Triệt thu phí cà thẻ

Theo nld.com.vn

(Tài chính) Ngân hàng phải chịu trách nhiệm nếu để cho các điểm chấp nhận thẻ thu phí của chủ thẻ khi thanh toán tiền mua hàng hóa.

Chủ cửa hàng sẽ bị xử phạt từ 30 - 50 triệu đồng nếu thu phí của chủ thẻ khi mua hàng hóa. Nguồn: nld.com.vn
Chủ cửa hàng sẽ bị xử phạt từ 30 - 50 triệu đồng nếu thu phí của chủ thẻ khi mua hàng hóa. Nguồn: nld.com.vn

Tuy ngân hàng không thu phí người tiêu dùng khi thanh toán tiền mua hàng hóa bằng thẻ Visa, MasterCard... qua POS (máy cà thẻ) nhưng các điểm chấp nhận thẻ lại thu phí. Đây là tình trạng đang diễn ra khiến nhiều khách hàng bức xúc.

Mâu thuẫn lợi ích

Chị Lê Thị Diệp (ngụ quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) cho biết mới đây, tại một tiệm vàng ở khu vực chợ Bến Thành, khi chị cà thẻ thanh toán tiền mua món hàng trang sức trị giá 1 triệu đồng thì chủ tiệm thu thêm 20.000 đồng (2%).

Một số cửa hàng bán máy chụp hình, xe gắn máy… tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh cũng thu phí cà thẻ từ 2%-2,5%. Khi người tiêu dùng thắc mắc về khoản phí này thì các chủ cửa hàng giải thích: ngân hàng thu phí của điểm chấp nhận thẻ quá cao nên để bù lại, họ thu phí cà thẻ từ người mua hàng hóa.

Theo các ngân hàng, do chủ thẻ Visa, MasterCard… thanh toán tiền mua hàng bằng tiền vay của ngân hàng, không trả lãi suất trong vòng 45 ngày nên ngân hàng không sinh lời trong khoản thời gian này. Trong khi đó, ngân hàng đã kết nối với các tổ chức thẻ quốc tế, Công ty cổ phần Dịch vụ thẻ SmartLink, Công ty cổ phần Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn) và phải chi trả một khoản phí cho các đầu mối này.

Mặt khác, khi người tiêu dùng mua hàng hóa và dùng thẻ ngân hàng A (nơi phát hành thẻ) để thanh toán qua POS của ngân hàng B (nơi thanh toán) tức là ngân hàng B chuyển tiền vào tài khoản của bên bán hàng ngay trong ngày. Sau đó, ngân hàng B mới đòi lại tiền từ ngân hàng A. Do đó, khi lắp đặt POS tại các cửa hàng, ngân hàng thường đưa ra điều kiện thu phí 2%/doanh số bán hàng để trang trải các chi phí liên quan, đồng thời thu về một khoản lợi nhuận nhất định.

Theo các ngân hàng, việc lắp đặt POS đem lại lợi ích cho chủ cửa hàng lẫn ngân hàng bởi xu hướng mua sắm thanh toán bằng thẻ ngày càng tăng. POS không chỉ làm tăng thêm doanh số bán hàng, tăng thêm lợi nhuận cho chủ cửa hàng mà còn giúp họ giảm chi phí quản lý, không phải chịu rủi ro về tiền giả, tiền rách, mất cắp... Tuy nhiên, nếu chủ cửa hàng thu phí cà thẻ sẽ khiến người tiêu dùng bực mình, từ chối mua hàng và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Xử phạt 30 - 50 triệu đồng

Để giải quyết tình trạng chủ cửa hàng thu phí cà thẻ, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy chế phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ. Theo đó, nếu ngân hàng phát hiện chủ cửa hàng thu phí cà thẻ thì phải dừng ký hợp đồng thanh toán thẻ trong thời hạn 1 năm. Trường hợp chủ cửa hàng tái phạm thì không được phép ký hợp đồng thanh toán thẻ 3 -5 năm.

Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với các tổ chức thẻ quốc tế Visa, MasterCard để xử lý hiện tượng thu phí của các điểm chấp nhận thẻ này. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn yêu cầu ban chỉ đạo phát triển POS tại các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan thuế, quản lý thị trường, sở công thương...và các ngân hàng trên địa bàn tiến hành kiểm tra, yêu cầu điểm chấp nhận thẻ không được thu phí. Riêng ngân hàng phải chịu trách nhiệm khi để cho các điểm chấp nhận thẻ thu phí của khách hàng.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đề nghị bổ sung quy định xử phạt từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi phân biệt giá trong thanh toán thẻ, thu phí từ chủ thẻ đối với các giao dịch thanh toán không đúng quy định pháp luật.

Giao dịch tăng 13 lần

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết Việt Nam hiện có 68,55 triệu thẻ ngân hàng, tăng 2,34 triệu thẻ so với cuối năm 2013. Trong đó, thẻ quốc tế là 6,72 triệu và trên 137.700 máy cà thẻ, giá trị giao dịch thẻ tăng 13 lần so với năm 2006.

Mạng lưới POS cũng đã được các ngân hàng kết nối, tiện lợi cho chủ thẻ ngân hàng này thanh toán qua POS của ngân hàng khác tại những điểm chấp nhận thẻ.