Trong top người giàu trên sàn chứng khoán, các nữ tướng quyền lực có tài sản ra sao?

Theo Nguyễn Long/diendandoanhnghiep.vn

Họ là những nữ tướng, những nhà kinh doanh tài hoa sở hữu khối tài sản đứng trong top những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch Thường trực HDBank

Trong top người giàu trên sàn chứng khoán, các nữ tướng quyền lực có tài sản ra sao? - Ảnh 1

Theo số liệu thời gian thực của Forbes, tổng tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air đã tăng lên 3,1 tỷ USD, đưa bà Thảo trở thành người giàu thứ 987 thế giới. Trong số các nữ tỷ phú trên thế giới, bà Thảo hiện là người giàu thứ 119. Hiện bà Thảo đang nắm giữ cổ phiếu HDB và VJC với tổng giá trị gần 8,5 nghìn tỷ đồng.

Theo Business Insider, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỉ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam. Bà cũng là người sáng lập hãng hàng không chi phí thấp Vietjet vào năm 2011 và đã từng bước xây dựng Vietjet dần lớn mạnh, trở thành hãng hàng không nổi tiếng trong khu vực.

Chính Vietjet đã tạo nên một cú hích kích cầu cho nhu cầu đi lại bằng hàng không tại Việt Nam, vốn trước đây được coi là chỉ dành cho người giàu. Vietjet hiện có đường bay đến hầu khắp các tỉnh, thành tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực châu Á.

Câu nói của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, được giới đầu tư nhắc đến nhiều trong năm 2021, gắn với sáng kiến công nghệ cùng FPT giải quyết vấn đề "nghẽn lệnh" của HoSE, là: "Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phải như London, New York, không thể nghẽn giao dịch được. Thủ tướng hãy tin tưởng ở các doanh nghiệp tư nhân. Đây sẽ là kết quả của Diễn đàn Việt Nam 2045 – Quốc gia phát triển!". 

Bà Phạm Thu Hương – Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup

Trong top người giàu trên sàn chứng khoán, các nữ tướng quyền lực có tài sản ra sao? - Ảnh 2

Bà Phạm Thu Hương là vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (MCK: VIC). Bà Hương hiện giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup và sở hữu hơn 169 triệu cổ phiếu VIC với trị giá hơn 13.000 tỷ đồng.

Bà Phạm Thu Hương được biết đến là một trong những người sáng lập Vingroup – tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam – và giữ vai trò là Phó chủ tịch thường trực thứ hai.

Bà Phạm Thu Hương rất kín tiếng. Dù nắm giữ vị trí quan trọng tại Vingroup và sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng bà Hương vẫn là dấu hỏi lớn với dư luận vì hiếm khi xuất hiện trước truyền thông công chúng. Lần gần nhất bà "ra mắt" công chúng bên cạnh người bạn đời - tỷ phú giàu nhất Việt Nam, là tại sự kiện lễ trao giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội hôm 20/1/2022.

Sự kín tiếng của bà là điểm khác biệt so với nhiều nữ tướng, phu nhân của nhiều đại gia giàu có khác trên sàn chứng khoán, và càng đặc biệt khi bà Phạm Thu Hương là người trực tiếp tham gia sâu vào công tác điều hành và là cánh tay đắc lực của chồng,

Bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn

Trong top người giàu trên sàn chứng khoán, các nữ tướng quyền lực có tài sản ra sao? - Ảnh 3

Bà Trương Thị Lệ Khanh hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) và Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC). Hiện bà Khanh đang nắm giữa hơn 79 triệu cổ phiếu VHC với trị giá hơn 6.000 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, nhờ hưởng lợi từ giá cá tra tăng mà cổ phiếu của VHC đã tăng mạnh 30% kể từ đầu năm, lập đỉnh mới 81.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 2/3/2022, đưa vốn hóa của VHC lên trên 14.000 tỷ đồng.

Vĩnh Hoàn luôn là cái tên đầu tiên được nhắc đến khi nói về ngành thuỷ sản nói chung và mặt hàng cá tra nói riêng - sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp. Thị giá cổ phiếu VHC tăng tốt trong thời gian gần đây được cho xuất phát từ câu chuyện hưởng lợi lớn khi giá bán cá tra đang dần tiến sát mức kỷ lục.

Dưới sự dẫn dắt của bà Khanh, từ một doanh nghiệp mới và đơn sơ, Vĩnh Hoàn đã khẳng định được vị thế của mình. Vĩnh Hoàn đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam. Bà Khanh được mệnh danh là nữ hoàng cá tra của Việt Nam.

Báo cáo tài chính của Vĩnh Hoàn cho biết, kết thúc năm 2021, Công ty đã đạt 9.054 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 28,66% so với năm 2020. Doanh thu hai nhóm sản phẩm chính là cá tra và phụ phẩm đều tăng mạnh, lần lượt đạt 23% và 39% so với năm 2020. Cá tra hiện vẫn là sản phẩm đóng góp chủ lực vào cơ cấu doanh thu của Công ty.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Cơ điện lạnh (REE)

Trong top người giàu trên sàn chứng khoán, các nữ tướng quyền lực có tài sản ra sao? - Ảnh 4

Xuất thân là một kỹ sư điện lạnh và là người chèo lái Công ty Cơ điện lạnh (REE) từ những năm 80-90 để phát triển thành một tập đoàn lớn hiện nay, ngay từ lúc bắt đầu sự nghiệp Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh đã sớm xác định "đây là nơi dành riêng cho mình".

Qua nhiều thăng trầm, REE hiện tại đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành cơ điện lạnh với vốn sở hữu hơn 3.000 tỷ đồng, doanh thu lợi nhuận mỗi năm thu về hàng ngàn tỷ đồng.

Bà Thanh đang nắm giữ hơn 37 triệu cổ phiếu REE (tỷ lệ 12,2%) với tổng giá trị hơn 2,7 nghìn tỷ đồng.

Cập nhật kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021, REE ghi nhận doanh thu đạt 1.898 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 924 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 40% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 5.810 tỷ đồng và 2.136 tỷ đồng, cao hơn 3% và 25% mức thực hiện năm 2020. Với kết quả này, REE đã vượt 21% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Đối với các cổ đông, đối tác chiến lược, bà Thanh gây ấn tượng bởi vóc dáng nhỏ nhắn nhưng lại là một nữ tướng quyết đoán, gần như "quân lệnh như sơn". Bà cũng là một nhà chiến lược về M&A tài ba khi đã đưa REE trở thành "thế lực" ở cả các ngành điện - nước. 

Bà Thái Hương – Chủ tịch Ngân hàng Bắc Á

Trong top người giàu trên sàn chứng khoán, các nữ tướng quyền lực có tài sản ra sao? - Ảnh 5

Bà Thái Hương sinh năm 1958 tại Nghệ An, là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank - Mã: BAB).

Bắt đầu giao dịch tại hệ thống UPCoM từ cuối tháng 12/2017, sau hơn 3 năm, cổ phiếu của BAC A BANK đã chính thức dừng giao dịch tại hệ thống này và chuyển sang niêm yết trên sàn HNX vào tháng 3/2021.

Trong suốt hơn 20 năm đảm nhiệm cương vị Tổng giám đốc kiêm chức Phó Chủ tịch, bà đã đưa Bắc Á Bank trở thành một ngân hàng uy tín tại Việt Nam với mức vốn hóa vào khoảng 500 triệu USD. Năm 2018, qui mô tổng tài sản BacABank đạt 97 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 680 tỉ đồng.

Mặc dù khá kín tiếng với báo chí nhưng bà Hương được xem là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất của giới tài chính Việt Nam. Bà cũng được phong là Anh hùng Lao động.

Sinh ra và lớn lên tại huyện Đô Lương, Nghệ An, bà Thái Hương từng lọt vào top 50 người phụ nữ "Quyền lực nhất châu Á" do Forbes bình chọn. Ngoài việc là lãnh đạo của BacABank, bà Hương còn được biết đến với vai trò là người phụ nữ đứng đầu CTCP Thực phẩm sữa TH (TH True Milk).

Bà Thái Hương nói rằng: "Chọn ngân hàng là điều rất đúng, bởi nó cũng giống "vai" một nhà tư vấn, như vai trò của tôi từ ngày xưa. Tư vấn và cấp tín dụng thì tôi cũng rất yêu quý. Hai nghề đó không hề tách rời nhau". "Dù là phụ nữ hay nam giới, khi đứng trên vai trò của một chủ doanh nghiệp thì sức mạnh về tinh thần cực kỳ quan trọng. Nhưng phụ nữ có 2 lợi thế nâng đỡ tinh thần, đó chính là sự tử tế và lợi thế được chăm sóc con cái, gia đình", bà Hương chia sẻ.

Bà Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch HĐQT của CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk

Trong top người giàu trên sàn chứng khoán, các nữ tướng quyền lực có tài sản ra sao? - Ảnh 6

Bà Lê Thị Băng Tâm sinh năm 1947 tại ở Phú Yên, hiện đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của CTCP sữa Việt Nam - Vinamilk. Bà cũng là Chủ tịch HĐQT  Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank).

Bà rất thành công trong lĩnh vực quản lí tài chính và ngân sách quốc gia và đặc biệt thành công trong công tác tài chính đối ngoại. Bà từng là Cục trưởng, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trung ương (Bộ Tài chính); Thứ trưởng, Ủy viên Ban cán sự Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); Tư vấn cấp cao cho một số tổ chức tài chính nước ngoài.

Có lẽ ít ai biết, sự phát triển của Vinamilk được như ngày hôm nay cũng có sự góp công không nhỏ của bà Tâm khi còn là Chủ tịch SCIC – Công ty mẹ của Vinamilk. Bà Tâm đã sát cánh bên Tổng giám đốc Mai Kiều Liên đưa doanh nghiệp Vinamilk từ một đơn vị nhà nước nhỏ lên vị trí thống lĩnh thị trường, vượt qua nhiều thương hiệu nước ngoài, tự tin bước tới mục tiêu công ty sữa nổi tiếng thế giới.

Từ những thành tựu ấy, có thể dễ dàng thấy được, bà Lê Thị Băng Tâm cũng là người có tư tưởng tân tiến, có cái nhìn đổi mới trong quản trị doanh nghiệp và công tác tài chính.

Nắm giữ cương vị đứng đầu ở hai doanh nghiệp lớn, song khó có thể "kiểm đếm" khối tài sản của bà Lê Thị Băng Tâm do không có số liệu thể hiện tỷ lệ sở hữu cụ thể hoặc các tài sản đầu tư tài chính của bà. Có lẽ, "khối tài sản" lớn nhất của bà Tâm chính là thành tựu ở các doanh nghiệp mà bà dày công đóng góp.

Bà Nguyễn Thị Nga – Phó Chủ tịch HĐQT của SeABank

Trong top người giàu trên sàn chứng khoán, các nữ tướng quyền lực có tài sản ra sao? - Ảnh 7

Bà Nguyễn Thị Nga sinh năm 1955, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Bà từng học qua nhiều lớp kinh tế ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Australia và là người Việt Nam đầu tiên được mời học ở George Town (Mỹ), do quĩ tài trợ của bà Hillary Clinton dành riêng cho các nhà lãnh đạo tập đoàn kinh tế.

Bà Nga hiện đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT thường trực của SeABank. Cũng tại đây, bà Lê Thu Thuỷ, con gái bà Nga, giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Trước đó, bà từng có 10 năm giữ chức Chủ tịch tại ngân hàng này.

Bà Nga còn là nhà sáng lập một trong những Tập đoàn Bất động sản lớn nhất Việt Nam, BRG Group. Tập đoàn này đang phát triển các dự án… và thực hiện các thương vụ mua bán- sáp nhập khách sạn danh tiếng Hilton Hà Nội Opera. Rất khó để ước tính đầy đủ “độ giàu” qua khối tài sản ở Tập đoàn và các Thành viên mà bà Nga đầu tư, sở hữu.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ

Trong top người giàu trên sàn chứng khoán, các nữ tướng quyền lực có tài sản ra sao? - Ảnh 8

Trong thời gian qua, với việc giá vàng liên tục đạt đỉnh mới đã hỗ trợ không nhỏ cho đà tăng của cổ phiếu PNJ. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/3, cổ phiếu PNJ giao dịch ở mức 108.000 đồng/cổ phiếu, tăng 29% trong một năm qua.

Hiện bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ đang nắm giữ hơn 6,3 triệu cổ phiếu PNJ, như vậy khi giá cổ phiếu tăng “phi mã” trong năm qua qua đã giúp bà sở hữu 689 tỷ đồng giá trị cổ phiếu.

Bà Dung được cho là nhà lãnh đạo đi đầu trong việc học hỏi công nghệ, kỹ năng từ các nước phát triển. Năm 1995, bà đã thuê chuyên gia nước ngoài từ hội đồng vàng thế giới để giúp PNJ nắm bắt những công nghệ mới. Đến năm 2006, bà đã mời giám đốc sáng tạo công ty Richard Moore Asociate – Richard Moore về PNJ nhằm giúp xây dựng thương hiệu trang sức cao cấp.

Bà trở thành Giám đốc của công ty khi tài sản vỏn vẹn chỉ 7,4 lượng vàng. Nhưng PNJ giờ đây đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, được đại chúng biết đến, niêm yết trên sàn chứng khoán.

Cơn sốt của vàng đang tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước, nổi bật là PNJ khi liên tục gia tăng lượng hàng tồn kho tích trữ trước thời điểm giá vàng tăng mạnh.

Theo báo cáo hợp nhất của PNJ, tính đến cuối năm 2021, công ty đang có lượng hàng tồn kho lên tới 8.686 tỷ đồng, tăng hơn 2.100 tỷ đồng so với năm trước đó. Trong đó, thành phẩm đạt 5.187 tỷ đồng, hàng hoá đạt 2.682 tỷ đồng.

Năm 2021, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 19.593 tỷ đồng, tăng 11,9% và hoàn thành 93,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.030 tỷ đồng, giảm 3,7% so với năm trước đó và chỉ đạt 84% kế hoạch đặt ra trong năm 2021.

Công ty Chứng khoán SSI ước tính năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng đạt 23.600 tỷ đồng tăng 20,3% và 1.420 tỷ đồng, tăng 37,4% so với cùng kỳ.