Trở lực chứng khoán nửa cuối năm
Trong nửa năm còn lại, đa phần các công ty chứng khoán đều nhận định rủi ro lớn nhất với thị trường chứng khoán vẫn là lạm phát.
Sau năm 2021 thăng hoa cả về điểm số và thanh khoản, diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) nửa đầu năm nay hoàn toàn trái ngược. VN-Index chốt phiên cuối tháng 6 ở mức 1.197,6 điểm, giảm 20% so với đầu năm. Sang đến tháng 7, thị trường tiếp tục biến động tiêu cực, riêng phiên 6/7, VN-Index ghi nhận giảm đến 31,68 điểm, qua đó, chỉ số thiết lập mức sâu mới trong năm 2022 tại 1.149,61 điểm, và cũng là mức thấp nhất 16 tháng qua. Thị trường đi xuống trong khi thanh khoản cả 3 sàn tương đối thấp, chỉ loanh quanh ngưỡng 15.000 tỷ đồng, phản ánh tâm lý thị trường vẫn còn rất yếu.
Hầu hết các nhóm ngành cổ phiếu đều đồng loạt rớt giá đột ngột, nhiều phiên chứng kiến la liệt mã nằm sàn, hơn 400 mã cổ phiếu “bốc hơi” 40% chỉ trong 3 tháng và không ít mã thậm chí đã mất giá lên đến 60-80%. Trên các diễn đàn, sự chia rẽ trong quan điểm ngày càng nhiều hơn. Trong khi những người nắm tiền mặt đang chờ đợi thời điểm giải ngân thích hợp khi cho rằng thị trường còn có thể giảm thêm, thì những người lỡ tay bắt đáy lại như ngồi trên đống lửa. Một nhóm khác thì tuyên bố bỏ chứng khoán sau khi trải qua những phiên giảm điểm đau thương vừa qua.
Đà giảm vừa qua cũng đã khiến giấc mộng “làm giàu” từ chứng khoán của nhà đầu tư càng trở nên xa vời, và chiến thuật hành động như thế nào trong giai đoạn này là vấn đề được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (VNCS) khuyến nghị nhà đầu tư cần xác định rõ mình thuộc trường phái đầu tư ngắn hạn hay dài hạn. Đối với nhà đầu tư ngắn hạn nên quan sát những tín hiệu vĩ mô như lạm phát chững lại, chính sách tăng lãi suất của Fed bình ổn hơn cũng như vấn đề nới room tín dụng và và không nên cố gỡ lỗ trong bối cảnh thị trường biến động như hiện tại. Còn với vị thế dài hạn, đây là vùng giá phù hợp của VN-Index, nhà đầu tư có thể giải ngân từng phần vào những cổ phiếu tốt, có kết quả kinh doanh khả quan. Chuyên gia VNCS cũng lưu ý trong giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư nên giữ vị thế quan sát để chờ thị trường ổn định và an toàn hơn.
Trở lực
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định động lực tăng trưởng chính của thị trường trong 6 tháng cuối năm sẽ đến từ khả năng đề kháng tốt của nền kinh tế trước những áp lực gia tăng từ ngoại biên, cũng như đà tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết.
“Chúng tôi kỳ vọng thị trường trong quý 3 sẽ sớm bước vào nhịp hồi ngắn hạn, phản ứng với các chỉ tiêu vĩ mô tích cực được công bố, cũng như mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2, đặc biệt sau nhịp điều chỉnh sâu ở nhóm cổ phiếu tính chu kỳ cao như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và các ngành liên quan”, báo cáo của KBSV cho biết.
Dù vậy, nhóm phân tích này lưu ý rằng thị trường chỉ thực sự có thể quay trở lại xu hướng tăng dài hạn và bền vững khi các rủi ro ngoại biên được giải toả (đặc biệt liên quan đến rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ, lạm phát và FED nâng lãi suất). Bên cạnh các rủi ro về suy thoái kinh tế Mỹ, các yếu tố khác có ảnh hưởng lên thị trường cần quan tâm là lạm phát, biến động tỷ giá, tăng trưởng kinh tế trong nước, rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chính sách tiền tệ của SBV, dịch COVID-19 tại Trung Quốc, xung đột Nga – Ukraine, diễn biến giá dầu…
Đối với dự báo triển vọng TTCK từ nay đến cuối năm, KBSV duy trì dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp trên sàn HSX ở mức 15,1%. Cùng với đó, công ty này điều chỉnh giảm mạnh P/E mục tiêu 2022 của thị trường từ 16,5 lần (đưa ra trong báo cáo chiến lược đầu năm 2022) xuống 14,3 lần, do lo ngại về các rủi ro gia tăng liên quan đến suy thoái kinh tế Mỹ. Tương ứng với VN-Index được dự báo đạt mức 1.418 điểm đến cuối năm.
Về phần mình, đánh giá về nửa cuối năm 2022, VNDirect nhận định thị trường chứng khoán sẽ được hỗ trợ bởi một số yếu tố như: Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 dự kiến đạt 7,1%; Chính phủ đẩy nhanh thực hiện gói kích thích kinh tế, bao gồm gói cấp bù lãi suất và thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công; tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết được VNDirect dự báo đạt 23% trong năm 2022 và 19% vào năm 2023. Mặt khác, công ty chứng khoán này nhìn nhận P/E VN-Index đang rất hấp dẫn so với mức lịch sử và các thị trường khác trong khu vực, khi đạt 12,9 lần, chiết khấu 22% so với P/E trung bình 5 năm, và chiết khấu khoảng 17% so với các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á.
Ở chiều ngược lại, VNDirect cho rằng các yếu tố sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán như: Căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài hơn dự kiến và lệnh phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc gây thêm lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại; Fed thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn kỳ vọng của thị trường; Lạm phát cao hơn dự kiến của Việt Nam có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và khiến chính sách tiền tệ trở nên siết chặt hơn; Bên cạnh đó, đồng đô la Mỹ mạnh lên cũng gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam, dẫn đến nguy cơ rút vốn đầu tư gián tiếp khỏi Việt Nam, đồng thời gia tăng áp lực lên nợ công.
VNDirect đánh giá, ở kịch bản cơ sở, VN-Index đạt 1.330 điểm vào cuối năm 2022 (tương đương P/E ở mức 12,5 lần). Còn trong trường hợp tích cực, chỉ số chính sẽ đạt 1.500 điểm (tương đương P/E khoảng 14 lần).
Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) kỳ vọng VN-Index sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay và quay lại vùng 1.300-1.530 điểm. Dù vậy, lạm phát và chính sách lãi suất là 2 rủi ro chính cần theo dõi trong nửa cuối năm.
“Thị trường chứng khoán trong nước sẽ tiếp tục biến động theo các thông tin lạm phát, lạm phát kỳ vọng, và hành động của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục dự trữ liên bang Mỹ”, Mirae Asset lưu ý.