Trồng dừa sáp cho hiệu quả kinh tế cao
Dừa sáp là một loại trái cây đặc sản có nguồn gốc từ tỉnh Trà Vinh. Hiện nay, bằng các biện pháp nhân giống hiện đại, giống dừa này đã được trồng ở nhiều địa phương, trong đó có Hậu Giang.
Anh Nguyễn Văn Sơn, ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, người đã tiên phong trong việc đem trái dừa sáp đến với Hậu Giang. Anh Sơn cho biết: “Dừa sáp không khó trồng, năng suất cũng khá cao nên tôi quyết định thử sức, mua giống đem về trồng tại mảnh đất quê nhà, với mong muốn đem lại lợi nhuận cao cải thiện đời sống gia đình”.
Chia sẻ về ý tưởng trồng dừa sáp, anh Sơn cho biết: “Mới đầu cũng chỉ coi trên đài, rồi thấy ở các trang mạng internet, sau khi tìm hiểu thì tôi chọn trồng loại dừa này vì thấy khá phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Nguồn cây giống tôi đặt mua từ Trường Đại học Trà Vinh, giá một cây giống dừa sáp là 800.000 đồng. Sau 4 năm thì hiện tại vườn dừa sáp cũng ra trái chiến, năng suất đạt được khá cao, tỷ lệ cho sáp đạt đến 95%. Từ hiệu quả đã đạt, tôi còn dự định sẽ mở thêm khu du lịch sinh thái, vừa bán dừa sáp vừa để bà con tham quan vườn dừa”.
Năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh nghiên cứu nhân giống thành công giống dừa sáp cấy mô tế bào và hiện nay được trồng nhiều ở các tỉnh, trong đó có Hậu Giang.
Dừa sáp được biết là một trong các giống dừa có giá trị kinh tế rất cao. Điểm nổi bật của giống dừa này là cơm dừa có đặc điểm đặc quánh, sền sệt, hàm lượng dinh dưỡng rất cao, cơm dừa có mùi thơm đặc trưng, nếu làm thức uống giải khát vô cùng bổ dưỡng và được thực khách rất ưa chuộng.
Ông Nguyễn Văn Bảnh, ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi mô hình trồng loại dừa sáp cấy mô tế bào. Với diện tích 1,5ha, trồng 220 cây dừa sáp giống, tổng chi phí đầu tư ban đầu cho mô hình là 180 triệu đồng, các khoản chi phí khác khoảng 20 triệu đồng. Sau 4 năm trồng, chăm sóc và được cán bộ ngành nông nghiệp thành phố Ngã Bảy quan tâm thường xuyên tham gia cùng chủ hộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, đã cho thu hoạch đạt kết quả khả quan, tỷ lệ trái cho chất lượng sáp đạt từ 90-95%.
Hiện, giá bán cho thương lái tại vườn dao động từ 80.000-120.000 đồng/trái. Anh Sơn cho biết vườn dừa đã cho trái hơn 100 gốc, năm đầu ước thu hoạch sản lượng mỗi gốc từ 100-150 trái/năm và doanh thu cho vườn dừa đạt khoảng 1,5 tỉ đồng/năm đầu. Sau khi trừ chi phí đầu tư và việc thu hồi vốn, còn lại những năm tiếp theo là phần lợi nhuận mỗi năm ước có thể lên đến 2 tỉ đồng/năm.
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thành, cho biết: Để thực hiện đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp trước tác động biến đổi khí hậu, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, cần phải chú trọng chọn những cây trồng cho giá trị kinh tế cao, tạo ra sản phẩm chất lượng, đặc trưng của địa phương gắn với phục vụ nhu cầu du lịch, công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm.
Trên cơ sở đó, xã lựa chọn triển khai mô hình này, bước đầu qua khảo sát các hộ thực hiện đều cho kết quả khả quan. Thời gian tới, các địa phương sẽ tham mưu UBND thành phố nhân rộng mô hình theo hướng có trọng tâm, chọn lọc địa bàn, hộ gia đình có điều kiện phù hợp, kết hợp liên kết các cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định cho cây dừa sáp Hậu Giang.