Trong mùa dịch COVID-19: Tiền nhàn rỗi có nên đổ vào bất động sản?

Theo Văn Dũng/nhadautu.vn

Có trong tay một số tiền nhàn rỗi nhưng phân vân không biết nên gửi ngân hàng để hưởng lãi suất hay kinh doanh vàng, chứng khoán, bất động sản (BĐS) để sinh lời? Đây có lẽ là câu hỏi chung của rất nhiều người dân ở TP. Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.

 Giá đất ở TP. Đà Nẵng đang chạm đáy trong vòng gần 3 năm trở lại đây. (Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet)
Giá đất ở TP. Đà Nẵng đang chạm đáy trong vòng gần 3 năm trở lại đây. (Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet)

Đầu tư vào BĐS?

Chị Cẩm Tú (ở quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) chia sẻ, trong thời điểm này thì việc lựa chọn đầu tư kinh doanh như mở quán cafe, dịch vụ ăn uống… sẽ gặp không ít khó khăn do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều hàng quán đã phải đóng cửa vì vắng khách. Còn đầu tư vào vàng, chứng khoán thì lên xuống thất thường trong thời gian rất ngắn nên cũng khó theo kịp.

Theo chị Tú, đầu tư kinh doanh nếu chọn sai thời điểm, hay theo trào lưu cũng như phương án đầu tư không hiệu quả có thể khiến khoản vốn đầu tư khó bảo toàn, còn nếu gửi tiết kiệm thì chỉ bảo toàn được đồng tiền chứ không sinh lời được bao nhiêu.

“Từ đầu năm cho đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) ở Đà Nẵng, Quảng Nam đang chạm đáy trong vòng gần 3 năm trở lại đây. Tôi đã tìm hiểu kỹ và quyết định sẽ đầu tư vào BĐS trong thời điểm này”, chị Tú nói.

Anh Nguyễn Tuân (ở quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) cho hay, anh vừa mua một lô đất ở khu đô thị Ngọc Dương Riverside (ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) với giá chưa đến 2,5 tỷ đồng.

Theo anh Tuân, thời gian cuối năm 2019, giá đất ở những vị trí đắc địa của khu này có giá trên 3 tỷ đồng nên anh không đủ tiền để mua. “Cách đây vài hôm, tôi nghe thông tin lô đất mà trước tết tôi hỏi có giá trên 3 tỷ đồng, giờ xuống còn dưới 2,5 tỷ đồng nên tôi quyết định xuống tiền mua ngay không sẽ không có cơ hội”, anh Tuân nói.

Theo phân tích của anh Tuân thì ở khu đô thị này có vị trí rất đẹp, hồ sơ pháp lý đã hoàn thiện, cơ sở hạ tầng đã xong hơn 90%, giá lại phù hợp. Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án này là Tập đoàn Đất Quảng lại là một đơn vị có tiếng uy tín bậc nhất nhì ở đây. Do vậy anh không ngần ngại xuống tiền lấy lô đất bấy lâu anh thích mà giờ lại rẻ gần cả tỷ đồng.

Anh Tuân cho rằng, trong thời gian dịch bệnh đang diễn ra, ít người giao dịch nên giá mới xuống như thế. “Nếu tôi không mua đợt này thì cũng không biết đến khi nào mua được lô đất ưng ý như trên”, anh Tuân nói thêm.

Chuyên gia nói gì?

Trao đổi với Nhadautu.vn, bà Đặng Thị Hồng Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Minh Land (ở TP. Đà Nẵng) cho hay, thời gian gần đây giá đất đã chạm đáy nên rất nhiều người dân đã dùng tiền nhàn rỗi để mua vào. Bên cạnh đó, những người có nhu cầu ở thật sự cũng đang tìm lô đất ưng ý để xuống tiền.

Theo bà Minh, thời gian qua, giá đất ở Đà Nẵng và Quảng Nam đã giảm từ 30-40% tuỳ vị trí. Đến nay giá đất đang chạm đáy trong vòng gần 3 năm trở lại đây, nhưng lần này chạm đáy không phải hoàn toàn do dịch bệnh, mà do chu kỳ hàng năm. “Việc giá đất xuống đáy cũng được các chuyên gia BĐS, ngân hàng tính từ trước nên không có gì là bất ngờ cả”, bà Minh nói.

Cũng theo bà Minh, thời gian này những người có nhu cầu mua đất sử dụng thực thì nên mua, vì hạ tầng ở TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã được đầu tư quá bài bản nên giá BĐS ở đây không thể xuống hơn được nữa.

Ông Nguyễn Hà Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển địa ốc Trung Tín (TP. Đà Nẵng) cho biết, khó khăn chung của thị trường BĐS là đang bị bao trùm bởi tâm lý lo lắng dịch bệnh của khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, nhà đầu tư cũng phân ra nhiều dạng, một số người lo lắng thì đem tiền gửi ngân hàng lấy lãi suất, những người lạc quan thì họ vẫn tìm mua đất trong thời gian đất đang chạm đáy.

Theo ông Tuấn, nhiều nhà đầu tư họ lạc quan là bởi so với các kênh đầu tư khác thì thực tế đất đai vẫn là tài sản không những để ở mà còn có giá trị gia tăng trong thời gian tới. “Nếu so với các kênh đầu tư như vàng, hay chứng khoán thì khách quan mà nói BĐS vẫn là nhu cầu gắn liền thiết thực với tâm lý sở hữu của số đông. Dù nó có biến động nhưng nhu cầu luôn có và không thể mất đi”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho rằng, dòng tiền nhàn rỗi trong dân vẫn đang âm thầm chảy vào các phân khúc BĐS được xem là an toàn, ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như các dự án có hạ tầng hoàn thiện, pháp lý đầy đủ hay đất lẻ trong dân… Bởi loại hình này có thể mua bán sang tên ngay và không bị ràng buộc bởi kiểu mua bán hợp đồng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, thực trạng vừa qua các nhà đầu tư đang có tâm lý nghe ngóng, chờ đợi và có hiện tượng các nhà đầu tư “co tiền” về để chờ thời cơ.

Theo ông Đính, năm 2019, thị trường BĐS ở Đà Nẵng và Quảng Nam có nhiều vấn đề xảy ra như tranh chấp, kiện tụng, condotel vỡ trận… dẫn đến nhiều nhà đầu tư mất niềm tin nên đã chuyển sang đầu tư các kênh khác như đầu tư vàng, chứng khoán. Tuy nhiên, giá BĐS sẽ luôn tăng tỷ lệ thuận với thực tế đầu tư vào hạ tầng, do đó, trong thời gian tới giá BĐS ở đây sẽ hồi phục trở lại.

Ông Đính nhận định, giá BĐS ở đây không cao so với mức đầu tư cơ sở hạ tầng của địa phương nên giá trị của nó sẽ không thể giảm hơn được nữa và đây là cơ hội tốt cho người có nhu cầu thực sự mua để ở.