Triển vọng tích cực cho ngành Ngân hàng và dấu ấn của Vietcombank
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's vừa nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Xếp hạng tín nhiệm riêng đối với từng ngân hàng cũng đã được Moody's công bố, theo đó, Vietcombank được xếp hạng tín nhiệm ở mức cao nhất. Ông Lê Hoàng Tùng – Trưởng Ban Chiến lược Vietcombank đã có một số chia sẻ với phóng viên xoay quanh nội dung này.
Phóng viên: Ngày 31/10/2017 vừa qua, Moody’s đã đưa ra đánh giá nâng triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam với việc xếp hạng 15 ngân hàng, trong đó có Vietcombank, ông có bình luận gì về động thái này, thưa ông?
Ông Lê Hoàng Tùng: Moody’s là một tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín, do vậy những báo cáo mà Moody’s đưa ra là hoàn toàn có cơ sở và rất đáng tin cậy.
Tháng 12/2014, Moody’s thông báo nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “tiêu cực” lên “ổn định”, và ngày 31/10/2017 mới đây, tiếp tục nâng lên mức “tích cực".
Tôi cho rằng đây là đánh giá khách quan, phản ảnh kịp thời những chuyển biến tích cực của nền kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng tại Việt Nam thời gian gần đây cũng như sự kỳ vọng vào triển vọng trong thời gian tới.
Hai điểm nhấn đáng chú ý trong báo cáo mới phát hành của Moody’s đó là: chất lượng tài sản và mức sinh lời của các ngân hàng Việt Nam đã, đang và dự báo sẽ tiếp tục được cải thiện trong 12-18 tháng tới. Tỷ lệ nợ có vấn đề theo đánh giá của Moody’s đã giảm từ 9,4% năm 2012 xuống còn 7,1% năm 2016 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ còn 5,8% trong năm 2018.
Những đánh giá được Moody’s đưa ra trên cơ sở phân tích một cách khách quan, độc lập dữ liệu của các ngân hàng.
Trong thời gian qua, kinh tế vĩ mô và hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trên nhiều mặt; các ngân hàng Việt Nam đã hết sức nỗ lực trong việc xử lý nợ xấu; cải thiện mức sinh lời; nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro… trong bối cảnh môi trường hoạt động còn nhiều khó khăn và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Những chủ trương chính sách đúng đắn và kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như ban hành nghị quyết xử lý nợ xấu, định hướng tăng trưởng tín dụng, kiểm soát an toàn hoạt động… đã tạo hành lang và khung khổ pháp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM).
Chất lượng tài sản được cải thiện, nợ xấu ngân hàng được xử lý chính là những yếu tố giúp gia tăng đáng kể sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế và làm gia tăng chỉ số tín nhiệm của các ngân hàng, tạo được niềm tin vững chắc cho thị trường và nền kinh tế.
Xin ông cho biết một số kết quả hoạt động kinh doanh của Vietcombank thời gian qua liên quan đến đánh giá của Moody’s?
Trong hơn nửa thế kỷ qua, Vietcombank luôn đồng hành cùng quá trình phát triển của đất nước, có những đóng góp quan trọng cho ngành ngân hàng và nền kinh tế quốc dân.
Những năm gần đây, Vietcombank đã có những chuyển dịch mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh cũng như quản trị điều hành hướng tới phát triển bền vững và luôn duy trì vị thế dẫn đầu trên thị trường về chất lượng, an toàn, hiệu quả, được nhiều tổ chức uy tín trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Năm 2016, Vietcombank đạt kỷ lục về lợi nhuận (8.523 tỷ đồng), tăng 25% so với năm trước, Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên xử lý xong dư nợ xấu tại VAMC trong năm 2016, trước thời hạn 3 năm, minh bạch đưa nợ xấu về 1 sổ và chính thức kiểm soát, quản trị được chất lượng tín dụng một cách thực chất.
Riêng 9 tháng đầu năm 2017, Vietcombank tiếp tục gây ấn tượng với quy mô lợi nhuận lớn nhất hệ thống, đạt trên 7.934 tỷ đồng, tăng trên 25% so cùng kỳ; tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 1,1%, giảm mạnh so với đầu năm và đặc biệt tỷ lệ quỹ dự phòng được trích lập đã ở mức hơn 1,6 lần tổng dư nợ xấu, cao nhất trong số các ngân hàng tại Việt Nam.
Cổ phiếu Vietcombank có mức giá cao nhất ngành và liên tục nằm trong top 3 doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường.
Từ tháng 5 năm 2017, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã công bố báo cáo xếp hạng tín nhiệm riêng Vietcombank, nâng mức triển vọng từ ổn định lên tích cực với đánh giá là ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất trong các tổ chức tín dụng tại thị trường Việt Nam.
Xếp hạng tín nhiệm của Moody’s và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác đối với Vietcombank năm 2017 đều ở mức cao nhất so với các ngân hàng nội địa khác.
Có thể thấy cả hai điểm nhấn mà Moody’s đề cập trong báo cáo mới được phát hành ngày 31/10 vừa qua (chất lượng tài sản và mức sinh lời được cải thiện) đều hội đủ tại Vietcombank.
Việc Moody's nâng hạng tín nhiệm đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam có những hiệu ứng tích cực gì với ngành ngân hàng nói chung và Vietcombank nói riêng?
Động thái này giúp củng cố và gia tăng niềm tin của thị trường tài chính toàn cầu và cộng đồng đầu tư vào Việt Nam, vào các ngân hàng Việt Nam. Theo đó, cũng sẽ giúp các ngân hàng Việt Nam có thể tiếp cận các nguồn vốn quốc tế với chi phí hợp lý và giúp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp vào Việt Nam. Đó là các cơ hội mở ra cho các ngân hàng Việt Nam nói chung cũng như Vietcombank nói riêng.
Là một ngân hàng thương mại chủ đạo của hệ thống ngân hàng, nhận thức rõ những khó khăn, thách thức và cơ hội, trên cơ sở đề án cơ cấu lại ngành ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vietcombank đã chủ động xây dựng Đề án cơ cấu lại đến năm 2020.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là, Vietcombank trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam, một trong 100 tập đoàn tài chính ngân hàng hàng đầu khu vực; một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Vietcombank cũng đã xây dựng và đang triển khai hàng loạt các tiểu Đề án, Chương trình hành động.
Cùng với việc cấu trúc lại mô hình tổ chức, triển khai nhiều dự án chuyển đổi để phát triển bền vững theo chuẩn mực quốc tế như Basel II, CTOM, ALM-FTP-MPA…, Vietcombank đã từng bước chuyển dịch hoạt động kinh doanh tập trung vào 3 trụ cột chính là bán lẻ, kinh doanh vốn và dịch vụ; kiểm soát chặt chẽ và không ngừng cải thiện chất lượng tài sản; chuyển dịch cơ cấu thu nhập; tăng cường kiểm soát chi phí… và đặc biệt là chuyển dịch mạnh mẽ sang ngân hàng số.
Những bứt phá của Vietcombank trong thời gian qua đã mang đến kết quả ấn tượng, tạo nên thế và lực mới để Vietcombank vững bước tiến vào giai đoạn phát triển mới, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của thị trường, của các nhà đầu tư.
Xin cảm ơn ông!