Trồng xen cây ăn quả, cây công nghiệp trong vườn cà phê
Thời gian qua, việc trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả trong vườn cà-phê khu vực Tây Nguyên đang được các địa phương và bà con nông dân triển khai thực hiện có hiệu quả. Việc trồng xen trong vườn cà-phê giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, hạn chế những rủi ro về giá cả và biến động của thị trường cà-phê.
Đến nay, diện tích trồng cà-phê khu vực Tây Nguyên khoảng 614 nghìn ha với sản lượng đạt hơn 1,7 triệu tấn. Trong đó, tỉnh Ðắk Lắk có diện tích gần 210 nghìn ha, Lâm Ðồng 173 nghìn ha, Ðắk Nông 130 nghìn ha… Ước năm 2021, toàn vùng Tây Nguyên có 138 nghìn ha các loại cây trồng được trồng xen trong vườn cà-phê. Các loại cây ăn quả được trồng xen như: sầu riêng, bơ, hồng; cây công nghiệp được trồng xen như: hồ tiêu, mắc ca, điều, dâu tằm...
Theo Cục Trồng trọt, việc trồng xen trong vườn cà-phê bước đầu mang lại thu nhập ổn định và bền vững hơn. Ðặc biệt, việc trồng xen sầu riêng, bơ và hồ tiêu trong vườn cà-phê cho hiệu quả kinh tế cao. Ðiển hình như tỉnh Lâm Ðồng lợi nhuận trồng xen cây sầu riêng đạt 265 triệu đồng/ha, cây bơ 236 triệu đồng/ha, măng cụt 225 triệu đồng/ha.
Tỉnh Kon Tum lợi nhuận trồng xen với cây sầu riêng đạt 500 triệu đồng/ha, cây bơ 100 triệu đồng/ha; tỉnh Gia Lai lợi nhuận trồng xen với cây sầu riêng đạt 225 triệu đồng/ha, cây bơ 77 triệu đồng/ha; tỉnh Ðắk Lắk lợi nhuận trồng xen với cây sầu riêng đạt từ 200 đến 350 triệu đồng/ha, cây bơ từ 100 đến 150 triệu đồng/ha. Cũng theo thống kê của các địa phương, lợi nhuận khi trồng xen hồ tiêu đạt hiệu quả kinh tế tăng từ 20% đến 30% so với trồng thuần.
Cùng với việc trồng xen cây ăn quả, cây công nghiệp thì việc tái canh, ghép cải tạo cà-phê cũng đang được các địa phương quan tâm triển khai. Theo Cục Trồng trọt, từ năm 2011 đến 2021, khu vực Tây Nguyên đã thực hiện được 166.796 ha tái canh và ghép cải tạo cà-phê. Riêng năm 2021, ước tái canh và ghép cải tạo của các tỉnh thực hiện là 14,8 nghìn ha, trong đó tái canh 10,6 nghìn ha, ghép cải tạo 4,2 nghìn ha. Hầu hết diện tích cà-phê tái canh được trồng bằng giống mới, cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng tốt và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Mặt khác, qua tái canh, ghép cải tạo góp phần nâng cao năng suất cà-phê từ 24,6 tạ/ha, sản lượng 1,310 triệu tấn năm 2014 lên năng suất 28 tạ/ha và sản lượng đạt hơn 1,6 triệu tấn năm 2020. Hiệu quả kinh tế của vườn được tái canh, ghép cải tạo tăng hơn sản xuất đại trà từ 25 đến 40 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường, việc trồng xen, tái canh, ghép cải tạo cà-phê ở Tây Nguyên hiện nay cũng gặp những khó khăn. Trong đó, trồng xen chưa có nghiên cứu đồng bộ về quy mô phát triển, vùng phát triển, loại cây trồng xen trong vườn cà-phê thời gian qua. Mặc dù quy trình kỹ thuật trồng xen canh đã được ban hành nhưng quy trình cụ thể cho từng loại cây trồng như hồ tiêu, sầu riêng, bơ, điều... mới bước đầu được áp dụng.
Do vậy, một số kỹ thuật như: giống, mật độ trồng, bón phân, tưới nước, tạo hình cho cây trồng xen và cây cà-phê chưa được tổng kết cụ thể để có điều chỉnh phù hợp. Việc trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả trong vườn cà-phê thiếu sự gắn kết doanh nghiệp về đầu ra cho sản phẩm nhất là vùng sâu, vùng xa nên hiệu quả chưa cao.
Thời điểm ra hoa, đậu quả của các loại cây trồng trên vườn có trồng xen khác nhau nên gây khó khăn trong chăm sóc. Hầu hết người sản xuất chọn một cây ưu tiên để đầu tư chăm sóc nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao theo giá trị tại thời điểm đó. Ðối với tái canh, ghép cải tạo do ảnh hưởng đến thu nhập trước mắt cho nên bà con nông dân chưa mạnh dạn thực hiện.
Cùng với đó, giá cà-phê luôn biến động, người trồng có tâm lý ngại tái canh; người nông dân khi triển khai tái canh chưa thực hiện đúng với quy trình được khuyến cáo; nhu cầu trồng tái canh lớn, trong khi năng lực sản xuất giống cà-phê tại các địa phương có hạn nên chưa đáp ứng được yêu cầu...
Nhằm bảo đảm việc trồng xen trong vườn cà-phê mang lại hiệu quả cao, thời gian tới, các địa phương cần xác định cây trồng xen cụ thể, phù hợp, bảo đảm thu nhập cho người dân; rà soát, xác định vùng trồng xen tập trung có liên kết để bảo đảm đầu ra ổn định cho nhân dân; khuyến cáo nhân dân bảo đảm mật độ, diện tích trồng xen hợp lý… Ðối với tái canh, ghép cải tạo cần xây dựng kế hoạch và triển khai cụ thể cho từng năm; vận dụng cơ chế, chính sách hiện có để đẩy mạnh tái canh cà-phê; tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích khi tham gia chương trình tái canh, ghép cải tạo…