên mọi lĩnh vực, ngành nông nghiệp thực phẩm Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia, Báo cáo Ma trận phục hồi kinh tế (Economic Recovery Matrix) do Oxford Economics thực hiện nhận định.
Cụ thể, kết quả nghiên cứu cho thấy ngành nông nghiệp thực phẩm Việt Nam đã đóng góp 86,4 tỷ USD vào GDP trong năm 2019; cung cấp 27,5 triệu việc làm - chiếm một nửa lực lượng lao động trên cả nước và là nguồn tạo việc làm quan trọng nhất trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, nông nghiệp thực phẩm cũng mang về cho Việt Nam 13,2 tỷ USD thu nhập thuế.
Trước bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhóm nghiên cứu của Oxford Economics đánh giá, tại Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 2 trên 10 quốc gia về kỳ vọng phục hồi kinh tế ngành nông nghiệp thực phẩm với số điểm 6,6/10, chỉ đứng sau Singapore.
Ngành nông nghiệp thực phẩm vẫn có khả năng chống chịu và đạt mức tăng trưởng 4% vào năm 2020, tương đương mức đóng góp tăng 3,7 tỷ USD vào GDP toàn quốc. Lý giải về điều này, báo cáo cho rằng một phần là vì Việt Nam đã ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tương đối sớm và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, những năm gần đây, người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên sử dụng những sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Nông sản Việt Nam vốn có hàm lượng dinh dưỡng cao nên dễ được khách hàng nội địa và quốc tế ưa chuộng. Với sự xuất hiện của dịch Covid-19, các nước nhập khẩu cũng hướng tới những sản phẩm chất lượng dinh dưỡng cao, do đó nông sản Việt Nam có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn.
Bên cạnh đó, ông Thủy cho rằng, sự bền bỉ của các doanh nghiệp trong việc đầu tư công nghệ để cải thiện chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm khi xuất khẩu nông sản sang các thị trường lớn đã bắt đầu cho "trái ngọt".
Tổ chức sản xuất theo hướng tập trung
Theo các chuyên gia, ở thời điểm hiện tại, vấn đề bảo vệ sức khỏe trước dịch bệnh luôn được các quốc gia đặt lên hàng đầu. Vì vậy, tiềm năng phát triển của ngành nông nghiệp thực phẩm Việt Nam sẽ lớn mạnh hơn nữa, có thể tạo ra động lực lớn cho sự phục hồi kinh tế trong nước.
Báo cáo “Tác động kinh tế của ngành nông nghiệp thực phẩm tại Đông Nam Á” năm 2020 của Food Industry Asia (FIA) cũng đưa ra nhận xét chung rằng ngành nông nghiệp thực phẩm đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hồi phục của kinh tế Đông Nam Á, tạo việc làm cũng như đưa thực phẩm lên bàn ăn với mức giá ổn định.
Trên phương diện khoa học, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho biết, Việt Nam có cả khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới. Đây là ưu thế của nước ta bởi cây trồng lương thực, thực phẩm sẽ phong phú và có sản lượng cao hơn.
Tuy nhiên, theo Oxford Economics trước mắt vẫn còn một số khó khăn. Bên cạnh rủi ro từ cung cầu thị trường thì các biện pháp chính sách tài khóa và dịch bệnh kéo dài cũng có thể làm gián đoạn đà phục hồi của nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp thực phẩm nói riêng.
Bên cạnh đó, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cho rằng, người tiêu dùng luôn chuộng sản phẩm tươi nhưng công nghệ bảo quản của nước ta chưa đạt trình độ cao, khả năng sấy lạnh để giữ nguyên mùi vị và vi chất dinh dưỡng của sản phẩm còn kém.
TS. Nguyễn Đăng Nghĩa bổ sung, diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam rất rộng, nguồn nhân lực dồi dào nhưng quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Số doanh nghiệp đầu tư bài bản vào nông nghiệp thực phẩm còn ít, chủ yếu là đầu tư vào một số công đoạn chính như chế biến, xuất khẩu. Thách thức lớn nhất ngành nông nghiệp cần sớm giải quyết là tổ chức sản xuất để có những vùng trồng tập trung, ổn định và áp dụng quy trình canh tác đồng bộ.
Giới chuyên gia khuyến nghị, ngành nông nghiệp thực phẩm cần tập trung cải thiện chất lượng, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, rau xanh, tăng cường hệ thống bảo quản gắn với vùng nguyên liệu. Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mạnh dạn đầu tư, liên kết với các hợp tác xã, trang trại và người nông dân để tránh trường hợp tư thương thu gom khiến chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Đồng thời hình thành các chuỗi giá trị gia tăng, xây dựng quy trình tổng thể trong trồng trọt để sản phẩm thu hoạch luôn ổn định về chất lượng và sản lượng cũng như giá cả. Đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, Nhà nước nên hỗ trợ về vốn để doanh nghiệp đổi mới công nghệ chế biến, cải thiện mẫu mã sản phẩm.